Tối muộn 8/6, bên lề Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS năm 2021 của Liên Hợp Quốc, phiên họp cấp cao với chủ đề “Không dự phòng, Không thể kết thúc: Vai trò lãnh đạo trong việc khống chế và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS” đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của các diễn giả cao cấp đến từ nhiều quốc gia. GS. TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam tham dự phiên họp tại điểm cầu Bộ Y tế.
Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS được tổ chức 5 năm một lần, với sự tham gia của các nhà Lãnh đạo cấp cao các quốc gia thành viên, đại diện người nhiễm HIV/AIDS, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội - dân sự… Hội nghị được tổ chức nhằm khẳng định cam kết chính trị của các quốc gia thành viên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tổng kết thành tựu, tiến độ triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã thống nhất tại kỳ họp trước và thông qua kế hoạch hoạt động cho 5 năm tiếp theo.
Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS năm 2021 của Liên Hợp Quốc được tổ chức trong 3 ngày (ngày 8-10/6). Hội nghị sẽ đánh giá tiến độ đã đạt được trong nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch HIV kể từ cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS năm 2016. Cuộc họp cũng sẽ thúc đẩy các hành động mạnh mẽ trong 5 năm tới để đưa thế giới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 trong khuôn khổ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Trong 3 ngày diễn ra Hội nghị, bên cạnh phiên toàn thể còn có các phiên họp chuyên đề và phiên họp bên lề.
Việt Nam là điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và công tác dự phòng nói riêng, nên UNAIDS đặc biệt mời Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam tham gia phát biểu tại phiên họp cấp cao với chủ đề: “Không dự phòng, Không thể kết thúc: Vai trò lãnh đạo trong việc khống chế và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS” được tổ chức trực tuyến. Bộ trưởng là nhà lãnh đạo cao nhất trong lĩnh vực y tế của 1 quốc gia được Tổng giám đốc UNAIDS toàn cầu đặc biệt mời.
Tại phiên họp, chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc ngăn ngừa các ca nhiễm mới HIV thông qua việc áp dụng các chương trình điều trị duy trì bằng Methadone- một chương trình giảm thiểu tác hại có thể gây tranh cãi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã lọt vào nhóm một số ít quốc gia đã khống chế dịch HIV trong nhóm tiêm chích ma túy. 15 năm trước, tiêm chích heroin là nguyên nhân chính làm lây truyền HIV ở Việt Nam, với tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy là khoảng 30%, nhưng hiện nay tỷ lệ này chỉ còn 10%.
Để đạt được bước chuyển này, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đưa ra 5 bài học kinh nghiệm.
Theo đó, bài học đầu tiên đó chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự quyết tâm chính trị, việc này rất quan trọng, làm thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo, các bộ ban ngành, đặc biệt là thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo, các bộ, các ban ngành, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người dân, chấp nhận nghiện ma túy như một bệnh, chứ không phải là tội phạm và từ đó tích cực điều trị. Quan điểm này đã được luật hoá và đưa vào chính sách, tạo điều kiện cho việc triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
Bài học thứ 2, Việt Nam đã triển khai toàn diện các can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV dưới nhiều hình thức phong phú và phù hợp.
Bài học thứ 3, Chương trình Methadon- chương trình điều trị thay thế của Việt Nam đã được triển khai. Theo đó, để giảm thiểu số người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, Việt Nam đã triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Cụ thể như chương trình điều trị Methadone và Buprenorphine được mở rộng, góp phần quan trọng ngăn chặn sự lây lan HIV trong nhóm tiêm chích ma túy.
Mặc dù giai đoạn đầu triển khai có những ý kiến trái chiều bởi các quan điểm, quan niệm từ phía người dân. Nhưng bằng công tác tuyên truyền, Việt Nam đã thuyết phục được người dân hiểu được, thay đổi nhận thức và thực hiện tốt chương trình này.
“Đến thời điểm hiện tại, có gần 53 nghìn bệnh nhân đang được điều trị Methadone tại 63 tỉnh thành phố. Chương trình này được coi là thành tựu của Việt Nam, mang lại hiệu quả cao, tác động tích cực về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bài học thứ 4, Việt Nam cũng phân phát rất mạnh bơm kim tiêm sạch và phân phát một cách sáng tạo với độ bao phủ rộng do cộng đồng thực hiện và triển khai đồng bộ nhiều chương trình can thiệp khác để dự phòng lây nhiễm HIV như: Phân phát bao cao su, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PreP).
Hàng năm có khoảng 25 triệu- 30 triệu bơm tim kiêm sạch đã được cung cấp cho các đối tượng tiêm chích ma tuý. Đây cũng là một trong những thành công của Việt Nam
Bài học thứ 5, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, muốn triển khai bền vững và thành công các chương trình nêu trên, bắt buộc phải triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp, dịch vụ.
Trong lời kết thúc bài phát biểu tại phuên họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ lời cảm ơn đến sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam và khẳng định Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu 95-95-95 và hướng tới kết thúc đại dịch vào năm 2030.