Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào kinh doanh có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển kinh tế xã hội, đóng góp hiệu quả cho trách nhiệm xã hội và giúp đạt Mục tiêu Phát triển bền vững.
Mới có 24% dianh nghiệp do nữ làm chủ
Trong những năm gần đây, các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh đã góp phần giúp Việt Nam tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu theo công bố mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Tuy nhiên, Chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 là “Tỷ lệ nữ làm chủ DN đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020” vẫn chưa đạt được.
Tính đến hết tháng 9 năm 2019, toàn quốc có 285.689 DN do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số DN cả nước. Mặc dù Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ làm chủ DN cao nhất Đông Nam Á, song hầu hết DN vẫn còn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Có tới 98,8% DN nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ là quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm tới 61,4%.
Dù khó khăn, các chủ DN là nữ vẫn rất quyết liệt trong công việc kinh doanh (Ảnh: Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Cộng ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh. Nguồn: stylenews.vn) |
DNNVV do phụ nữ làm chủ gặp nhiều khó khăn gắn liền với yếu tố giới của chủ DN trong phát triển, bao gồm: tiếp cận nguồn lực, thông tin, kiến thức, kỹ năng và mạng lưới kinh doanh.
Xét theo quy mô DN, cho dù DN ở quy mô nào (siêu nhỏ, nhỏ, vừa hoặc lớn) thì đều có ba khó khăn lớn nhất như trên. Tỷ lệ DN gặp khó khăn về tổng thể có xu hướng gia tăng theo quy mô. Nguyên nhân chính là từ việc tìm kiếm nhân sự, về biến động chính sách pháp luật, thực hiện các thủ tục hành chính pháp lý.
Tham gia thực chất vào quá trình này xây dựng chính sách và pháp luật
Tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN do phụ nữ làm chủ vừa giúp khai thác tiềm năng cho tăng trưởng vừa góp phần thực hiện nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Báo cáo khuyến nghị, cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và cần cả nỗ lực đóng góp từ phía cộng đồng DN.
Các chính quyền địa phương cần thúc đẩy cải thiện hơn nữa tính minh bạch trong điều hành kinh tế của mình, ở cả việc công khai minh bạch thông tin cho DN, cho tới việc minh bạch trong xây dựng chính sách và quy định pháp luật liên quan đến DN ở địa phương, để các đối tượng chịu sự tác động, đặc biệt là các DN do phụ nữ làm chủ được tham gia một cách thực chất vào quá trình này.
Các cơ quan nhà nước cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm cung cấp thông tin khi DN và doanh nhân (trong đó có DN do phụ nữ làm chủ và doanh nhân nữ) yêu cầu theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
Về hỗ trợ DN, cần minh bạch hóa việc triển khai các chính sách chương trình hỗ trợ DN để DN biết được kịp thời và có thể dễ dàng tiếp cận chính sách ưu đãi. Các trình tự, thủ tục, việc lựa chọn DN để ưu đãi, hỗ trợ cũng cần được công khai minh bạch và có bên thứ ba tham dự đánh giá và giám sát chương trình hỗ trợ DN của tỉnh.
Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt cải cách, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách giảm thiểu thủ tục hành chính đất đai phiền hà, minh bạch thông tin đất đai và bố trí quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch để tăng chỉ số tiếp cận thị trường, tiếp cận đất đai cho DN nói chung và DN do nữ làm chủ.
Các chủ DN là nữ vẫn rất lạc quan, có niềm tin lớn về triển vọng kinh doanh
Đánh giá triển vọng kinh doanh của DN trong 2 năm tới, chỉ có 8% DN do phụ nữ làm chủ nghĩ tới việc giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa, điều này cho thấy các chủ DN là nữ vẫn rất lạc quan, có niềm tin lớn về triển vọng kinh doanh và rất quyết liệt trong công việc kinh doanh của mình (tỷ lệ này ở PCI 2017 là 8,6%).