Là một người có nhiều năm là Thẩm phán TAND Tối cao và Trưởng ban Thanh tra TANDTC, ông Đỗ Văn Chỉnh đã có bài viết thể hiện quan điểm về việc truy tố trên.
Theo cáo trạng, Phương đã nhắn 10 tin từ sim điện thoại số 0868.282.055 đến số máy của ông Nguyễn Tử Quỳnh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh các tin: “Chào ông. Ông vất vả việc bao che vây cánh của ông. Tôi vất vả ngược xuôi vì miếng cơm manh áo. Ông đừng động đến tôi nữa vì tôi bỏ không ít tiền quan hệ ngoài Bộ Giao thông, Cục Đường thủy để làm dự án. Ông chỉ là thằng quan địa phương thôi. Tốt nhất ông đừng động đến tôi”... Tin nhắn thứ 2: “Ông thích kiểu gì tôi chiều ông kiểu đó”; Tin nhắn thứ 3: “Ông còn gây khó dễ cho các dự án của tôi thì ông xác định là như vụ Yên Bái”.
Nghiên cứu quy định của pháp luật về tội khủng bố, chúng tôi có ý kiến như sau: Khoản 1 Điều 230a BLHS qui định: “Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
Vậy hành vi của Nguyễn Trọng Phương có thỏa mãn dấu hiệu của tội khủng bố hay không?
Ngày 5/5/2012 liên ngành Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VKSNDTC, TANDTC đã ban hành Thông tư liên tịch số 06.2012/TTLT/BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn: “Về mặt chủ quan, tội khủng bố được thực hiện với lỗi cố ý, mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội là nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng; Tình trạng hoảng sợ trong công chúng là trạng thái tâm lý lo lắng của người dân về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ”...
Trở lại vụ án Nguyễn Trọng Phương, bản cáo trạng cho biết: “Trước khi đến nhà Đàn thì Phương để các điện thoại thường dùng ở nhà, chỉ mang theo 1 điện thoại Nokia màu đen do Phương mua từ tháng 11/2016 và sim điện thoại 0868283055, mục đích để nhắn tin đe dọa đồng chí Quỳnh và đồng chí Sơn”... Như vậy, mục đích nhắn tin của Phương chỉ nhằm “đe dọa cá nhân” ông Quỳnh, ông Sơn mà không nhằm gây ra tình trạng “hoảng sợ trong công chúng”, xâm phạm sức khỏe, tài sản của người khác. Như vậy, hành vi bị truy tố của Phương không thỏa mãn yếu tố “mặt chủ quan” của tội phạm.
Tác giả Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Trưởng ban Thanh tra TANDTC |
“Mặt khách quan” của tội phạm là các hành vi nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, thiệt hại xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hai. Đối chiếu với hành vi mà Phương bị truy tố thì thấy CQĐT không thu được chiếc điện thoại có số sim 0868283055, không có tài liệu, chứng cứ để kết luận Phương là chủ sở hữu điện thoại có 0868283055 và cũng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh Phương đã thực hiện 10 tin nhắn đến ông Quỳnh, ông Sơn.
Đối với tội khủng bố thì “khách thể” của tội phạm là sự an toàn, trật tự công cộng. Trong vụ án này, cáo trạng truy tố Phương không thể hiện hành vi của Phương gây thiệt hại gì, mức độ thiệt hại như thế nào đối với trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, việc truy tố Phương về tội khủng bố là không thỏa mãn các dấu hiệu về “mặt chủ quan”, “mặt khách quan” và “khách thể” của tội phạm.
Việc điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự luôn luôn được thực hiện với mục tiêu không bỏ lọt tội và không gây oan sai. Vì vậy, mong muốn các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Ninh đánh giá vụ án một cách khách quan, toàn diện đối với vụ án được dư luận quan tâm này.