Hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn xác định giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Đặc biệt, Đảng ta luôn khẳng định tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với nâng cao chất lượng giáo dục - yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Các quan điểm, chủ trương nêu trên của Đảng đã được thể chế hóa thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo. Cụ thể, theo kết quả rà soát, thống kê, các quy định về Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được thể hiện tại khoảng 249 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), bao gồm 16 Bộ luật và Luật của Quốc hội, 03 nghị quyết của Quốc hội, 60 Nghị định của Chính phủ, 15 Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 19 Thông tư liên tịch và 136 Thông tư.
Tuy nhiên, tổng kết thực trạng thi hành pháp luật về nhà giáo những năm qua cho thấy, công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo các cấp còn tồn tại một số bất cập như: các quy định về quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo chưa đầy đủ; các chế độ, chính sách chưa phù hợp, tương xứng với vai trò, vị thế của nhà giáo…
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày dự thảo tờ trình dự án Luật Nhà giáo. |
Vì vậy, việc xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục"; đồng thời góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng, tạo động lực cho người dạy, học và tôn vinh nhà giáo.
Các quy định phải góp phần tăng cường năng lực, động lực cho nhà giáo
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Nội vụ nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Luật Nhà giáo, tuy nhiên, cơ quan chủ trì cần xác định rõ đối tượng điều chỉnh của Luật có bao gồm cán bộ quản lý giáo dục hay không. Cùng với đó, theo đồng chí, bên cạnh các căn cứ tuyển dụng nhà giáo như chuẩn nhà giáo, nhu cầu, quỹ tiền lương, cần bổ sung tiêu chí số lượng vị trí việc làm của cơ sở giáo dục; đồng thời làm rõ trường hợp nào sẽ không yêu cầu giấy phép hành nghề dạy học khi đăng ký dự tuyển nhà giáo.
Đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát quy định về chuẩn nhà giáo giữ chức vụ hiệu trưởng, giám đốc cơ sở giáo dục với các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đã có; phân biệt giữa điều động và thuyên chuyển nhà giáo…
Theo Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các chế độ, chính sách đối với giáo viên và giảng viên giáo dục nghề nghiệp tại dự thảo Luật Nhà giáo còn khá “mờ nhạt”. Đồng chí cho biết, đặc thù của giáo dục nghề nghiệp là có nhiều ngành, nghề nặng nhọc, độc hại như cơ khí, hầm mỏ…; vì vậy, đề nghị bổ sung quy định cho phép nhà giáo dạy các ngành, nghề trên được nghỉ hưu trước 05 (năm) năm theo quy định về tuổi nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ngoài nhà giáo giảng dạy các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, còn có một lực lượng đông đảo các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trong các doanh nghiệp, nghệ nhân, người có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia vào giảng dạy các chương trình đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên, do đó, cũng cần có chính sách để khuyến khích đối tượng này tham gia vào giảng dạy giáo dục nghề nghiệp. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần nghiên cứu thêm các chế độ, chính sách đối với nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo cho người dân tộc nội trú và dân tộc thiểu số để tạo động lực cho những nhà giáo này yên tâm thực hiện công tác.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tiếp thu các ý kiến. |
Ngoài ra, hiện dự thảo Luật chỉ quy định trách nhiệm của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong ban hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo thẩm quyền. Để nâng cao trách nhiệm quản lý của nhà nước, đồng chí đề nghị bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng, ban hành các chương trình bồi dưỡng, chuẩn hoá nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.
Các thành viên Hội đồng thẩm định cũng cho ý kiến về giấy phép hành nghề dạy học, chế độ lương đối với nhà giáo, các chức danh nhà giáo, hợp đồng dạy học…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh ghi nhận và đánh giá cao sự tâm huyết, nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng Luật Nhà giáo. Thứ trưởng đánh giá dự thảo Luật đã bám sát, cụ thể hoá 5 chính sách đã được Chính phủ thông qua; đảm bảo phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng. Tuy nhiên cần tiếp tục rà soát với các quy định về chế độ, chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh kết luận cuộc họp. |
Cùng với đó, để đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát nội dung dự thảo Luật với các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, đặc biệt là Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau; Công ước số 29 về lao động cưỡng bức, Công ước số 122 về chính sách việc làm.
Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, trong đó lưu ý tính chất đặc thù trong tổ chức và hoạt động của nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập; đồng thời rà soát đối tượng áp dụng của Luật với các Luật liên quan như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp… để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về giấy phép hành nghề dạy học, theo Thứ trưởng, giấy phép này sẽ cấp cho người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhà giáo để thực hiện hoạt động giảng dạy trong cơ sở giáo dục. Vì vậy, cần cân nhắc thêm về việc quy định giấy phép hành nghề dạy học là căn cứ để đánh giá, điều chỉnh các chương trình đào tạo sư phạm, tránh tạo áp lực cho các nhà giáo. Thứ trưởng cũng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tính hợp lý của việc quy định thời hạn của giấy phép hành nghề dạy học và các trường hợp thu hồi giấy phép; cùng với đó bổ sung các quy định về quy trình, thủ tục cấp đổi, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép; điều kiện, tiêu chuẩn pháp nhân để thực hiện cấp giấy phép.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát và ghi nhận đầy đủ các quy định của lao động nữ, đảm bảo vấn đề bình đẳng giới; cụ thể hoá các chế độ, chính sách của nhà nước để phát triển đội ngũ nhà giáo và rà soát với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; bổ sung đánh giá nguồn lực nhà nước cần đầu tư để thực hiện Luật; chỉnh lý tên điều phù hợp với nội dung thể hiện; lược bỏ quy định về thanh tra, kiểm tra do đã được quy định tại các Luật chuyên ngành…