“Hàng giả” là gì?
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đề xuất sửa đổi Điều 3 quy định về khái niệm “hàng giả”.
Cụ thể, Dự thảo Nghị định bổ sung điểm c khoản 8 quy định khái niệm hàng giả gồm cả thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 Luật Dược năm 2016, đồng thời bỏ điểm g quy định hàng giả gồm cả hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 nhằm tránh gây hiểu nhầm hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ thuộc nhóm hàng giả được điều chỉnh tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP, bảo đảm thống nhất với các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Theo đó, “hàng giả” gồm: “a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hoá không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng, đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 Luật Dược năm 2016;
d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
đ) Hàng hoá có nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá giả mạo tên, địa chỉ thương nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hoá; giả mạo mã số đăng ký lưu hành hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác; e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
g) Tem, nhãn, bao bì giả”.
Điều chỉnh nhiều mức xử phạt
Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi toàn bộ nội dung Điều 10 quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm để bảo đảm tương thích với Điều 190, 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nội dung Điều 10 gồm quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển đối với các mặt hàng cấm cụ thể là thuốc bảo vệ thực vật mà nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; thuốc lá điếu nhập lậu; pháo nổ và các hàng hoá khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, hàng hoá chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.
Hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu quy định tại Điều 25 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP được đưa về quy định tại Điều 10 và được bãi bỏ tại khoản 30 Điều 1 dự thảo Nghị định, theo đó mức phạt tiền cũng được điều chỉnh giảm để bảo đảm mặt bằng chung trong chính sách xử lý đối các mặt hàng cấm khác quy định tại Điều này.
Đối với nhóm vi phạm này, mức phạt đến 200 triệu đồng áp dụng đối với hành vi sản xuất, mức phạt đến 100 triệu đồng đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận.
Đối với hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng, hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá, dự thảo Nghị định được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định xử phạt trong trường hợp thu lợi bất hợp pháp dưới 50 triệu đồng đổi nhằm bảo đảm tương thích với quy định của Bộ luật Hình sự. năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Mức phạt đối với nhóm hành vi vi phạm buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng là đến 140 triệu đồng.
Ngoài ra, dự thảo đề xuất sửa đổi, điều chỉnh mức phạt một số hành vi, như: sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa (đến 100 triệu đồng); sản xuất tem, nhãn, bao bì giả (đến 50 triệu đồng); kinh doanh hàng hóa nhập lậu (đến 100 triệu đồng); vi phạm về sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại (đến 20 triệu đồng); mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp (đến 100 triệu đồng); vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác (đến 100 triệu đồng); vi phạm về khuyến mại (đến 60 triệu đồng); vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (đến 50 triệu đồng); vi phạm về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (đến 100 triệu đồng)…