Riêng đối tượng Hồ Tân An (SN 1976, quê thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã bỏ trốn khỏi địa phương nên cơ quan công an tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định truy nã trên toàn quốc.
Suốt 5 năm lẩn trốn, cuối cùng đối tượng An cũng sa lưới vì đặc điểm bàn tay bị tật đã “phản chủ”.Vừa qua, TAND Thừa Thiên Huế mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo An về tội “trộm cắp tài sản”.
Vụ trộm cắp gây chấn động dư luận
Vụ trộm cắp gây chấn động dư luận một thời, diễn ra từ năm 2011. Sáng 26/9/2011, Thái Minh Hùng đến gặp Hồ Tân An tại nhà An đang thuê ở tỉnh Bình Dương, bàn nhau đi lấy trộm két sắt đựng tiền.
Nghe vậy, An kể với Hùng, vào khoảng năm 2008, trong khi An đi phụ xe chở gỗ tràm bán cho nhà máy xay gỗ đóng gần chân đèo Phú Gia, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, nên biết được ở phòng hành chính của nhà máy này có két sắt, hằng ngày vẫn lấy tiền ra chi trả khi nhập nguyên liệu.
Cả hai lên kế hoạch, An chịu trách nhiệm gọi thêm người chuẩn bị phương tiện, còn Hùng sẽ tìm thêm đồng bọn, ra Huế trộm cắp tài sản. Hùng điện thoại rủ Huỳnh Văn Cường và Trần Văn Tâm. Tâm sau đó lại điện thoại rủ thêm Nguyễn Văn Ngọc gia nhập băng nhóm.
An điện thoại rủ Nguyễn Văn Hải kiếm xe ôtô làm phương tiện di chuyển ra Huế để “khoắng” két sắt. Hải đến nhà bà Dung hỏi mượn xe ôtô hiệu Toyota Innova, vờ bảo đi giải quyết công việc ở tỉnh Quảng Nam.
Đến khoảng 18h30 cùng ngày, Hải điều khiển xe ôtô trên chở An đến đón Hùng và Cường tại ngã ba đường đi Vũng Tàu; đón Tâm và Ngọc đang đứng trước Khu công nghiệp Biên Hòa.
Sau khi mọi người đã nhập bọn đông đủ, Hải và An thay nhau điều khiển xe ôtô đi suốt 1 đêm và một ngày. Chiều hôm sau, khi mặt trời gần xế bóng, cả bọn đến đèo Phú Gia thuộc xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lúc này, An kêu Hải dừng xe ở trên đèo rồi chỉ cho đồng bọn quan sát toàn bộ khuôn viên, địa hình khu vực của Công ty liên doanh trồng và chế biến cây nguyên liệu giấy xuất khẩu Huế (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn liên doanh nguyên liệu giấy Huế).
An mô tả khu vực phòng Hành chính của công ty nơi có két sắt đựng tiền, để đồng bọn xác định địa điểm, tìm cách đột nhập vào lấy cắp tài sản. Sau khi đã quan sát kỹ, cả bọn chạy xe về trung tâm huyện Phú Lộc ăn uống, chờ trời tối để gây án.
Khi đồng hồ điểm 10h đêm, Hải chở cả bọn quay lại dừng trên đèo Phú Gia. Hùng, Tâm, Cường và Ngọc mang theo dụng cụ đã chuẩn bị sẵn, cuốc bộ băng qua dốc đèo trồng toàn keo tràm tiếp cận công ty, thực hiện công cuộc “đào tường khoét vách”. Riêng Hải và An chạy xe về đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô đợi đồng bọn gọi điện thì quay lại đón.
Bị cáo An |
Vụ trộm tiền tỉ
Nhóm đạo chích khi đi bộ đến sát bờ tường phía sau công ty thấy công ty vẫn còn đang hoạt động, đèn đuốc sáng trưng nên đành trèo tường ra lại bên ngoài ẩn náu, chờ đến khuya mới đột nhập vào lấy cắp tài sản.
Ngồi ngoài rừng đến tận 1h sáng hôm sau, cả bọn mới bắt tay hành động. Hùng trèo tường rào vào trước dùng kềm cộng lực cắt song sắt cửa sổ phía sau phòng Hành chính của công ty, rồi đồng bọn cùng nhau lần lượt chui vào.
Khi vào được bên trong bọn chúng thấy có 22 két sắt để cạnh nhau. Bọn chúng liền lấy sổ sách, chứng từ trên bàn làm việc lót xuống dưới nền nhà rồi lật ngửa két sắt nhỏ nằm lên trên để hạn chế tiếng động khi cạy phá.
Đến khoảng 3h sáng cùng ngày, bọn chúng cậy bung được nắp khóa két sắt, Hùng lấy số tiền hơn 3 tỷ đồng bên trong két sắt bỏ vào túi xách màu đen có sẵn trên nóc tủ đựng hồ sơ, rồi cả bọn thoát ra ngoài.
Hùng gọi điện thoại cho đồng bọn lái xe ôtô quay lại dốc đèo Phú Gia đón, sau đó cả nhóm lái xe một mạch vào tỉnh Đồng Nai.
Trên đường đi Hùng, Tâm, Cường và Ngọc cởi giày, găng tay vứt dọc đường để phi tang. Khi đến địa phận tỉnh Quảng Nam, Hùng lấy tiền chia cho Tâm 330 triệu đồng, Cường 470 triệu đồng, Ngọc 470 triệu đồng, Hải 454 triệu đồng, Hùng 490 triệu đồng và An 483 triệu đồng.
Sau ngày gây án, từ tháng 10/2011 đến đầu năm 2012, các đối tượng Tâm, Hải, Cường, Ngọc, Hùng lần lượt sa lưới. Riêng An bỏ đi nên bị truy nã trên toàn quốc. Công na ra quyết định tách vụ án hình sự đối với hành vi “trộm cắp tài sản” của Hồ Tân An, đến khi bắt được sẽ xử lý sau.
Các đối tượng Hùng, Tâm, Cường, Ngọc, Hải ngoài gây ra vụ trộm nêu trên, còn gây ra nhiều vụ trộm cắp két sắt của nhiều công ty, xí nghiệp và các gia đình giàu có tại tỉnh Tây Ninh, nên ngày 9/5/2012, VKSND tỉnh Thừa Thiên – Huế ra quyết định chuyển vụ án hình sự gồm 5 bị can này cùng các vật chứng cho công an tỉnh Tây Ninh để nhập vụ án điều tra, xử lý theo pháp luật.
Tại phiên sơ thẩm do TAND tỉnh Tây Ninh xét xử vào tháng 8/2012, các đối tượng trên đã nhận hình phạt đích đáng cho các hành vi trộm cắp mà mình gây ra. Theo đó, Hùng bị tuyên phạt 20 năm tù, Cường 17 năm tù, Ngọc 15 năm tù, Tâm 16 năm tù và Hải 8 năm tù.
Đối với Hồ Tân An, mặc dù gần 5 năm qua, lực lượng cảnh sát quyết tâm truy bắt, nhưng đối tượng đã dùng những thủ đoạn tinh vi để trốn thoát. An vốn sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị nhưng nghỉ học sớm rồi tha phương tận miền Nam làm thuê làm mướn mưu sinh.
An lấy vợ, rồi sinh được 2 đứa con, cả nhà sống tại phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM. Sau một thời gian dài truy lùng, cuối cùng An bị công an tóm ngay tại địa chỉ trên vào ngày 10/10/2015. Đối tượng được đưa về trụ sở công an phường Linh Xuân lấy lời khai, sau đó được di lý về Huế để phục vụ công tác điều tra, hoàn tất hồ sơ vụ án.
Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế xét xử mới đây, trả lời câu hỏi của những năm qua, bị cáo đã ở đâu, An cho biết, để trốn lệnh truy nã, An dạt khắp nơi.
Khi sang Lào, lúc lại dạt qua Campuchia, cuộc sống luôn phải thấp thỏm lo âu. Phải trốn chui trốn lủi như loài chuột cống suốt ngày chẳng thể nhìn thấy mặt trời. Vì nhớ vợ, nhớ con, nên An đành đánh liều về thăm nhà, không ngờ lại bị bắt, vì đặc điểm nhận dạng của cánh tay bị tật.
Tòa: “Sau khi trộm được tiền, các bị cáo chia chác thế nào? Vì sao lại có sự chênh lệch người nhiều, người ít?”. “Dạ lúc đó tiền nhiều quá, nên không đếm được. Cứ chia lần lượt mỗi người một cục cho đến khi hết”. “Số tiền trộm cắp được, bị cáo đã dùng vào việc gì?”. “Dạ bị cáo đã tiêu xài cá nhân hết”.
Ngồi bên dưới, người thân bị cáo vượt quãng đường từ Quảng Trị vào Huế dự khán, ai nấy mặt mày buồn xo. Một người rầu rầu: “Hắn đi trộm cả một đống tiền, tiêu xài đâu bên ngoài hết, chứ có đem đồng mô về nhà.
Nhưng giờ cha nó phải chạy vạy vay mượn, để bồi thường cho con. Hôm cơ quan chức năng đến nhà hắn tìm hiểu, nhìn căn nhà rách bươm cũ nát của cha mạ hắn, mà không nén nổi tiếng thở dài ngán ngẩm”.
Vợ con An không về dự khán. Mẹ bị cáo bị bệnh, sợ bà đau lòng khi nhìn thấy cảnh con trai nơi vành móng ngựa, nên người nhà không cho bà đi cùng.
Cha bị cáo già nua, ốm tong teo, mặt mày đen đúa, khắc khổ cùng vài người thân đến dự khán. Sau ngày con trai bị bắt, ông vay mượn khắp nơi, được 50 triệu đồng, nộp cho cơ quan điều tra, giúp con trai khắc phục một phần thiệt hại.
Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự bồi thường số tiền 3 tỷ đồng cho công ty TNHH liên doanh nguyên liệu giấy Huế, TAND tỉnh Tây Ninh đã giải quyết xong, nên TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế không xem xét lại.
Do đó, việc công ty này nhận số tiền 50 triệu đồng từ cơ quan điều tra, do cha bị cáo An nộp thay con trai bồi thường, sẽ phải trả lại cho cha của An. Sau này các bị cáo trong vụ án đã bồi thường cho công ty giấy Huế có quyền yêu cầu An trả lại số tiền mà họ đã bồi thường thay cho An.
Tuy nhiên, thông tin từ phía bị hại, ngoài 50 triệu của gia đình bị cáo An, cho đến nay công ty vẫn chưa nhận được một đồng nào từ các bị cáo khác.
Do bị cáo là người có nhân thân xấu, có 2 tiền án về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, đã bị xử phạt tù nhưng vẫn tiếp tục phạm tội, nên phạm vào tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức và tái phạm nguy hiểm.
Tuy nhiên, bị cáo cũng được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, đã tác động gia đình khắc phục một phần hậu quả,mẹ bị cáo là người có công với nước. Do đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo An 12 năm 6 tháng tù.