Ở đâu có người dân, ở đó có đảng viên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”; đảng viên là “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở”.
Có thể khẳng định, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng bởi đó chính là “cánh tay” đắc lực, chỗ dựa vững chắc của Đảng và Nhà nước ta.
Ngay từ thời kỳ đầu xây dựng đất nước, Đảng ta đã luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng ở vùng đồng bào DTTS, điều này thể hiện rõ trong Chỉ thị về việc bước đầu củng cố các tổ chức cơ sở vùng dân tộc thiểu số (29/11/1957). Trong đó, nêu rõ: “Hiện nay cơ sở Đảng ở vùng dân tộc thiểu số nói chung yếu. Việc xây dựng cơ sở Đảng ở những nơi chưa có, phát triển và củng cố Đảng ở nơi cơ sở yếu là một việc rất quan trọng. Việc phát triển Đảng thì được coi trọng và có kế hoạch tiến hành một cách tích cực”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên người DTTS. Nguồn: TL |
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn quan niệm việc phát triển đảng trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có vai trò hết sức quan trọng đối với việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (2006), Đảng ta đã xác định phải “Chú trọng và tăng cường công tác phát triển Đảng, sớm khắc phục tình trạng một số cơ sở, địa bàn chưa có đảng viên, tổ chức đảng”, “Đi đôi với củng cố, cần chú trọng hơn nữa công tác phát triển Đảng, nhất là ở các vùng dân tộc ít người”.
Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên trong giai đoạn mới". Nghị quyết đã xác định rõ hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó quán triệt phương châm "ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên" nhằm tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị trước mắt và lâu dài.
Vùng dân tộc thiểu số là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Báo cáo đề dẫn ngày 30/8/2023 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 của Ủy ban Dân tộc cho biết, theo kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, vùng dân tộc thiểu số có 3.350.756 hộ dân tộc thiểu số, 14.119.256 người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Khu vực trung du và miền núi phía Bắc có số người dân tộc thiểu số cao nhất (khoảng 7,0 triệu người), khu vực Tây Nguyên (khoảng 2,2 triệu người), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (2,1 triệu người), khu vực Tây Nam Bộ (1,3 triệu người), dân số còn lại sinh sống rải rác ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Với đặc thù là các địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nên công tác xây dựng, phát triển đảng trong vùng đồng bào DTTS còn gặp không ít những khó khăn, thách thức. Có thể kể đến những cái khó chung như thiếu hụt "nguồn kết nạp" đảng viên mới. Nguồn kết nạp đảng viên chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, nhưng chủ yếu thanh niên địa phương hiện nay đi học tập, lập nghiệp hoặc đi làm ăn xa, thoát ly khỏi địa phương. Một bộ phận thanh niên gắn bó với quê hương lại ít tham gia các hoạt động phong trào nên khó để phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng, cá biệt có trường hợp còn vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình do ảnh hưởng “tàn dư” của những hủ tục lạc hậu.
Bên cạnh đó, có những chi bộ trực thuộc tại địa phương hoạt động chưa hiệu quả, không thường xuyên, chưa thật sự làm tốt công tác vận động, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú để họ có động lực phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Một số tổ chức đoàn thể ở cấp xã, bản chưa tạo nhiều phong trào nhằm thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên vào hoạt động để rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.
Gian nan “bài toán” tìm nguồn
Móng Cái là thành phố biên giới nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại; có cửa khẩu quốc tế và trên 78 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Thành phố có tổng dân số khoảng 12 vạn người, có 14 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số có 1.617 hộ, 5.706 nhân khẩu, chiếm 5,3% dân số toàn Thành phố; đồng bào dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu tại 3 xã: Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa, số còn lại sinh sống xen kẽ cùng cộng đồng dân cư ở các xã, phường trên địa bàn Thành phố.
Tính đến ngày 2/9/2024, Đảng bộ Thành phố có 36 chi, đảng bộ cơ sở (25 đảng bộ, 11 chi bộ), 263 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 4.658 đảng viên. Trong đó, có 215 đảng viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 4,6%); vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 03 Đảng bộ cơ sở (Đảng bộ xã Hải Sơn, Bắc Sơn, Quảng Nghĩa) với 26 chi bộ trực thuộc, 346 đảng viên.
Là địa bàn chiến lược, có vị trí quan trọng cả về an ninh quốc phòng, kinh tế đối ngoại, việc, khó khăn mà Đảng bộ thành phố Móng Cái đang gặp phải trong công tác xây dựng phát triển đảng viên trong cộng đồng đồng bào DTTS đó chính từ yếu tố “con người”.
Do đội ngũ cán bộ người DTTS còn thiếu, trình độ chuyên môn nhìn chung chưa cao; nhận thức chính trị, tính trách nhiệm, năng động, sáng tạo, sự tâm huyết, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cán bộ vùng đồng bào dân tộc chưa đáp ứng tốt yêu cầu trong tình hình mới. Chất lượng hoạt động của một số tổ chức đảng trong vùng đồng bào DTTS chưa cao; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên còn hạn chế… Chính vì vậy, công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số dù đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn. Đơn cử, số lượng kết nạp đảng viên là người dân tộc hàng năm chưa nhiều. Một lý do đặc thù của địa phương này là do một số đồng bào DTTS vẫn còn tâm lý e dè khi vào Đảng, sợ rằng khi vào Đảng rồi sẽ khó đi lại, giao lưu, thăm hỏi với người thân ở bên kia biên giới.
Đồng chí Lê Văn Hùng - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn (TP Móng Cái) chia sẻ về thực trạng tại địa phương, một số đồng bào DTTS vẫn còn tâm lý e dè khi vào Đảng, sợ rằng khi vào Đảng rồi sẽ khó đi lại, giao lưu, thăm hỏi với người thân ở bên kia biên giới. Ảnh: Duy Đại |
Hay như tại huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, vấn đề xây dựng phát triển đảng viên trong cộng đồng đồng bào DTTS cũng gặp không ít những khó khăn do nguyên nhân. Thứ nhất, Xín Mần là huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang, với trên 90% là người dân tộc thiểu số sinh sống, địa hình phức tạp, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, vậy nên công tác vận động, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú vào Đảng cũng là một “bài toán khó”. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí còn hạn chế, với số lượng không nhỏ thanh niên địa phương đi thoát ly, học tập, làm việc ở ngoài tỉnh, một số đồng bào theo tôn giáo, dẫn đến thiếu hụt nguồn phát triển đảng viên mới.
Mặt khác, trong những năm gần đây, do thực hiện chính sách tinh giản biên chế, nguồn cán bộ tuyển dụng mới vào các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện không nhiều. Đây là một khó khăn rất lớn, trong công tác tạo nguồn bồi dưỡng phát triển đảng viên của huyện, nhiều chi bộ ở thôn vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của huyện có số lượng đảng viên rất ít.
Ông Sin Văn Đức - Phó Bí thư Huyện ủy Xín Mần chia sẻ: “Qua quá trình thực hiện, công tác xây dựng đảng nói chung và các thành viên trong đảng bộ cơ sở Xã, thị trấn nói riêng cũng gặp khó khăn. Đặc biệt, công tác đào tạo nguồn cũng bị hạn chế, vì huyện có cơ chế khuyến khích người trong độ tuổi lao động, đi lao động các tỉnh ngoài. Cơ chế này thu hút các thanh niên đi làm ăn xa vào các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn. Việc này vô tình ảnh hưởng đến quá trình học cảm tình Đảng, nhiều khi kết nạp rồi đến lúc làm thủ tục, phải học lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới thì mới đủ điều kiện chính thức, đây cũng là một cái khó khăn. Vấn đề phát sinh tiếp theo là sinh hoạt đảng, những đảng viên đi làm ăn xa, thì tỉnh cũng đã có chủ trương sinh hoạt trực tuyến và sinh hoạt bằng sổ tay điện tử, nhưng đấy vẫn là khó khăn, vì chỉ phù hợp với một số tập đoàn kinh tế có tổ chức đảng, với doanh nghiệp nước ngoài thì rất khó. Cá biệt có một số thanh niên cũng không mặn mà vào đảng vì sợ bị ràng buộc về mặt thời gian, hàng tháng phải sinh hoạt đảng”.
Đồng chí Thào A Sinh - Phó Bí thư Thường trực Thị xã Sa Pa. Ảnh: Duy Đại |
Thị xã Sapa (Lào Cai) là một trong những vùng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đông đảo. Vấn đề xây dựng, phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sapa cũng gặp những khó khăn tương tự như hai địa phương trên. Đồng chí Thào A Sinh - Phó Bí thư Thường trực Thị xã Sa Pa cho hay: “Về khó khăn, thứ nhất là trình độ học vấn cần thiết để đủ điều kiện bồi dưỡng những quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng, một số quần chúng không đủ yêu cầu. Thứ hai, đối tượng DTTS cần thu hút, bồi dưỡng kết nạp vào đảng tại Sa Pa đa phần đang trong độ tuổi lao động chính, với đặc thù là địa bàn phát triển mạnh về du lịch nên đa phần họ lựa chọn đi làm xa phục vụ các ngành nghề trong lĩnh vực du lịch, việc phát triển tạo nguồn từ đó gặp không ít trở ngại khó khăn. Khi tổ chức cơ sở Đảng giới thiệu, bồi dưỡng các em đi học cảm tình Đảng, tạo nguồn, đa phần các em, các cháu đều hỏi - vào Đảng để được gì?. Đây là thực tại cần phải có phương hướng giải quyết đúng đắn mới tháo gỡ được khó khăn này”.