Việt Nam và Indonesia ký kết ý định thư về tăng cường hợp tác cảnh sát biển

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo chứng kiến Lễ ký Ý định thư về tăng cường hợp tác giữa cảnh sát biển hai nước Việt Nam - Indonesia. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo chứng kiến Lễ ký Ý định thư về tăng cường hợp tác giữa cảnh sát biển hai nước Việt Nam - Indonesia. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
(PLO) - Ngày 23/8/2017, tại thủ đô Jakarta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước, trong đó có “Ý định thư về tăng cường hợp tác giữa Cảnh sát Biển (CSB) Việt Nam và Indonesia” (gọi tắt là Ý định thư). 

Đây là sự kiện nhận được sự quan tâm của dư luận, mang đến kỳ vọng mới về hợp tác thực chất, hiệu quả giữa CSB hai nước. Xoay quanh sự kiện này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quang Đạm (ảnh) - Tư lệnh CSB Việt Nam.

Việc ký kết Ý định thư được cho là thành công quan trọng trong hoạt động đối ngoại lần này. Trung tướng có thể chia sẻ quan điểm về đánh giá trên?

 - Đúng vậy, đây là thành quả chung đạt được từ nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Indonesia thời gian qua. Về phía Việt Nam, đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự nỗ lực, tích cực, sáng tạo trong công tác đối ngoại của lực lượng CSB Việt Nam. Sở dĩ gọi là thành công, bởi Ý định thư có ý nghĩa, tầm quan trọng cấp thiết, vừa là cơ sở để giải quyết từng bước những tồn tại, vướng mắc, vừa là tiền đề quan trọng cho hợp tác thực chất, lâu dài giữa hai lực lượng. Ý định thư phù hợp với nguyện vọng chung, chính đáng của nhân dân hai nước; kỳ vọng mang đến nhiều lợi ích cho Việt Nam và Indonesia; góp phần giữ vững ổn định trên vùng biển liên quan và hòa bình, phát triển của khu vực.

Do khác biệt về cơ cấu, tổ chức (lực lượng CSB Indonesia thuộc Văn phòng Tổng thống) nên hai bên gặp không ít khó khăn trong hợp tác. Thời gian qua, hai lực lượng mới dừng lại ở mức độ trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin. Do đó, việc tiến hành đàm phán thuận lợi, hiệu quả và ký kết thành công Ý định thư được xem là dấu mốc quan trọng, tạo ra cơ hội mới, điều kiện mới, triển vọng tốt đẹp trong hợp tác giữa hai lực lượng.

Hơn nữa, việc ký kết Ý định thư lần này đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn trên vùng biển Việt Nam-Indonesia. Hiện nay, tình hình ở vùng biển này cơ bản ổn định. Hai nước đã phân định thềm lục địa vào năm 2003, phê duyệt năm 2007 và đang tiến hành đàm phán, phân định vùng đặc quyền kinh tế. Thế nhưng đứng trước yêu cầu phân định về chủ quyền như vậy, thời gian qua, trên vùng biển này diễn ra những vấn đề, sự việc liên quan đến an ninh trật tự như: Cướp biển có vũ trang, vượt biên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến ngư dân... Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa lực lượng CSB hai nước nhằm giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề đặt ra. Mặt khác, đứng trước sự phát triển của mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp Việt Nam - Indonesia trong giai đoạn mới, hoạt động của CSB hai nước phải thực chất và tương xứng với quan hệ này.

Với ý nghĩa đó, hai bên đã ký kết Ý định thư, thống nhất đạt được hiểu biết chung về ý định thúc đẩy hợp tác song phương thông qua các hoạt động củng cố liên lạc hiện có và thiết lập đầu mối liên lạc giữa hai bên; thường xuyên tổ chức trao đổi, nhóm họp để thảo luận về các vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh hàng hải; tiến đến xây dựng Bản ghi nhớ (MoU) giữa CSB Indonesia và CSB Việt Nam nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác hiện nay trong lĩnh vực an toàn, an ninh hàng hải; thúc đẩy thiết lập cơ chế hợp tác về tìm kiếm, cứu nạn và hỗ trợ ngư dân.

Trung tướng có thể chia sẻ các bước ưu tiên trong triển khai thực hiện Ý định thư mà hai bên đã thống nhất?

- Trước khi ký kết Ý định thư, lực lượng CSB hai bên đã thống nhất với nhau về những công việc cần triển khai trước mắt và đã hoàn thành một số phần việc ban đầu. Trước hết, hai bên thống nhất nhận thức chung: Khi xử lý các tình huống, sự việc trên biển phải xuất phát từ quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia. Hai bên coi trọng việc thực thi pháp luật, lấy pháp luật để giữ vững ổn định vùng biển này, tập trung vào việc lấy pháp luật để bảo vệ ngư dân, hỗ trợ ngư dân của hai nước.

Thứ hai, ngay sau khi ký kết Ý định thư, hai bên nhanh chóng thiết lập đường dây nóng - kênh liên lạc nóng để tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, xác minh vụ việc và phối hợp cùng nhau giải quyết kịp thời những vấn đề xảy ra trên biển. Hiện tại, hai bên đã thống nhất được địa chỉ liên lạc và nhất trí sử dụng tiếng Anh khi liên lạc chính thức qua đàm thoại hoặc văn bản. Hai bên thống nhất lần lượt thay phiên tổ chức họp thường kỳ ít nhất một năm một lần tại Indonesia và Việt Nam (tiêu đề của cuộc họp thường niên là “Đàm thoại Cảnh sát Biển”).

Thứ ba, hai bên tích cực, kịp thời triển khai việc tuần tra chung giữa CSB Việt Nam và Indonesia, lấy ranh giới thềm lục địa làm ranh giới tuần tra chung. Hai bên hết sức tôn trọng ranh giới này và chủ động tham mưu cho Chính phủ hai nước nhanh chóng tiến tới ký kết phân định đặc quyền kinh tế; làm cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên tiến hành tuần tra, kiểm soát, duy trì việc thực hiện pháp luật của mỗi nước, giữ vững ổn định trên vùng biển. Hai bên thống nhất, trên cơ sở Ý định thư vừa ký kết, CSB Việt Nam và Indonesia sẽ nhanh chóng thảo luận, tiến tới ký Thỏa thuận chung giữa hai lực lượng trong thời gian sớm nhất có thể.

Vấn đề bảo vệ ngư dân khi khai thác thủy, hải sản trên vùng biển Việt Nam - Indonesia được dư luận đặc biệt quan tâm. Hai bên đã thống nhất về vấn đề này như thế nào, thưa Trung tướng?

 - Từ đầu năm 2017 đến nay, việc các lực lượng chức năng Indonesia tiến hành xua đuổi, bắt giữ hàng chục vụ, hàng trăm tàu cá, ngư dân Việt Nam, nhất là việc dùng bạo lực xua đuổi tàu cá, uy hiếp ngư dân bằng vũ khí của lực lượng chức năng phía bạn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Với tinh thần hiểu biết lẫn nhau, CSB Việt Nam đã thẳng thắn trao đổi về quan điểm, thái độ và hướng giải pháp giải quyết vấn đề này. Hai bên thống nhất, lấy tuyên truyền, giáo dục ngư dân là biện pháp ưu tiên hàng đầu. CSB Việt Nam đề nghị CSB Indonesia, với vai trò trung tâm của mình, tham mưu cho Chính phủ điều phối các lực lượng, lấy việc hỗ trợ ngư dân làm chính, không sử dụng các biện pháp gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thân thể, tài sản ngư dân bởi điều đó hoàn toàn trái với thông lệ quốc tế và quy định quốc tế, đi ngược với nỗ lực vun đắp tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp, Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia của lãnh đạo và nhân dân hai nước. Hơn nữa, nếu không kiểm soát được thông tin, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng, kích động, chia rẽ mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Cần nói thêm rằng, gần đây, có một thực tế là ngư dân Việt Nam sang khai thác, đánh bắt thủy, hải sản ở vùng biển thuộc chủ quyền Indonesia, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ song phương, trước hết là quan hệ giữa hai lực lượng. CSB Việt Nam đề nghị, trong trường hợp ngư dân vi phạm pháp luật của Indonesia thì xử lý theo luật pháp hiện hành của nước bạn. Hai bên cũng thống nhất sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp, biện pháp giáo dục, tuyên truyền, vận động ngư dân mỗi bên tôn trọng chủ quyền hợp pháp của mỗi nước. Các vấn đề phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phù hợp với thông lệ chung và được hai quốc gia tôn trọng thì ngư dân phải chấp hành triệt để.

Trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Tin cùng chuyên mục

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao quyết định công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao quyết định công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre

(PLVN) - Tối 15/1, tỉnh Bến Tre long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Bến Tre; 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi; Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1; Tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng Khởi danh dự”, tỉnh Bến Tre lần thứ tư - năm 2025.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Czech và tham dự WEF tại Thụy Sĩ

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Ba Lan, Czech và tham dự WEF tại Thụy Sĩ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chiều 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Czech, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ.

Để sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống

Để sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống
(PLVN) -  Để đất nước có thể vươn mình như kỳ vọng, nhiều vấn đề lớn đang được đặt ra cần giải quyết, trong đó có khoa học công nghệ (KHCN). Chính vì thế, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị có Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm

Thủ tướng: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng cần đột phá tăng trưởng 2 con số và cấp bách xử lý ô nhiễm
Sáng 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc tết các lực lượng vũ trang tại Phú Quốc

Chủ tịch nước Lương Cường thăm, chúc tết các lực lượng vũ trang tại Phú Quốc
Trong không khí cả nước chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), sáng 14/1, Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn công tác Trung ương đã tới thăm và chúc Tết các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm nguyên tắc không bỏ chức năng, nhiệm vụ của các ngành

Quang cảnh Phiên họp lần thứ 10 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Chiều 13/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18-NQ/TW) của Chính phủ chủ trì Phiên họp lần thứ 10 của Ban Chỉ đạo.

Hoàn thiện phương án sắp xếp của Bộ, ngành, địa phương

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: VOV)
(PLVN) -  Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW vừa đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ, ngành.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với tỉnh Bắc Ninh

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc với tỉnh Bắc Ninh
Chiều 13/1, tại Bắc Ninh, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX; kết quả thực hiện Nghị quyết 18 về việc sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy tinh gọn đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới.