Trái ngược với các thông tin cho rằng, Vinaconex đang gặp khó khăn và đã bị SCIC “bỏ rơi”, báo cáo của HĐQT Vinaconex trình Đại hội đồng cổ đông thường niên lại cho thấy kết quả kinh doanh có lãi hàng trăm tỷ đồng và những thông tin lạc quan về hoạt động và chiến lược của Tổng công ty mà các cổ đông đang rất chờ đợi.
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán KPMG, năm 2015, Vinaconex có tổng doanh thu 2.838 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; lợi nhuận sau thuế hợp nhất của toàn Tổng công ty năm 2015 đạt 524 tỷ, tăng 39% so với kết quả đạt được năm 2014. HĐQT đã trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt mức trả cổ tức cho các cổ đông là 7%, bằng 117% so với năm trước. Năm 2015, Tổng công ty đã trúng thầu nhiều dự án quan trọng, hứa hẹn đem lại kết quả đầu tư khả quan cho năm tài chính tiếp theo.
Phối cảnh khu đô thị mới Đại Mỗ - Tây Mỗ của Vinaconex |
Đánh giá về kết quả kinh doanh của Tổng Công ty (Công ty mẹ) năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2012-2016, ông Vũ Quý Hà, Chủ tịch HĐQT nhận định: “đây là kết quả của chính sách tái cấu trúc tài chính và hoạt động được đề ra từ năm 2012 của SCIC”. Ông Vũ Quý Hà cũng khẳng định, kể từ khi Vinaconex hoàn thành cổ phần hóa đến nay, SCIC đã phát huy rất tốt vai trò của cổ đông chi phối, đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển của Vinaconex.
Đặc biệt, trong giai đoạn Vinaconex gặp khó khăn, với tư cách là cổ đông chi phối, SCIC đã đưa ra nhiều giải pháp tái cấu trúc tài chính, tổ chức và hoạt động của Vinaconex. Nổi bật là chính sách tái cấu trúc về tài chính và hoạt động. Khi Vinaconex đối mặt với các khoản nợ lớn gấp 5 lần vốn chủ sở hữu do thua lỗ tại dự án Xi măng Cẩm Phả, SCIC cử các nhân sự tham gia vào HĐQT, nhân sự tham gia trực tiếp vào Ban điều hành của Tổng công ty để trực tiếp giải quyết những khó khăn của Công ty.
Nhằm hỗ trợ Vinaconex trong công tác quản lý tài chính tại doanh nghiệp, SCIC đã cử 1 cán bộ làm Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tổng công ty. Tại dự án Xi măng Cẩm Phả, SCIC cũng cử Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính tham gia quản lý dự án này. Sau khi tình hình tài chính của Tổng công ty đã đi vào ổn định và thực hiện thành công công tác tái cấu trúc dự án Xi măng Cẩm Phả, SCIC đã chủ động rút những nhân sự của mình ra khỏi doanh nghiệp để Vinaconex có được quyền tự chủ.
Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay cũng chứng kiến những thay đổi quan trọng trong hoạt động của Vinaconex. Không “tham” đầu tư tràn lan, nhiều ngành nghề, Vinaconex đã rút vốn khỏi nhiều lĩnh vực không thế mạnh để tập trung vào hai mảng lớn là bất động sản và xây dựng. Đây là một trong những nhân tố quyết định khiến công ty không bị “sa lầy”, mất vốn và có thể tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực là thế mạnh của mình. Do được đầu tư tập trung ngành nghề có thế mạnh nên năm 2015, Vinaconex đã trúng thầu nhiều dự án xây dựng có vốn đầu tư lớn.
Ông Vũ Quý Hà, Chủ tịch HĐQT Vinaconex: Tổng Công ty vượt qua khó khăn, kinh doanh có lãi nhờ chính sách tái cấu trúc của SCIC và hiện nay SCIC vẫn đang chi phối Vinaconex thông qua chính sách và nhân sự chủ chốt của Tổng Công ty |
Theo Luật doanh nghiệp năm 2014, Vinconex không còn là doanh nghiệp nhà nước nhưng cổ phần do SCIC quản lý thì vẫn là tài sản nhà nước. Thực tế, SCIC đang nắm giữ gần 58% cổ phần tại Vinaconex và vẫn đang kiểm soát doanh nghiệp này thông qua cơ chế cử đại diện quản lý vốn tham gia bộ máy lãnh đạo HĐQT, Ban Tổng giám đốc và Ban Kiểm soát.
Hiện nay, SCIC đang có 6 đại diện giữ vai trò chủ chốt trong bộ máy của Vinaconex như Chủ tịch HĐQT Vũ Quý Hà và Tổng Giám đốc Vũ Trọng Quỳnh. Thông qua việc bố trí nhân sự nắm giữ các vị trí chủ chốt của Vinaconex nên chính sách tái cấu trúc của SCIC đã thực hiện là đúng hướng và bước đầu đã cho quả ngọt. Ông Vũ Quý Hà khẳng định, việc cho rằng SCIC “bỏ rơi” Vinaconex là nhận định hoàn toàn không phù hợp với thực tế tại Tổng Công ty này.