Lợi nhuận tăng gấp 2 lần
Theo Báo cáo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của VNG, doanh thu thuần tăng 41%, đạt gần 4.268 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.141 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý IV/2017 của công ty, VNG đã vượt hơn 25% kế hoạch lợi nhuận năm.
Như vậy, so với năm 2016, VNG đã có mức tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận rất lớn. Năm 2016, VNG đạt doanh thu hơn 3.023 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của VNG là hơn 673 tỷ đồng (tăng 118% so với năm 2015 và đạt 193% kế hoạch 2016), lợi nhuận sau thuế đạt hơn 543 tỷ đồng (tăng 135% so với năm 2015 và đạt 192% kế hoạch 2016).
Năm 2017, VNG đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng trên 30% so với năm 2016 (dự kiến khoảng 3.960 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế phấn đấu tăng 34,7% lên 908 tỷ đồng). Nhưng trên thực tế, VNG đã hoàn thành vượt mức rất xa so với mục tiêu đã đề ra trong năm 2017.
Sở dĩ doanh thu, lợi nhuận của VNG tăng mạnh là do VNG đầu tư mạnh cho các game do VNG sản xuất, mở rộng thị trường, tăng số lượng người dùng. Hai mảng mang lại doanh thu và lợi nhuận chủ lực cho VNG vẫn là game và quảng cáo trên Internet.
Lãi lũy kế gấp gần 14 lần vốn điều lệ
Ngoài doanh thu thuần, VNG còn ghi nhận 131,5 tỉ đồng doanh thu tài chính, tăng 72% so với năm 2016. Ở thời điểm cuối năm 2017, có tới 2.365 tỷ đồng tiền gửi, bao gồm 334 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 349 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất dao động đến 5,5%/năm. Chưa kể, VNG còn có 1.696 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 1 năm, được hưởng lãi suất dao động đến 7,4%/năm.
Đặc biệt, lãi lũy kế của công ty lên tới hơn 4.600 tỷ đồng, gấp hơn 13,6 lần vốn điều lệ (vốn điều lệ VNG là 337 tỷ đồng). Công ty không vay nợ ngân hàng. Đây là những chỉ số tài chính cực kỳ ấn tượng, không nhiều doanh nghiệp Internet, dịch vụ nội dung Việt Nam có được tại thời điểm này.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang chiếm dần thị phần, né thuế thì các chỉ số tài chính của VNG đã cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tồn tại và phát triển nếu có chiến lược đúng đắn.
Công ty liên kết nhận đầu tư ngàn tỷ
Tính đến hết năm 2017, VNG có 173 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết, bao gồm 38% vốn tại Tiki, 50% vốn tại công ty phần mềm ABA và 49% vốn tại công ty kinh doanh thẻ trò chơi, thẻ điện thoại trả trước Thanh Sơn. Trong đó, khoản đầu tư vào công ty Thanh Sơn mang lại lợi nhuận đều đặn cho VNG.
Trong đó đáng chú ý nhất là Tiki vừa đón nhận khoản đầu tư khủng lên tới 44 triệu USD từ nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện các sản phẩm do VNG cung cấp khá đa dạng, hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ Internet, bao gồm các ứng dụng như Zalo, Zing, ZaloPay, 123Pay, 123Go…. VNG cũng đang đầu tư mạnh cho R&D (nghiên cứu & phát triển), các công nghệ mới như IoT, giải pháp thông minh, thực tại ảo VR…
Định hướng phát triển trong tương lai, VNG cho biết sẽ tiếp tục chiến lược “go global”, tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh chủ đạo, mở rộng và phát triển kinh doanh sản phẩm Zalo và các dịch vụ thanh toán online.