Các đại biểu thuộc nhiều đơn vị, tổ chức đã có những nhận xét, đóng góp về các lĩnh vực như quyền sống, quyền con người, quyền được xét xử công bằng, đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng… thực tiễn tại Việt Nam nhằm góp phần hoàn thiện báo cáo.
Hiến pháp ngày càng hoàn thiện về quyền con người
Theo báo cáo của bà Nguyễn Linh Kha - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp), Việt Nam đã tham gia vào nhiều điều ước quốc tế quyền con người từ khá sớm. Cho đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 7 trong số 9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan soạn thảo báo cáo về việc thực thi công ước ICCPR, việc xây dựng báo cáo được thực hiện vào thời điểm có tính bước ngoặt của Việt Nam, khi Việt Nam bắt đầu triển khai thi hành Hiến pháp mới – Hiến pháp 2013. Việc xây dựng báo cáo cũng là cơ hội để Việt Nam cung cấp thông tin rõ ràng và đầy đủ hơn cho cộng đồng quốc tế về việc bảo đảm và phát huy quyền con người ở Việt Nam.
Quyền bình đẳng trước pháp luật là một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đến trong cuộc thảo luận. Trong chuyên đề của mình, chuyên gia Dương Thanh Mai đã đưa ra phân tích dựa trên thực tiễn nước ta cho thấy, ở Việt Nam, những nhận thức về quyền không bị phân biệt đối xử (KBPBĐX) và bình đẳng trước pháp luật trong Công ước về các quyền dân sự chính trị ngày một đầy đủ, sâu sắc hơn, phù hợp hơn với nội dung và tinh thần của công ước. Sự phát triển trong nhận thức về quyền dẫn đến những đổi mới, hoàn thiện các quy định pháp luật về Quyền KBPĐX và bình đẳng trước pháp luật ở Việt Nam trong vòng 15 năm qua (2002-2015). Nếu như các bản Hiến pháp 1980, 1992 và một số luật cụ thể hoá quy định KPBĐX trong Hiến pháp đều hoặc là không giải thích từ ngữ, hoặc chỉ nêu các căn cứ PBĐX, thì đến Hiến pháp 2013 lần đầu tiên đã xác lập nguyên tắc trách nhiệm của Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền KPBĐX, bình đẳng trước pháp luật.
Về thực tiễn thực thi quyền được xét xử công bằng, ông Trần Ngọc Thành, đại biểu thuộc TAND Tối cao đã dựa trên 14 yếu tố cấu thành nên một sự xét xử công bằng được quy định trong công ước và có sự so sánh chi tiết với các quy định pháp luật thực tiễn của nước ta hiện nay, để thấy những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình xây dựng pháp luật và bộ máy thực thi pháp luật nhằm đảm bảo được quyền xét xử công bằng như công ước quốc tế.
Bãi bỏ tử hình để bắt nhịp xu hướng luật pháp quốc tế
Theo ông Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), việc tiến tới bãi bỏ tử hình chính là một điều kiện thuận lợi trong quá trình hợp tác phòng chống tội phạm quốc tế với các nước.
Theo ông Dũng, trong quá trình phối hợp phòng chống tội phạm quốc tế, phía Việt Nam đã gặp một số khó khăn vì độ “vênh” trong luật khi nhiều nước khác không áp dụng luật tử hình. Tham khảo kinh nghiệm của các nước, đến thời điểm ngày 30/6/2014, đã có 162 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bãi bỏ hình phạt tử hình trong luật hoặc trên thực tế, trong đó có 100 nước đã bãi bỏ hoàn toàn án phạt tử hình.
Thực tế ở Việt Nam, trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật, việc hạn chế án phạt tử hình đã là một xu hướng nhiều năm nay. Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã bỏ tử hình ở 8 tội danh, duy trì mức án tử hình đối với 18 tội danh trong số 314 tội danh được quy định trong BLHS (chiếm tỉ lệ 5,73%).
Xoay quanh vấn đề này, nhiều đại biểu đã đưa ra các câu hỏi về lộ trình và căn cứ khoa học hình sự để bãi bỏ luật tử hình. Về điều này, ông Trần Văn Dũng cho biết, ban soạn thảo cũng đã đưa ra biện pháp thay thế cho hình phạt tử hình. Biện pháp đưa ra ở đây là chung thân không giảm án. Vấn đề này cũng đã được đưa vào trong quá trình soạn thảo BLHS: Trong án phạt chung thân sẽ có những tội danh không được giảm án, đó chính là trường hợp thay thế cho án tử hình. Như vậy, về mặt khoa học hình sự đã có đủ căn cứ cho vấn đề bãi bỏ và thay thế hình phạt tử hình, vấn đề còn lại đó là chính sách chưa cho phép vì còn nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.
Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của ban soạn thảo nhằm xây dựng báo cáo, đồng thời góp ý cần hoàn thiện báo cáo bằng các con số cụ thể trong từng lĩnh vực, cũng như cần phân tích rõ hơn những khó khăn mang tính khách quan, chủ quan đã ảnh hưởng đến quá trình thực thi công ước. Về điều này, bà Nguyễn Linh Kha chia sẻ, sau hội thảo, uỷ ban soạn thảo sẽ nhanh chóng gửi công văn đến các đơn vị liên quan để cập nhật đầy đủ thông tin, số liệu trong từng lĩnh vực nhằm hoàn thiện báo cáo.
Tổng kết buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, các chuyên đề được các chuyên gia độc lập đưa ra đã có sự cân nhắc kĩ lưỡng và lựa chọn hợp lý, đều thuộc các vấn đề rất cơ bản về quyền con người. Quá trình thảo luận cũng đã cho thấy được sự tiến bộ rất lớn ở bản báo cáo lần thứ hai này so với bản báo cáo đầu tiên hơn 14 năm trước. Thứ trưởng cũng ghi nhận, cảm ơn những nhận xét thẳng thắn, chi tiết của các đại biểu nhằm đóng góp hoàn thiện báo cáo.
Thứ trưởng nhấn mạnh, ý kiến đưa ra về nâng cao nhận thức về yếu tố con người trong xây dựng pháp luật là rất xác đáng, ban soạn thảo nên bổ sung vào báo cáo. Nỗ lực cải cách pháp luật của nước ta đang đứng trước những thách thức lớn. Chúng ta cần nỗ lực để đào tạo tốt đội ngũ những người xây dựng pháp luật có năng lực cao như các nước phát triển. Về phần mình, Bộ Tư pháp cũng đang làm đề án để đưa ra bộ tiêu chuẩn nhằm chuẩn hoá những người làm công việc xây dựng pháp luật.
Hiện, dự thảo báo cáo đã được đăng tải rộng rãi trên website của Bộ Tư pháp, thay mặt ban soạn thảo, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn nhận được sự đóng góp của các chuyên gia và toàn thể người dân với tinh thần thoải mái, thẳng thắn để sớm hoàn thiện báo cáo, nộp cho Liên Hợp quốc.