Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu tại trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06; các thành viên Ủy ban quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc các bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh và Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đại diện một số doanh nghiệp và các Tập đoàn công nghệ lớn như VNPT, FPT, Viettel ...
Sau một năm triển khai, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Đề án 06 là hợp phần quan trọng trong tổng thể chương trình Chuyển đổi số quốc gia; là đề án tiền đề mang tính đột phá, với việc lấy cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm nền tảng cốt lõi thúc đẩy Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Việc triển khai thành công Đề án 06 quyết định sự thành công của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Từ đó, đã nhận diện đúng, trúng với tình hình thực tiễn tại Việt Nam và xu hướng quốc tế.
Với việc xây dựng và triển khai 43 mô hình điểm, trong 6 tháng đầu năm 2023, Đề án 6 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình như với 53 dịch vụ công thiết yếu đã giúp tiết kiệm cho nhà nước 2.505 tỷ đồng và tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa.
Đã thu nhận 48 triệu hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử (vượt 8 triệu chỉ tiêu được giao trước 10 ngày); có 22,1 triệu tài khoản kích hoạt (chiếm 51,5% tổng tài khoản phê duyệt); 100% công dân đủ điều kiện trên toàn quốc đã được cấp CCCD…
Là doanh nghiệp nhà nước hàng đầu về viễn thông, hạ tầng số và dịch vụ số, Tập đoàn VNPT đã vinh dự được lựa chọn triển khai các dự án nền tảng của Chuyển đổi số quốc gia, trong đó có dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. VNPT đã tham gia tư vấn và triển khai nhiều giải pháp công nghệ để bảo đảm nguyên tắc hệ thống “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”.
Ông Ngô Diên Hy - Phó TGĐ VNPT giới thiệu với Thủ tướng hệ sinh thái Chuyển đổi số của VNPT tại sự kiện. |
Để góp phần thúc đẩy triển khai Đề án 06 hiệu quả, Tập đoàn VNPT đã đồng hành cùng Tổ công tác triển khai đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương.
Tập đoàn đóng vai trò quan trọng đảo đảm an toàn kết nối liên thông giữa Trung ương và địa phương. VNPT là đơn vị tiên phong cung cấp hạ tầng, giải pháp/dịch vụ An toàn thông tin, sản phẩm/dịch vụ phần mềm và hỗ trợ 41 tỉnh, thành phố kết nối hệ thống giải quyết thủ tục hành chính tới hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống dịch vụ công liên thông của Cục cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội- Bộ Công An, đáp ứng yêu cầu Hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện Đề án 06.
Ngoài ra VNPT còn hỗ trợ các địa phương (Bình Dương, Hà Nam, Thái Nguyên, Đồng Nai, Trà Vinh, Ninh Thuận, Kiên Giang) triển khai Đề án 06 thông qua: Hỗ trợ máy tính, các thiết bị mạng để thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng CSDLQG về Dân cư. Nâng cấp hệ thống băng thông, đường truyền trên toàn tỉnh để đảm bảo chất lượng và độ ổn định cho hệ thống CSDLQG về Dân cư trong suốt quá trình số hóa dữ liệu hộ tịch tại một số địa phương.
Tập đoàn cũng hỗ trợ Công an các tỉnh trong các hoạt động Chuyển đối số, triển khai các tiện ích của ứng dụng định danh điện tử quốc gia phục vụ người dân; sử dụng tài khoản định danh điện tử tham gia dịch vụ công trực tuyến; Hỗ trợ tuyên truyền Đề án 06 cho người dân…
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Tập đoàn VNPT cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, hiện thực hóa 43 mô hình điểm triển khai Đề án 06 tại các địa phương để dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử ngày càng đi sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần cải thiện chất lượng hệ thống dịch vụ công, nâng cao đời sống nhân dân.
Trong khuôn khổ Hội nghị Chuyển đổi số quốc gia, VNPT cũng trình diễn hệ sinh thái số đã đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương trong chuyển đổi số như: Trung tâm điều hành thông minh; Nền tảng hỗ trợ định danh và xác thực giấy tờ tùy thân eKYC; Hệ sinh thái VNPT AI và hệ thống một cửa liên thông iGate…
Trong kỉ nguyên số, trước xu hướng hội tụ viễn thông, công nghệ thông tin, VNPT đã thực hiện chiến lược chuyển đổi số toàn diện VNPT 4.0, dịch chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số (DSP). Tầm nhìn mục tiêu VNPT trở thành nhà cung cấp hàng đầu về hạ tầng số và dịch vụ số tại Việt Nam vào năm 2025, và trở thành Digital Hub của châu Á vào năm 2030.
Với hạ tầng, nền tảng công nghệ số, VNPT phát triển mạng lưới băng rộng, 4G, 5G, các IDC tiêu chuẩn quốc tế; làm chủ các nền tảng IOT, AI, BigData, Blockchain, An toàn thông tin. Hệ sinh thái các sản phẩm của VNPT đáp ứng đầy đủ cho các nhiệm vụ giải pháp chuyển đổi số gồm hạ tầng, nền tảng công nghệ số; chính phủ số; kinh tế số; xã hội số.
Tập đoàn cũng sẵn sàng nhiều giải pháp triển khai các bài toán dữ liệu triển khai tại địa phương như các cơ sở dữ liệu về: Công chức viên chức, An sinh xã hội, Nông nghiệp, đất đai và tài nguyên môi trường, Y tế, Giáo dục, Xây dựng, Giao thông…