Tuy nhiên, với những gì diễn ra bất thường, vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tố tụng cả ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm, sẽ tác động mạnh làm mất niềm tin của dân chúng đối với thực thi công lý.
Nếu các vị quan toà vẫn cố tình phớt lờ công luận, không thấy được tính nghiêm trọng của những vi phạm thủ tục tố tụng, hoặc thấy được nhưng vì lý do nào đó mà làm liều, phán quyết thiếu cơ sở pháp lý, gây bất công cho đương sự... thì họ phải chịu trách nhiệm về hậu quả do chính hành vi vi phạm đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của họ gây ra.
Trong bài viết này muốn cảnh báo hai vấn đề nếu không được xem xét thấu đáo có thể gây ra tiền lệ nguy hiểm.
Về hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án
Trong thời gian qua có rất nhiều bài báo đã dẫn ý kiến của các luật sư, chỉ ra hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án của cấp xét xử sơ thẩm. Cụ thể, ngày 23/8/2018 Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 05 về việc đưa tài sản tại Công ty Trung Nguyên International ở Singapore vào khối tài sản chung để phân chia tài sản trong vụ ly hôn. Đây là một quyết định bất lợi cho phía bị đơn. Không hiểu lý do gì mà quyết định này không nằm trong hồ sơ vụ án. Phía nguyên đơn khẳng định quyết định 05 do thẩm phán thụ lý án cố tình “bỏ quên”.
Việc bỏ quên này nếu được cấp phúc thẩm khắc phục bằng cách hủy án sơ thẩm để xét xử lại, theo đó hậu quả của hành vi “bỏ quên” cũng được khắc phục. Ngược lại, nếu hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn tiếp tục cố tình “bỏ quên” thì nội dung phân chia tài sản sẽ bị sai lệch.
Hậu quả của việc “bỏ quên” là làm sai lệch, thay đổi bản chất vụ án, dẫn đến phán quyết phân chia tài sản không đầy đủ. Đây là hành vi vi phạm mà thẩm phán, thư ký toà án thụ lý giải quyết vụ án phải bị truy cứu trách nhiệm theo khoản 1, điều 375 bộ luật hình sự.
Điều 375 : “Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc,….2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch”.
Đối chiếu với điều luật trên, thì hành vi của thẩm phán, thư ký toà án ở đây chính là hành vi “bớt” và “bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án”.
Không ai được phép tước quyền cổ đông
Quyền góp vốn kinh doanh là một quyền dân sự cơ bản. Không ai được phép tuỳ tiện tước bỏ quyền cơ bản này của công dân.
Vì sao phía luật sư bên bị đơn và bản án sơ thẩm cho rằng, nếu bà Lê Hoàng Diệp Thảo tham gia điều hành ở Trung Nguyên khi không còn quan hệ vợ chồng thì sẽ nguy hiểm cho công ty. Đây là một nhận định cảm tính, chủ quan theo kiểu phường hội, chứ không phải là thực thi pháp luật. Nhận định hồ đồ này đã đi đến phán quyết ông Đặng Lê Nguyên Vũ được sở hữu cổ phần, sở hữu thương hiệu Trung Nguyên, còn Lê Hoàng Diệp Thảo chỉ được thanh toán giá trị cổ phần. Phán quyết này vừa trái pháp luật vừa tước quyền cổ đông hợp pháp của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Và cũng không phải không có lý do trong sự nhận định và phán quyết thiếu công tâm. Dư luận đang nghị ngại về nguyên nhân của sự phán quyết bất chấp này. Năm 2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo bị phế truất khỏi chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực tập đoàn bằng một Quyết định trái pháp luật. Sau đó chức vụ này của bà được khôi phục bằng một bản án có hiệu lực pháp luật.
Thế nhưng cho đến nay bản án này vẫn không được thi hành. Cùng những diễn biến tiếp theo trong và ngoài vụ việc ly hôn, công chúng có thể hình dung được chuyện gì đang làm bất ổn Trung Nguyên. Việc loại bỏ bà chủ ra khỏi Trung Nguyên và lợi dụng ông chủ để thao túng tập đoàn này đang là quyết tâm cao của những kẻ đang “tôn thờ” ông chủ.
Câu chuyện vợ chồng “lúc nồng, lúc nhạt” hoặc đổ bể do mục đích hôn nhân không đạt được, là chuyện đời tư, cũng là chuyện đời thường trong xã hội. Chẳng qua vi ở đây gắn với một thương hiệu lớn nên truyền thông “ăn theo”. Khi truyền thông “ăn theo” thì bới ra đủ thứ chuyện. Chuyện ông trái, bà phải hay ngược lại, thì nói ra cũng để biết, cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến lợi ích chung.
Ở đây, lợi ích chung chính là cần phải làm rõ tại sao hoạt động tố tụng vụ án có quá nhiều chuyện bất thường, vi phạm pháp luật. Tại sao bản án sơ thẩm nghiêng hẳn bảo vệ quyền lợi cho bị đơn. Và tại sao báo chí vào cuộc, phân tích, bình luận thuyết phục được công chúng nhưng không thuyết phục được quan toà? Đồng thời phải bảo về được tính khách quan, công minh, nghiêm minh của pháp luật. Mặt khác phải cũng cố phát triển được doanh nghiệp, luôn luôn bảo đảm cho Trung nguyên là thương hiệu mạnh của đất nước.