Ngày 1/7/2024, UBND Quận Nam Từ Liêm đã có văn bản 2144 /UBND-QLĐT gửi Báo Pháp luật Việt Nam sau bài viết “Nam Từ Liêm, Hà Nội: Người dân khốn khổ vì trúng đấu giá 5 năm vẫn chưa có điện nước sinh hoạt” đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam điện tử ngày 20/5/2024.
Theo đó, UBND Quận Nam Từ Liêm cho biết, việc một số hộ dân tại khu đấu giá 1 (DG1) Phương Canh, phường Phương Canh, chưa có điện, nước sinh hoạt, UBND quận Nam Từ Liêm đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án ĐTXD quận Nam Từ Liêm kiểm tra để có phương án khắc phục.
Cũng theo UBND quận Nam Từ Liêm, Ban Quản lý dự án ĐTXD quận Nam Từ Liêm đã phối hợp Công ty Điện lực Nam Từ Liêm, Công ty Cổ phần Viwaco và các đơn vị liên quan kiểm tra để có phương án cấp điện, cấp nước phục vụ nhân dân. Dự kiến thời gian hoàn thành cấp điện, cấp nước phục vụ các hộ dân trong tháng 7/2024.
Hệ thống dây dẫn người dân dùng để tự kéo điện tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn |
Trước đó, phản ánh đến Báo Pháp Luật Việt Nam, gần 20 hộ dân đang sinh sống tại khu vực dân cư Khu DG1 Phương Canh, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội cho biết: Họ là những người dân đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Dự án DG1 Phương Canh từ cuối năm 2019 đến nay, đã được cấp giấy phép xây dựng và chuyển về sinh sống tại đây.
Nhưng 5 năm qua, dự án DG1 Phương Canh vẫn chưa được hoàn thiện về cơ sở hạ tầng để bàn giao cho các đơn vị chức năng và người dân, điều này dẫn đến việc gần 20 hộ dân đang sinh sống tại nơi này hiện không có điện và nước sinh hoạt. Để có nguồn điện sử dụng, các hộ dân trên phải tự mua dây rồi xin kéo điện từ những hộ dân cách đó từ 50m đến 100m. Do đường dây dài, điện áp thấp nên các hộ gia đình tại khu DG1 Phương Canh gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Việc kéo điện “chui” trước mắt có thể giải quyết các khó khăn hiện tại của các gia đình nhưng về lâu dài, với những đường dây điện được mắc "èo uột", dài ngoằng trên các cây cột xiêu vẹo có thể gây nguy hiểm rất lớn, nhất là khi mùa mưa bão đang đến, những cơn gió to quét qua có thể làm đổ sập, gây nên tình trạng cháy nổ hoặc nhiễm điện xuống mặt đường.
Tương tự như điện, để đảm bảo có nước sinh hoạt, các hộ dân phải tự sử dụng nguồn nước từ giếng khoan có nhiều tạp chất không đảm bảo cho sức khỏe, hộ nào thuận lợi hơn thì xin đấu nhờ nước và chấp nhận sử dụng nước với giá cao của các hộ dân quanh khu vực.
Để đảm bảo những nhu cầu thiết yếu và quyền lợi chính đáng, gần 20 hộ dân trên đã nhiều lần làm đơn lên UBND phường Phương Canh, UBND quận Nam Từ Liêm nhưng chưa được giải quyết.