Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh chiều nay nhận được nhiều chất vấn xung quanh việc đảm bảo thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, việc giám sát các tập đoàn, tổng công ty cũng như quản lý các dự án sử dụng vốn ODA…
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh |
Xung quanh những sai phạm gần đây tại các tập đoàn, tổng công ty mà đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) chất vấn, Bộ trưởng cho biết: Trước năm 2005, Việt Nam có luật riêng dành cho doanh nghiệp Nhà nước.
Tuy nhiên, để giải phóng sức sản xuất, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã không phân biệt loại hình này, doanh nghiệp Nhà nước được trao quyền tự chủ lớn hơn, được tự chủ trong các dư án đầu tư, không phải báo cáo. Do đó, “những sự vụ như ở Vinashin, Vinalines, thực sự chúng tôi không nắm được”. Mấu chốt của vấn đề này là do các văn bản pháp luật hiện hành chưa có chế tài riêng đối với các doanh nghiệp Nhà nước, nên việc giám sát gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng theo Bộ trưởng, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với giám sát các tập đoàn, tổng công ty là mâu thuẫn giữa việc thực hiện vai trò quản lý Nhà nước và chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp. Văn bản hướng dẫn thực tế đã được Bộ Kế hoạch & Đầu tư hoàn thành từ năm 2010. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên tại thời điểm đó, Chính phủ đã cho dừng lại để nghiên cứu.
Nếu như ở phiên chất vấn sáng nay, vấn đề khu công nghiệp liên quan dến chuyện ô nhiễm môi trường được các đại biểu chất vấn bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, thì chiều nay, các đại biểu vẫn tiếp tục đề tài Khu công nghiệp nhưng ở góc độ đầu tư.
Trả lời câu hỏi về thông tin về việc thành lập một công ty mua bán nợ với số vốn "khủng" để giải quyết các khoản nợ xấu của doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết: Chúng tôi có quan điểm là chắc chắn phải cần nguồn lực. Về chủ yếu, các doanh nghiệp đều phải dùng nguồn lực để tái cơ cấu. Trong phạm vi Nhà nước, không thể bỏ ra để hỗ trợ chỗ này, chỗ kia, mà chỉ có chính sách để định hướng các nền kinh tế chuyển đổi theo đề án. Nhà nước sẽ có ưu đãi để các doanh nghiệp chuyển đổi. Hình thức ưu đãi có thể là miễn giảm, hoặc ưu tiên về công nghệ.
Đại biểu Danh út (Kiên Giang) đặt câu hỏi: “Việc QH ban hành Nghị quyết về 16 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quan trọng, nhưng tổ chức thực hiện không nghiêm túc, 6 tháng mà chưa triển khai được, nếu có thì cũng chỉ ở mức văn bản. Việc chậm bố trí vốn có vi phạm nghị quyết không?. Việc chậm trễ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia có bị chế tài không?".
“Chậm nhưng tốt” – là ý kiến của Bộ trưởng giải trình chất vấn này. “Chương trình Ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ có chậm một chút. Nhưng vì là rà soát rất chặt, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ, vì là để Bộ và địa phương chọn danh mục.
Chỉ chậm vài tháng mà 2000 công trình được sắp xếp lại thì tôi nghĩ nó hiệu quả. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ ở từng giai đoạn. Nhưng với chương trình mục tiêu quốc gia thì chậm là sai”, Bộ trưởng nói.
Vấn đề rất được cử tri cả nước quan tâm trong thời gian vừa rồi là việc quản lý vốn ODA liên quan đến Đan Mạch, đã được đại biểu Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng – đưa ra trong phần chất vấn.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời: “Ngay khi có khi có thông tin về vốn ODA liên quan đến Đan mạch, chúng tôi đã có việc làm trực tiếp với đại sứ quán Đan Mạch. Họ không nói là dừng hẳn, mà chỉ tạm dừng để xem xét. Họ sẽ rà soát từng dự án một, nếu vi phạm, sẽ xử lý nghiêm minh để lấy lại lòng tin của các nhà tài trợ. Đan Mạch cũng cho rằng việc này chưa đến mức như báo nêu".
Có đại biểu đã thẳng thắn hỏi bộ trưởng: Có chuyện chạy dự án không?. Bộ trưởng cho biết: Chúng tôi quản lý ở tầm vĩ mô, chuyện dự án như thế nào không thể do một mình Bộ Kế hoạch Đầu tư quyết định.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) về việc sẽ tiếp tục phát triển kCN như thế nào?. Bộ trưởng cho biết: Sẽ phát triển một cách có chất lượng hơn và hiệu quả hơn. “Chúng tôi đã trình CP chỉ thị để chấn chỉnh các KCN trong toàn quốc. Thủ tướng đã quy định sẽ dừng việc bổ sung mới các KCN trong toàn quốc. Đây là một chỉ thị rất quyết liệt. Từng Bộ một đều có các biện pháp rất kiên quyết để trấn chỉnh KCN. Chác chắn sẽ có những chuyển biến tích cực".
Trong phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết về vấn đề đầu tư cho nông nghiệp trong thời gian tới đây sẽ tiếp tục tăng. Quốc hội cũng đã có lộ trình để giải quyết vấn đề này. Tổng mức đầu tư sẽ tăng 2 lần trong những năm tới. Tuy nhiên, dù tổng mức tăng gấp đôi, nhưng ngân sách không nhiều, nên sẽ có hướng để thu hút các nhà đầu tư vào nông thôn.
Nhật Thanh