Bị khởi tố từ chuyện nhận đặt cọc
Theo bản án sơ thẩm và phúc thẩm, cuối năm 2007, đầu năm 2008, Trương Thị Tuyết Nga đã thuê người thiết kế dự án Khu chung cư cao cấp - tháp văn phòng Blue Sky Tower (Blue Sky Tower), tại khu đất 35.000m2 thuộc quận 2, TP HCM để xin cấp phép làm dự án.
Nga biết rõ dự án không khả thi và đất bị quản lý chặt chẽ nhưng vẫn che giấu thông tin, mang bản thiết kế đi giới thiệu để bán dự án với bà Dương Mỹ Linh.
Bà Linh đồng ý mua đất để thực hiện dự án với giá 1.800 USD/m2 (tổng giá trị 54 triệu USD) và chuyển đặt cọc cho Nga 3,1 triệu USD. Nhưng sau khi giao tiền, bà Linh đi kiểm tra thấy Nga không thực hiện dự án và biết được khu đất không được thực hiện dự án nên tố cáo đến cơ quan chức năng.
Cho rằng Nga đã có hành vi gian dối chiếm đoạt 3,1 triệu USD của bà Linh, Nga đã bị CQĐT của VKSND Tối cao khởi tố, điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó, Nga đã bị Tòa hai cấp tuyên phạt 15 năm tù.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra, xét xử và thi hành án, Nga và chồng là ông Vũ Văn Hải liên tục có đơn khẳng định vụ án trên đã “hình sự hóa”. Thực chất, đây chỉ là tranh chấp hợp đồng đặt cọc mà bên vi phạm chính là bà Linh. Trên thực tế thì bà Linh biết rất rõ thông tin về quy hoạch tại khu đất nhưng vẫn chấp nhận ký kết chuyển nhượng đất làm dự án. Chính bà Linh đã được xem các GCNQSDĐ, biết rõ tình trạng đất (đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng) và biết rõ đất mang tên vợ chồng bị cáo Nga chỉ chiếm khoảng 1/3 diện tích dự kiến làm dự án…
Tại bản thỏa thuận chuyển nhượng đất để thực hiện dự án, bà Linh đã nhận trách nhiệm là “hỗ trợ bên chuyển nhượng trong việc lập thiết kế, báo cáo khả thi liên quan đến việc lập thiết kế, báo cáo khả thi liên quan đến việc xin phép cơ quan hữu quan trong quá trình thực hiện dự án” và “trả tiền theo tiến độ”.
Trong một văn bản khác (có chữ ký của bà Linh) nêu “… do những hạn chế tạm thời và kiểm soát có điều kiện của Nhà nước, đối với việc sang nhượng đất thuộc khu vực quận 2, TP Hồ Chí Minh, những quy định chưa được hoàn chỉnh của các cơ quan hữu quan, làm cho bên chuyển nhượng tạm thời chưa thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất của khu đất… Hai bên đồng ý kí kết bản ghi nhớ làm cơ sở cho việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thực hiện dự án đầu tư...”. Những nội dung trên thể hiện rất rõ bà Linh đã biết dự án chưa được phê duyệt chứ Nga không “gian dối”…
Vì sao CQĐT của VKSND Tối cao thực hiện khởi tố và điều tra?
Tháng 4/2013, bà Nga bất ngờ bị CQĐT VKSND Tối cao khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 110 và Điều 116 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) thì “CQĐT của VKSND Tối cao điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp”; “Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra của mình, CQĐT phải đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định chuyển vụ án cho CQĐT có thẩm quyền để tiếp tục điều tra”.
Liên quan đến việc này, ông Vũ Văn Hải khẳng định vợ mình không phải là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp; Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cũng không phải là tội phạm “xâm phạm hoạt động tư pháp” nên việc CQĐT của VKSND Tối cao thực hiện điều tra vụ án này là không đúng thẩm quyền, vi phạm tố tụng .
Đáng nói, trước khi vụ án được khởi tố, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã từng có văn bản trả lời đơn tố cáo của bà Linh rằng “căn cứ kết quả xác minh và kết quả nghiên cứu hồ sơ của VKSND Tối cao (Vụ 1) thống nhất thấy: Nội dung sự việc là tranh chấp dân sự…”.
Như vậy, cả Cơ quan CSĐT Bộ Công an và cả Vụ 1, VKSND Tối cao đều “thống nhất” cho rằng vụ việc chỉ là tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, không hiểu vì sao CQĐT vẫn khởi tố vụ án.
Bị can chưa có đề nghị, đã chuyển tiền “khắc phục hậu quả” cho bị hại
Theo Cáo trạng của VKSND Tối cao, ngày 25/3/2014, bị can Nga có đơn đề nghị CQĐT chuyển 26,8 tỷ đồng từ Công ty CP Đầu tư Tài chính Sài Gòn- Á Châu (là tiền của Nga đặt mua cổ phần của Cty này) cho bị hại Linh để “khắc phục hậu quả”. Cty CP Đầu tư Tài chính Sài Gòn - Á Châu đã chuyển số tiền trên cho bà Linh theo ủy nhiệm chi (không số) ngày 20/2/1014.
Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ án thì việc chuyển tiền của Cty CP Đầu tư Tài chính Sài Gòn- Á Châu cho bà Linh vào ngày 20/2/2014 là do có yêu cầu của CQĐT VKSND Tối cao tại Công văn số 45/VKSTC-C6 (P2) ngày 18/2/2014 chứ không phải theo đề nghị của bị can Nga.
Theo ông Vũ Văn Hải thì Công văn số 45 nêu trên không hề nhắc tới đề nghị nào của Nga và có ghi nhận 26,8 tỷ trên là tài sản chung của vợ chồng ông (chứ không phải là tài sản riêng của bị can). Không hiểu tại sao số tiền này vẫn được chuyển vào tài khoản của bà Linh mà không có chữ ký của vợ ông? Ngoài ra, ông Hải còn cho rằng, đến 25/3/2014, Điều tra viên mới ép vợ ông viết đơn trả tiền cho bà Linh nhằm hợp thức hóa việc chuyển tiền từ trước đó hơn 1 tháng.
Cty Fairway có liên quan đến vụ án?
Tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư của bị cáo Nga đã cung cấp cho HĐXX một số chứng cứ mới gồm 1 bộ hồ sơ thể hiện thư điện tử trao đổi giữa bị cáo, bị hại và các đối tác nước ngoài (có lập vi bằng). Theo ông Hải thì tài liệu này thể hiện bà Linh là người chủ động trong tất cả các cuộc đàm phán chuyển nhượng đất dự án và ngay từ đầu đã biết rõ tình trạng khu đất.
Một số chứng cứ mới khác là Hợp đồng ủy quyền của Cty Fairway (công ty nước ngoài) với bà Linh, các chứng từ nhận tiền giữa bị cáo với Cty Fairway và biên nhận 1,5 triệu USD giữa và bà Linh và Cty Fairway.
Ông Hải cho rằng chứng cứ trên thể hiện bà Linh chỉ là người môi giới và số tiền 1,5 triệu USD (trong số tiền bà Linh đặt cọc) là của Cty Fairway. Như vậy, Cty Fairway phải được tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi liên quan. Tuy nhiên, những chứng cứ này đã không được HĐXX xem xét đánh giá hoặc xét hỏi để làm rõ.
Vì sao không giám định tâm thần?
Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo Nga có rất nhiều dấu hiệu bị tâm thần như: nói năng linh tinh; nói trước quên sau; người mệt mỏi và có thái độ lo sợ; miệng méo…
Trước việc này, gia đình bị cáo đã có đơn đề nghị cho bị cáo Nga đi giám định tâm thần trước. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được HĐXX chấp nhận. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 155 BLTTHS thì “bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định: Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ…”. Khoản 1, Điều 311 BLTTHS cũng quy định “Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 13 của BLHS , thì tùy theo giai đoạn tố tụng, CQĐT, Viện Kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y”.