Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy hợp tác trong các ngành công nghiệp mũi nhọn

(PLVN) - Chiều 3/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thăm Việt Nam vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi vui mừng nhận thấy, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực. Các chuyến thăm, tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao được duy trì thường xuyên, trong đó Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 6 lần tiếp xúc, trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, đứng thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương ngày càng được mở rộng với gần 100 cặp địa phương có quan hệ hữu nghị hợp tác. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đạt gần 500.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản.

Trên tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy", hai bên bày tỏ mong muốn thúc đẩy phát triển quan hệ sâu sắc, thiết thực, hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác của khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong khảo sát, xây dựng, cung cấp ODA thế hệ mới cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục củng cố sự tin cậy chính trị thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc ở cấp cao cũng như cấp bộ, ngành; tăng cường kết nối, hợp tác giữa địa phương, doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác du lịch, giao lưu nhân dân, trong đó Nhật Bản xem xét đơn giản hóa thủ tục cấp visa, hướng tới miễn visa cho người Việt Nam vào Nhật Bản và tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản sinh sống, học tập và làm việc.

Cho biết Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Nêu một số lĩnh vực trọng tâm, Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Nhật Bản hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn; khảo sát, khai thác, chế biến, sản xuất các nguyên vật liệu mới; tiếp tục mở cửa cho nông, thủy sản Việt Nam, nhất là hoa quả tươi vào Nhật Bản và đặc biệt là hợp tác, hỗ trợ phát triển ngành công nghệ sinh học, công nghiệp dược, trang thiết bị y tế để nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.

Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vốn và nâng cao năng lực quản trị để Việt Nam phát triển các lĩnh vực này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong khảo sát, xây dựng, cung cấp ODA thế hệ mới cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi vui mừng gặp lại Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; cho biết, Nhật Bản ủng hộ mục tiêu của Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045 và đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thông báo tới Thủ tướng Chính phủ về kết quả kỳ họp lần thứ 6, Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng, Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi cho biết, hai bên đã thống nhất nhiều nội dung hợp tác trong các lĩnh vực, nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa hai nước, đồng thời đóng góp vào thành tựu chung trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đánh giá cao kết quả kỳ họp lần thứ 6, Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi vừa đồng chủ trì, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên sớm triển khai có hiệu quả các nội dung được nêu trong Tuyên bố chung của kỳ họp.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam vì phát triển bền vững và lợi ích của cả hai Bên; đề nghị Nhật Bản tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Nhật Bản; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả Sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio về Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC), góp phần vào thành công của sáng kiến này.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đồng tình cao với các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; cho biết phía Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam thông qua các các nhóm công tác để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là trong chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực…; cũng như hợp tác trong các cơ chế đa phương, đặc biệt là CPTPP.

Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi nhấn mạnh Nhật Bản mong muốn hai bên tập trung xây dựng và triển khai các dự án "đầu tàu", là biểu tượng cho hợp tác công nghiệp giữa hai nước, mang tính dẫn dắt trong các lĩnh vực mũi nhọn, các ngành hướng tới tương lai, trong đó có sản xuất chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, công nghiệp dược và chăm sóc sức khỏe, chế biến thủy hải sản…; mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc khảo sát, khai thác, chế biến đất hiếm và phát triển các ngành công nghiệp liên quan.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh việc hai bên lập các tổ công tác để thúc đẩy hợp tác; nhấn mạnh cần giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành để xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể để triển khai các thỏa thuận đã đạt được.

Qua Bộ trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio lời thăm hỏi, chúc mừng tốt đẹp nhất./.

Đọc thêm

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá
(PLVN) -  Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 tổ chức ngày 7/12 vừa qua, nhìn lại 11 tháng của năm 2024, cho thấy cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước đều phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.

Hình thành thiết chế luật sư công tại Việt Nam từ góc nhìn thực tiễn hành nghề

Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(PLVN) - Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là quyền tiếp cận công lý của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế còn những hạn chế. Từ góc nhìn thực tiễn hành nghề luật sư, việc hình thành thiết chế luật sư công trong hoạt động trợ giúp pháp lý là một giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi pháp lý cho mọi tầng lớp Nhân dân.