5 kết nối chiến lược
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thế giới đang chuyển mình vào kỷ nguyên của kết nối và hội nhập sâu rộng; kỷ nguyên công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, nhân loại phải đối diện với nhiều thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, bất ổn địa chính trị, sự gia tăng xung đột, bất bình đẳng và chia rẽ...
Theo Thủ tướng, những vấn đề toàn cầu này đòi hỏi cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện và đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế; xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, chia sẻ trách nhiệm, ứng xử có nguyên tắc để có hòa bình, hợp tác và phát triển. Cho rằng BRICS cần phải là hiện thân cho sự gắn kết chặt chẽ giữa các nước, nhất là các nước đang phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất 5 kết nối chiến lược để góp phần cùng BRICS kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.
Thứ nhất, kết nối nguồn lực. Với tiềm lực kinh tế ngày càng gia tăng, BRICS cần đi đầu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển mạnh mẽ hơn kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh thông tin. Thứ hai, kết nối hạ tầng chiến lược giữa BRICS với các nước đang phát triển cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; không chỉ qua đường sắt, đường bộ, hàng không, cảng biển… mà cả hạ tầng số và chia sẻ, kết nối dữ liệu, thúc đẩy mạnh mẽ thương mại điện tử và nền kinh tế số toàn cầu.
Thứ ba, kết nối các chuỗi cung ứng toàn cầu trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, mở rộng không gian phát triển mới cho mọi quốc gia; đồng thời đa dạng hóa sản xuất, sản phẩm và thị trường. Thứ tư, kết nối con người với con người thông qua văn hóa, hợp tác giáo dục đào tạo, du lịch và giao lưu nhân dân để xây dựng không gian văn hóa “thống nhất trong đa dạng”. Thứ năm, kết nối trong cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng liên kết, chia sẻ, số hóa, cân bằng, bình đẳng, hiệu quả, bao trùm, toàn diện để phát triển nhanh, bền vững.
Đoàn kết xây dựng thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển
Thủ tướng nhấn mạnh, cần chủ động, hiệu quả hơn trong quá trình định hình các luật lệ, quy chuẩn toàn cầu, nhất là các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật. BRICS cần đấu tranh mạnh mẽ hơn trong chống lại xu hướng bảo hộ và không chính trị hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng khẳng định, kết nối và hội nhập, cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn là chủ trương xuyên suốt của Việt Nam với 3 quan điểm lớn. Đó là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác, phát triển.
Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “4 không” là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Trong phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng tin tưởng rằng, BRICS sẽ đoàn kết hơn nữa, phát huy sức mạnh nội sinh để cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng BRICS và cộng đồng quốc tế để hiện thực hóa ý tưởng “cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”.