Tư nhân có quyền lập trung tâm đăng kiểm
Theo Luật Thủy sản 2003, với tàu cá có chiều dài 15m và công suất 20 sức ngựa trở lên bắt buộc phải thực hiện việc đăng kiểm. Nhưng cơ quan được giao trọng trách đăng kiểm tàu cá không chỉ thuộc khu vực nhà nước mà còn bó hẹp trong bộ ngành nông nghiệp.
Nhưng với Luật Thủy sản 2017 vừa được Quốc hội thông qua, từ 1/1/2019, khi Luật này có hiệu lực thi hành, việc thành lập trung tâm đăng kiểm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra an toàn kỹ thuật thiết kế, đóng lắp đến sử dụng tàu cá sẽ không còn “đặc quyền” Nhà nước như trước đây mà mở rộng “cửa” cho tư nhân tham gia. Cụ thể, tại các Điều 68, 69 và Điều 70 của Luật Thủy sản mới đã nhấn mạnh việc xã hội hóa đăng kiểm tàu cá. Tới đây, các tổ chức, cá nhân có quyền được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá nếu có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đội ngũ đăng kiểm viên đáp ứng yêu cầu và có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp.
Khi đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá, cơ sở đăng kiểm tàu cá có quyền thực hiện đăng kiểm tàu cá, được yêu cầu chủ tàu hoặc cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cung cấp hồ sơ thiết kế kỹ thuật, được nhận chi phí đăng kiểm, được thực hiện giám sát kỹ thuật đối với tàu đóng mới, cải hoán…
Theo Bộ NN&PTNT, việc xã hội hóa đăng kiểm tàu cá là nhằm huy động được các nguồn lực từ xã hội tham gia đầu tư vào hoạt động này, qua đó giảm tải cho cơ quan quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện việc đăng kiểm.
Có bị “biến tướng”?
Xã hội hóa công tác đăng kiểm là một bước tiến trong tư duy quản lý nhưng nếu việc kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước không chặt chẽ, hoạt động các cơ sở đăng kiểm cũng rất dễ bị “biến tướng”.
Bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Thủy sản khẳng định: Tuy Luật mới cho phép tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động đăng kiểm nhưng hoàn toàn không thả nổi về quản lý nhà nước, thậm chí còn được quản lý chặt hơn. Theo bà Huệ, Luật quy định rất chi tiết điều kiện của cơ sở thực hiện đăng kiểm tàu cá và khi nào thì được chứng nhận đủ điều kiện trước khi tham gia hoạt động từ cơ quan quản lý nhà nước.
Trao đổi với Báo PLVN, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết thêm: Mục tiêu trong xã hội hóa hoạt động đăng kiểm tàu cá là làm sao đảm bảo được sự thông thoáng, tranh thủ được các nguồn lực xã hội, thu hút được các lực lượng tham gia vào hoạt động đăng kiểm chứ không phải chỉ “đóng khung” trong bộ máy của Tổng cục Thủy sản.
Nhưng không vì thế mà thả nổi hoạt động này mà làm sao Nhà nước vẫn phải quản lý, có giải pháp quản lý hiệu quả hơn. Theo Thứ trưởng Tám, theo Luật Thủy sản 2017, Bộ NN&PTNT có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm. Theo đó, định kỳ 24 tháng sẽ thực hiện kiểm tra duy trì điều kiện của cơ sở tàu cá.
Ngoài ra, Luật đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của cơ sở đăng kiểm và đăng kiểm viên tàu cá, trong đó khẳng định: Người đứng đầu cơ sở đăng kiểm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu; đăng kiểm viên chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, phân cấp, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá…
“Trước hết chúng ta quản những cơ sở đăng kiểm có đủ điều kiện. Khi kiểm tra đáp ứng đủ nhất quyết phải chứng nhận đủ điều kiện để cho họ hoạt động. Chúng ta kiểm tra trên hệ thống, giám sát trên hệ thống để phân loại a, b, c từng loại cơ sở đăng kiểm. Những cơ sở loại a, tức là loại tốt thì tần suất kiểm tra ít đi, loại b kiểm tra mức độ tăng lên so với loại a, loại c thì chúng ta kiểm tra thường xuyên. Từ 2 lần trở lên mà vẫn không có sửa được thì chúng ta xử lý và có thể rút giấy phép, chứng nhận đủ điều kiện”- Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.
Xu hướng xã hội hóa hoạt động đăng kiểm là tất yếu khi mà đã đến lúc Nhà nước không nên phải “tốn cơm” nuôi những bộ máy cồng kềnh mà kém hiệu quả đối với những hoạt động, những dịch vụ mà Nhà nước có thể giao cho các thành phần ngoài nhà nước đảm đương khi họ có khả năng, có nguồn lực để thực hiện. Hy vọng Luật Thủy sản mới khi có hiệu lực thi hành sẽ tạo ra những đột phá, những bước tiến mới trong hoạt động đăng kiểm tàu cá, qua đó giúp ngư dân, các doanh nghiệp khai thác thủy sản sẽ có điều kiện tốt nhất vươn khơi, bám biển làm giàu và bảo vệ chủ quyền biển đảo.