WHO “điểm mặt” nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng Covid ở Ấn Độ

Một phòng tiệc đã được chuyển đổi tạm thời thành khu điều trị Covid-19 ở Delhi. Ảnh: Naveen Sharma/SOPA Images
Một phòng tiệc đã được chuyển đổi tạm thời thành khu điều trị Covid-19 ở Delhi. Ảnh: Naveen Sharma/SOPA Images
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các cuộc tụ tập đông người, tỷ lệ tiêm chủng thấp và các biến thể dễ lây lan hơn đều là nguyên nhân dẫn đến sự lây nhiễm tăng vọt khiến Ấn Độ chìm trong khủng hoảng Covid.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết làn sóng Covid-19 thứ hai gây chết người ở Ấn Độ là do một "cơn bão hoàn hảo" của các cuộc tụ tập đông người, tỷ lệ tiêm chủng thấp và nhiều biến thể dễ lây lan hơn.

TS. Tedros Adhanom Ghebreyesusi - Người đứng đầu WHO: “Tình hình ở Ấn Độ còn quá đau lòng. WHO đang làm mọi thứ chúng tôi có thể."

Phát biểu hôm thứ Ba – 27/4, người phát ngôn của WHO Tarik Jašarević cảnh báo, không nên đổ lỗi cho các đột biến của virus là nguyên nhân duy nhất gây ra thảm họa “sóng thần” nhấn chìm Ấn Độ trong những tuần gần đây, đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này đến bờ vực sụp đổ. Theo ông, hành vi tự mãn cũng đóng vai trò trong cuộc khủng hoảng này.

Một biến thể virus corona được tìm thấy đang lưu hành ở Ấn Độ, biến thể B1617 với hai đột biến, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn, theo một số tài liệu khoa học sơ bộ và thông tin từ các bác sĩ ở tuyến đầu.

Ông Jašarević cho biết: “Vẫn chưa rõ ràng về mức độ mà những biến thể của virus này làm gia tăng nhanh chóng các ca bệnh, vì có những yếu tố khác như các cuộc tụ tập đông người gần đây đều có thể đã góp phần vào sự gia tăng”.

WHO cũng cho biết, áp lực không cần thiết đang đặt lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ bởi những người đến bệnh viện trong tình trạng hoảng sợ khi họ có thể hồi phục sau Covid-19 tại nhà. Chỉ có khoảng 15% bệnh nhân Covid-19 phải điều trị tại bệnh viện. Cần tăng cường sàng lọc và phân loại bệnh nhân hiệu quả để đảm bảo mọi người nhận được sự chăm sóc mà họ cần.

Ấn Độ ghi nhận thêm một ngày có hơn 300.000 ca mắc mới vào ngày 27/4 và 2.771 ca tử vong mới. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế tin rằng con số chính thức cao hơn nhiều, với các bang đông dân như Uttar Pradesh và Gujarat bị cáo buộc tính toán thấp hơn thực tế. Do các phòng xét nghiệm quá tải, nhiều người có triệu chứng đã không thể làm xét nghiệm.

Theo Guardian, các bác sĩ cho biết, tỷ lệ dương tính Covid-19 ở Delhi tiếp tục tăng lên hơn 35%, trong khi ở thành phố Kolkata ở Tây Bengal, một bang vẫn đang trải qua các cuộc bầu cử cấp bang bị chỉ trích nặng nề, con số này là gần 50%.

WHO là một phần của nỗ lực quốc tế viện trợ cho Ấn Độ, khi quốc gia này đang bị tê liệt vì tình trạng thiếu oxy và thiết bị y tế trầm trọng. Người đứng đầu WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết họ sẽ gửi 4.000 thiết bị tạo ôxy tới Ấn Độ và triển khai lại hơn 2.000 chuyên gia ở Ấn Độ để hướng tới các nỗ lực ứng phó với đại dịch.

Vào sáng thứ Ba, một chuyến bay từ Vương quốc Anh mang theo các vật tư y tế quan trọng, trong đó có máy thở, đã hạ cánh xuống Delhi. Sáu bình chứa oxy đã được đưa đến từ DubaiTổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết cung cấp nguyên liệu liên quan đến oxy và vắc xin. 

Cuộc khủng hoảng đã khiến quân đội Đức phải cung cấp một nhà máy sản xuất oxy lớn trong khi Pháp cho biết họ sẽ gửi nguồn cung cấp cho Ấn Độ qua đường hàng không và đường biển, bao gồm 8 máy tạo oxy, bình chứa oxy lỏng và 28 mặt nạ phòng độc.

EU cho biết họ sẽ gửi thuốc và oxy tới Ấn Độ trong những ngày tới. “EU đang tổng hợp các nguồn lực để đáp ứng nhanh chóng yêu cầu hỗ trợ của Ấn Độ”, Ursula von der Leyen, Chủ tịch ủy ban châu Âu, cho biết trên Twitter.

Những cam kết hỗ trợ cũng đến từ Đan Mạch, Ả Rập Saudi, UAE, Australia và Bhutan. 

Nhiều người lo sợ rằng viện trợ quốc tế được gửi đến Ấn Độ sẽ không đủ để lấp đầy khoảng trống nghiêm trọng về nguồn cung cấp oxy, vốn đang ảnh hưởng đến các bệnh viện ở Delhi và Uttar Pradesh, mặc dù thủ hiến của bang khẳng định không có tình trạng thiếu oxy, và đe dọa các bệnh viện tư nhân với cáo buộc hình sự nếu họ "tung tin đồn" về tình trạng khan hiếm oxy.

Trong khi đó, ở Delhi, khói cuồn cuộn từ hàng chục giàn hỏa thiêu bên trong một bãi đậu xe đã được biến thành một lò hỏa táng tạm bợ. Jitender Singh Shanty, người đang điều phối việc hỏa táng khoảng 100 thi thể mỗi ngày tại địa điểm ở phía đông thành phố, nói với AFP: “Nếu nhận được nhiều thi thể hơn thì chúng tôi sẽ phải hỏa táng trên đường. Ở đây không còn chỗ trống nữa ”.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.