Con số trên còn cao hơn số ca nhiễm của cả năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, theo AP.
Trong khi nhiều quốc gia nới lỏng các hạn chế, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng không nên đánh giá thấp Omicron, mặc dù nó đã được chứng minh là ít gây bệnh nặng hơn các biến chủng trước đó. Ông cũng viện dẫn “một sự gia tăng rất đáng quan ngại về tỷ lệ tử vong ở hầu hết khu vực trên thế giới".
“Chúng tôi quan ngại về việc một số quốc gia có quan điểm rằng nhờ có vaccine và khả năng lây lan nhanh nhưng ít nghiêm trọng của Omicron, việc ngăn ngừa virus lây lan không còn khả thi và cần thiết nữa", tổng giám đốc WHO cho biết.
Tổng giám đốc WHO cho biết đã có 90 triệu ca nhiễm kể từ khi biến chủng Omicron xuất hiện. Ảnh: Reuters. |
“Còn quá sớm để bất kỳ quốc gia nào đầu hàng hoặc tuyên bố chiến thắng", ông cho biết thêm.
“Bây giờ không phải là lúc để dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch cùng một lúc", Maria Van Kerkhove, chuyên gia hàng đầu của WHO về COVID-19, cho biết. Đồng thời, bà cho biết các quốc gia nên dỡ bỏ các biện pháp theo cách chậm mà chắc.
Trong khi đó, tiến sĩ Michael Ryan, quan chức cấp cao của WHO, cho biết, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao cũng nên đánh giá nhiều yếu tố trước khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Mỗi quốc gia cần phải vạch ra chiến lược cụ thể, chứ không nên mù quáng làm theo các nước khác, ông cho biết thêm.
WHO cho biết 4 trong số 6 khu vực trên toàn thế giới đang chứng kiến số ca tử vong có xu hướng gia tăng.
Nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, bao gồm Anh, Pháp, Ireland và Hà Lan. Phần Lan sẽ chấm dứt các hạn chế COVID-19 trong tháng này.