Bên trong phòng thí nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ ở Atlanta. Ảnh: AP
Kênh DW (Đức) cho biết trước khi phát hiện ra penicillin vào năm 1928, những loại bệnh như viêm họng liên cầu khuẩn có thể dẫn đến chết người. Kháng sinh đã đem lại lợi thế đáng kể cho con người trong cuộc chiến chống vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, khi các loại kháng sinh được nâng cấp thì vi khuẩn cũng vậy.
Tình trạng gia tăng vi khuẩn kháng kháng sinh là một trong những vấn đề y tế đáng lo ngại nhất toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm vi khuẩn kháng kháng sinh khiến 700.000 người tử vong. Một nghiên cứu năm 2018 do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu thực hiện cho thấy vi khuẩn kháng kháng sinh khiến 33.000 người tử vong tại Liên minh châu Âu (EU) mỗi năm.
Các nhà khoa học cũng gặp khó khăn trong việc bào chế loại kháng sinh mới “chiến đấu” với vi khuẩn kháng kháng sinh. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra cách diệt vi khuẩn kháng kháng sinh trong ruột loài chuột. Phương pháp đang trong quá trình nghiên cứu này sử dụng công nghệ điều chỉnh gen được vinh danh giải Nobel là CRISPR-Cas9.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Sherbrooke (Canada) cũng sử dụng công nghệ này để “đào sâu” vào vi khuẩn kháng kháng sinh và tác động vào gen để vô hiệu hóa khiến chúng chết mòn từ bên trong.
CRISPR-Cas9 được coi như một cỗ máy tìm kiếm và cắt phân tử, khi bạn đưa cho nó một mục tiêu là chuỗi ADN, nó sẽ chỉ tập trung cắt mục tiêu này. Trong trường hợp này là chuỗi ADN thuộc gen kháng kháng sinh.
Kết quả thu được khá hứa hẹn bởi vi khuẩn kháng kháng sinh bị tiêu diệt. Điều đặc biệt là CRISPR-Cas9 chỉ nhắm đến các vi khuẩn có hại và không gây ảnh hưởng đến những vi khuẩn có lợi trong cơ thể người, điều mà thuốc kháng sinh thường gây ra.
Về lý thuyết có thể giản đơn nhưng trên thực tế, việc đưa “cỗ máy này” vào trong vi khuẩn kháng kháng sinh là không dễ dàng. Các nhà nghiên cứu Canada đã tìm ra được phương pháp là các vi khuẩn có thể truyền gien lẫn nhau khi va chạm, quá trình này gọi là sự tiếp hợp.
Các nhà khoa học đã sử dụng CRISPR-Cas9 để nhắm đến gien kháng kháng sinh và biến đổi để chúng trở nên dễ di chuyển hơn giữa các vi khuẩn. Sau đó, họ đặt chúng vào các vi khuẩn vô hại và truyền vào trong cơ thể chuột. Điều ngạc nhiên là chúng loại bỏ hơn 99,9% vi khuẩn kháng kháng sinh chỉ sau 4 ngày.
Mặc dù qua thử nghiệm CRISPR-Cas9 khá hiệu quả nhưng các nhà nghiên cứu chưa biết liệu vi khuẩn có phát triển được khả năng kháng công nghệ này hay không.