Đây là một trong những chuyên đề Hội đồng Lý luận Trung ương khảo sát phục vụ Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, Khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại địa phương, ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII, góp phần rất quan trọng để xây dựng Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong sạch vững mạnh.
Các tham luận của tỉnh Vĩnh Phúc chỉ rõ, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn có “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng “chợ chiều, cuối khóa”, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định nêu gương, còn bố trí người nhà, người thân tham gia đấu thầu và thực hiện các dự án do ngành mình làm chủ đầu tư, gây dư luận không tốt.
Một số tổ chức Đảng, cán bộ, Đảng viên, kể cả cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý còn vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ, để xảy ra sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật.
Trong tự phê bình, một số cán bộ, Đảng viên chưa thẳng thắn nhận khuyết điểm, chưa nhận diện đầy đủ, sâu sắc những biểu hiện suy thoái và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng nêu lên một số khó khăn trong việc triển khai thực hiện, như còn một số biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” rất khó nhận diện, việc kiểm tra phát hiện, xử lý còn gặp khó khăn; công tác tự phê bình và phê bình nhiều nơi còn hình thức, nhất là việc góp ý với người đứng đầu, với cấp trên. Cơ chế giao tỷ lệ giảm biên chế bình quân cho các tỉnh, thành phố (giảm 10%) là chưa phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của địa phương.
Trên cơ sở đó, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quyết liệt, chủ động thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Ông Phạm Hoàng Anh, Phó bí thư thường trực Vĩnh Phúc phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Đối với lĩnh vực đất đai, các tham luận tại hội nghị nêu rõ: Chính sách pháp luật về đất đai, cụ thể tại Luật Đất đai năm 2013 đã đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội. Hiệu quả sử dụng các loại đất được nâng cao, việc đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong nông nghiệp đã tạo ra động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Quỹ đất chưa sử dụng được đưa vào khai thác, sử dụng ngày càng nhiều, tình trạng để đất hoang hóa, lãng phí đất đã được hạn chế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện từ năm 2014 đến nay, Luật đất đai cũng bộc lộ một số hạn chế, như: Chưa thực hiện tốt vai trò của Nhà nước trong việc ổn định, phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản.
Việc điều tiết lợi ích giữa người có đất được Nhà nước thu hồi, nhà đầu tư và Nhà nước vẫn chưa thật sự tốt, địa tô chênh lệch sau khi chuyển mục đích sử dụng đất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phần lớn vẫn thuộc về các nhà đầu tư. Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và chuyển mục đích rừng còn chồng lấn giữa đất và loại rừng; khó khăn trong việc thực hiện các dự án phát sinh, các dự án trọng điểm trong bối cảnh quy hoạch sử dụng đất không được điều chỉnh cục bộ; việc xác định các tính chất, loại dự án, cơ chế thu hồi, giao đất, cơ chế thỏa thuận còn phức tạp; xác định giá đất còn nhiều vướng mắc.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật nói chung cũng như pháp luật về đất đai chưa thật sự ổn định, đồng bộ; nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất tiếp tục giữ các quan điểm về sở hữu đất đai đã quy định tại Hiến pháp năm 2013 là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện; chính sách, pháp luật về đất đai phải góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế; là nguồn lực để phát triển đất nước.
Các đại biểu tham dự cũng đề xuất, thời gian tới cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về đất đai theo định hướng có tính ổn định, lâu dài; phân quyền và giao trách nhiệm tới các địa phương.
Văn bản quy phạm pháp luật cần xuất phát từ thực tiễn các quan hệ xã hội và cần đơn giản, chặt chẽ, không chồng chéo. Tiếp tục đổi mới công tác lập quy hoạch sử dụng đất, xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất theo khung đồng bộ, thống nhất ở các cấp hành chính, có tầm nhìn dài hạn để làm công cụ quản lý sử dụng đất đai hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài.
Hoàn thiện cơ chế tài chính về giá đất, thu tiền sử dụng đất, thuê đất theo nguyên tắc thị trường và đặc thù hàng hóa đặc biệt. Tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm và tính chủ động cho các địa phương, nhất là cấp tỉnh. Về quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước, Vĩnh Phúc cũng đề nghị bổ sung trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhằm tạo quỹ đất sạch để chủ động thu hút đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là các khu đất có giá trị thương mại cao.
Luật hóa việc xác định phạm vi và cắm mốc để quản lý chặt chẽ các vùng đất trồng lúa, đất rừng, hồ nước ngọt cần bảo vệ nghiêm ngặt không được chuyển mục đích sử dụng đất để đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường .