Ông A và bà B là thành viên của Cty TNHH hai thành viên thành lập năm 2016. Ông A góp vốn bằng nhà xưởng, Cty đã nhận nhà xưởng và sử dụng để sản xuất, kinh doanh nhưng chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà xưởng gắn liền với quyền sử dụng đất cho Công ty. Năm 2018, ông A chuyển nhượng vốn góp cho bà C, nhưng không cho bà B biết. Vậy, trong trường hợp bà B khởi kiện ông A thì Tòa án xác định việc góp vốn của ông A vào Cty đã hoàn thành chưa và bà C có là thành viên Cty TNHH hai thành viên không?
Đây là một trong những tình huống phát sinh trong quá trình giải quyết các vụ án kinh tế, thương mại. Việc xác định tư cách thành viên của Cty TNHH hai thành viên liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên trong quá trình giải quyết vụ án.
Điều 36 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây: a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền...”.
Căn cứ vào quy định nêu trên thì ông A phải có nghĩa vụ làm thủ tục sang tên nhà xưởng cho Cty TNHH hai thành viên ngay từ khi góp vốn. Tòa án nhân dân Tối cao cũng có hướng dẫn tại Thông báo số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019, về pháp lý, thủ tục chuyển quyền chưa được thực hiện, nhưng trên thực tế Cty TNHH hai thành viên đã nhận và sử dụng nhà xưởng do ông A góp vốn từ khi thành lập (năm 2016), được xác định vào vốn điều lệ của Cty, được hạch toán là giá trị của Cty trong báo cáo tài chính hàng năm. Do đó, trong quá trình giải quyết Toà án phải căn cứ vào quá trình hoạt động của Công ty, các tài liệu có liên quan (báo cáo tài chính hàng năm, Giấy chứng nhận góp vốn...) để từ đó xác định việc góp vốn của ông A đã hoàn thành.
Trong trường hợp ông A có Giấy chứng nhận phần vốn góp theo quy định tại Điều 48 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, có tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với phần giá trị vốn góp tương ứng nhà xưởng đã được định giá; có tên trong Sổ đăng ký thành viên theo quy định tại Điều 49 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thành viên theo Điều 50, 51 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, nên mặc dù thủ tục chuyển quyền sở hữu chưa được thực hiện, nhưng ông A đã là thành viên trên thực tế của Cty.
Khoản 1 Điều 53 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 52, khoản 5 và khoản 6 Điều 54 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
a) Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
b) Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán”.
Căn cứ quy định nêu trên, Tòa án nhân dân Tối cao nhận định, việc ông A tự ý chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho bà C mà không chào bán phần vốn góp cho bà B (bà B không biết) là không đúng quy định của pháp luật nên Hợp đồng chuyển nhượng giữa ông A và bà C bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật (Điều 123 của Bộ luật Dân sự năm 2015), do đó các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận (Điều 131 của Bộ luật Dân sự năm 2015). Theo đó, bà C phải trả lại phần vốn góp đã nhận chuyển nhượng từ ông A; bà C không trở thành thành viên Công ty.