Vũ điệu lẳng lơ
Đã thành lệ, cứ mỗi năm vào dịp tháng Giêng ở làng Triều Khúc lại vang tiếng trống bồng hầu Thánh nức tiếng gần xa. Vị thánh được dân làng thờ phụng là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (?-791, người làng Đường Lâm, Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục-PV).
Sử làng chép lại, Phùng Hưng sau khi đánh thắng giặc nhà Đường ở thành Tống Bình (làng Triều Khúc bây giờ) đã mở hội khích lệ quân sĩ bằng cách cho binh lính giả nữ múa hát. Điệu múa có tên “con đĩ đánh bồng” hay còn gọi múa bồng ra đời từ đó, ước tính khoảng vào thế kỉ 7. Sau này các nhà nghiên cứu văn hóa mới tìm hiểu, đưa ra khái niệm múa bồng là tiết mục diễn xướng mang hình thức nghệ thuật dân gian.
Nhiều người khi nghe nhắc tới điệu múa “lẳng lơ như con đĩ đánh bồng” không khỏi thắc mắc hai chữ “con đĩ”. Nghệ nhân dân gian Triệu Đình Hồng (SN 1946), chủ nhiệm CLB múa bồng làng Triều Khúc giải thích “con đĩ” có nghĩa là “con gái” chứ không phải hàm ý nói về một bộ phận phụ nữ làm “nghề” “buôn phấn bán hoa” mà xã hội thường nghĩ.
Sau này các “con đĩ” được khoác lên mình tên gọi hiện đại là các vũ công, nhưng có lẽ cái tên sơ khai vẫn “là lạ” nên được giữ lại. Thậm chí câu nói “lẳng lơ như con đĩ đánh bồng” trở thành câu nói thường xuyên của nhiều người Hà thành.
Nghệ nhân Hồng phân tích múa bồng là quá trình lặp đi lặp lại ba động tác múa cơ bản. Điệu thứ nhất, các vũ công lượn đi lượn lại rồi quay mặt vào nhau, trao nhau ánh mắt tình tứ, “tơn tớn” ẻo lả.
Điệu múa thứ hai, từng cặp “con đĩ” nhảy lùi chân, luồn người qua nhau và tựa lưng vào nhau trong tư thế tay nắm hình chữ “O”, mắt liếc đong đưa. Điệu múa cuối cùng, cặp vũ công quay mặt vào nhau đắm đuối. Cứ thế các vũ công lặp đi lặp lại ba động tác trên tạo thành bài múa bồng. Mỗi bài múa trọn 3 động tác kéo dài khoảng 5 phút.
Nghệ nhân Hồng biểu diễn động tác múa bồng. |
Hằng năm lễ Thánh làng Triều Khúc diễn ra từ ngày 9 đến ngày 12 tháng Giêng. Trong lễ hội có rước kiệu, xung quanh là 6-10 thanh niên đóng giả làm đàn bà con gái đi theo “ve vãn” chung quanh những người khiêng kiệu và nhảy múa:
“Từ chiều ngày mồng 9 toàn dân rước tượng Thánh từ đình thượng xuống đình hạ (đại đình) của làng là nơi tập trung toàn dân cử hành các nghi lễ chính. Sang ngày mồng 10 đội múa bồng sẽ múa làm lễ nhập tịch. Đến chiều ngày 12 các vũ công lại múa để rước tượng Thánh hoàn cung. Khi hầu Thánh chỉ múa trong ba tuần rượu, sau khi ra đường làng, rước kiệu quanh xóm thì mới múa thoải mái để nhân dân thưởng thức”, nghệ nhân Hồng cho hay.
Vũ điệu múa bồng chỉ gồm ba điệu múa nhưng đòi hỏi kĩ năng biểu diễn cao. Khó nhất là các “con đĩ” vừa đánh trống treo trước bụng vừa múa cùng nhịp với tiếng trống của đội nhạc. Đặc biệt khi hầu lễ Thánh ở đình, tiếng trống biểu diễn múa bồng phải “khớp” với tiếng trống cử hành nghi lễ bên trong đình. Bởi vậy mới có câu trong múa bồng, nhạc lễ và nhạc trống bồng hòa làm một.
“Động tác các vũ công phải đều nhau, cùng theo nhịp trống. Nhưng quan trọng hơn nữa là cử chỉ, vẻ mặt các vũ công phải thật đong đưa, lẳng lơ tạo nên không khí vui tươi, chọc người xem cười”, nghệ nhân làng Triều Khúc nói. Bởi vậy mà tất cả vũ công đều mặc trang phục sặc sỡ, mặc váy yếm đào, cài khăn mỏ quạ và được tô son điểm phấn bắt mắt.
Thậm chí các vũ công phải sử dụng thêm những phụ kiện của phụ nữ để màn đóng giả hoàn hảo nhất. Đây chính là điểm đặc sắc nhất của múa bồng. Các bậc cao niên làng Triều Khúc giải thích không sử dụng vũ công nữ mà phải đóng giả bởi tôn trọng “bản quyền” người xưa sáng tạo ra điệu múa này.
Chủ nhiệm CLB múa bồng Triều Khúc khẳng định điệu múa bồng ngày nay giữ đúng nguyên bản ngày xưa. Nếu có thay đổi chỉ là trang phục sặc sỡ hơn. Hay tăng thêm số lượng “con đĩ” múa. Điều này không làm mất “cốt cách” điệu múa.
Vũ công làng Triều Khúc biểu diễn “điệu múa lẳng lơ”. |
Thăng trầm điệu múa bồng
Vậy múa bồng mang ý nghĩa gì? Người làng Triều Khúc luận giải trước tiên điệu múa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao các anh hùng dân tộc có công với đất nước. Thứ hai, múa bồng thể hiện khát vọng thắng lợi mới trong mùa xuân mới. Vũ điệu đòi hỏi sự phối hợp ăn ý giữa các “con đĩ”, giữa đội nhạc với vũ công thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân.
Điệu múa dưới mô típ các “con đĩ” ẻo lả chọc ghẹo những người rước tượng Thánh còn ngụ ý răn dạy con cháu Triều Khúc đã nam nhân phải tu chí phấn đấu, không dễ bị “hút hồn” bởi nữ nhân mà quên nghiệp lớn.
Song sự thâm thúy của người xưa khi sáng tác vũ điệu múa bồng còn thể hiện ở ý nghĩa tâm linh. Theo đó trước đây chỉ có một cặp “con đĩ” biểu diễn tượng trưng cho mặt trời. Còn sáu vũ công tượng trưng cho “quả đất hình vuông” theo quan niệm ngày xưa: “Mặt trời quay quanh trái đất. Các vũ công phải múa xoay vòng quanh đội nhạc theo chiều ngược kim đồng hồ. Bởi vậy có thể nói điệu múa mang khí tiết trời đất”, ông Hồng tấm tắc.
Bởi những ý nghĩa sâu sắc như thế nên việc chọn “con đĩ” rất kĩ lưỡng. Từ cuối năm, ban tổ chức lễ Thánh đã phân công người tuyển chọn vũ công cho lễ rước Thánh năm sau. Trước tiên các thanh niên được chọn phải là người gốc làng Triều Khúc. Sau đó ban tổ chức sẽ kiểm tra ba tiêu chí cốt lõi gồm: Gia đình người được chọn không vướng tang gia.
Thứ hai, gia đình vũ công sống hòa thuận, đề huề. Cuối cùng, “con đĩ” tuyệt đối không “dính” đến tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, phạm pháp. Đã có nhiều trường hợp vũ công được chọn múa nhưng sau đó bị loại vì che giấu “dớp” trong quá khứ.
Sau khi được tuyển chọn, các vũ công cùng nhau tập diễn tìm kiếm sự ăn ý, hòa hợp. Để phục vụ nhu cầu của nhân dân trong lễ hội, các vũ công được chọn chia thành nhiều đội thay phiên nhau biểu diễn liên tục.
Vũ công làng Triều Khúc biểu diễn “điệu múa lẳng lơ”. |
Không thù lao, vẫn vinh dự
Mặc dù đội múa không được nhận bất kì khoản thù lao nào nhưng người nào được chọn là niềm vinh dự lớn. Bởi dân làng Triều Khúc quan niệm được vào đình lễ Thánh đầu năm sẽ mang lại nhiều may mắn cho bản thân, gia đình.
“Luật bất thành văn” duy trì hàng trăm năm nay là không dạy múa bồng cho người ngoài làng. Cũng vì lý do bảo tồn nguyên bản này mà múa bồng có những thời gian vắng bóng. Nói tới đây, nghệ nhân Hồng bồi hồi lục lại ký ức thăng trầm điệu múa cổ. Ông kể múa bồng duy trì tới khoảng năm 1954- 1955 thì gián đoạn do hoàn cảnh chiến tranh.
Đến những năm cuối thập niên 60, điệu múa mới được khôi phục nhưng rất ít người tham gia. Mãi đến cuối những năm 1980, dân làng Triều Khúc mới bắt đầu “hồi sinh” điệu múa. Qua thời gian, vũ điệu “lẳng lơ như con đĩ đánh bồng” trở thành tiết mục nghệ thuật dân gian nức tiếng của làng Triều Khúc.
Sở dĩ múa bồng phát triển như hôm nay theo lời nghệ nhân Hồng nhờ công lao của các bậc tiền bối trong làng. Thời gian mới khôi phục lại lễ Thánh, đội vũ công múa bồng đều là người lớn tuổi. Về sau dân làng khuyến khích cháu tự học múa giúp tạo nên những thế hệ vũ công kế tục. Cách đây gần chục năm, những người đứng đầu làng Triều Khúc mạnh dạn nhờ các trường học đóng tại địa phương hỗ trợ lồng ghép dạy múa bồng cho học sinh trong giờ thể dục, ngoại khóa.
Vũ công làng Triều Khúc biểu diễn “điệu múa lẳng lơ”. |
Đặc biệt từ năm 2015, CLB múa bồng làng Triều Khúc chính thức ra đời. Đến nay CLB đã có trên 30 thành viên sinh hoạt thường xuyên. Tuy nhiên theo nghệ nhân Hồng, để điệu múa phát triển hơn nữa có thể phải nghĩ đến chuyện lan tỏa, tức dạy múa cho tất cả những ai đam mê, yêu nghề chứ không chỉ gói gọn phạm vi người gốc làng:
“Học múa bồng không khó, trước hết người vũ công phải có tính hài hước, biết diễn trò, không ngại ngùng. Nhưng điều quan trọng nhất phải đam mê, giàu tinh thần nhiệt huyết vì cộng đồng. Có lẽ đã đến lúc đưa điệu múa truyền thống ra khỏi cổng làng, vươn cao vươn xa hơn nữa”, chủ nhiệm CLB múa bồng tự hào chia sẻ.