Phát biểu trước báo giới sau khi tham dự lễ cầu nguyện Hồi giáo Eid al-Adha, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan coi đây là vụ việc bê bối chứng tỏ "cách thức xử lý vấn đề của ngành tư pháp Mỹ". Đồng thời phản đối giới chức Mỹ phát lệnh bắt giữ 12 vệ sỹ của mình.
Bởi theo Tổng thống Recep Tayyip Erdogan Washington không có quyền bắt các nhân viên an ninh đang làm nhiệm vụ bảo vệ ông trước "những kẻ khủng bố" và nhấn mạnh, Ankara sẽ phản đối hành động này cả trên mặt trận chính trị, lẫn tư pháp.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triệu Đại sứ Mỹ ở nước này tới để thảo luận về vụ việc kể trên và coi vụ ẩu đả giữa các vệ sỹ với những người biểu tình bên ngoài dinh thự của Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Washington là do thiếu sót của lực lượng an ninh nước chủ nhà.
“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ vì cáo trạng thiên lệch như thế lại được chấp nhận. Phản ứng của chúng tôi về vụ việc đã và đang được chuyển tới Đại sứ Mỹ ở Ankara”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.
Trước đó (15-6), Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Ankara sau khi Washington phát lệnh bắt một số công dân Thổ Nhĩ Kỳ và vệ sỹ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ coi quyết định bắt người là không thể chấp nhận vì điều đó không xuất phát từ kết quả của một cuộc điều tra công bằng và độc lập. Đây không phải lần đầu tiên lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đụng độ với người biểu tình trên đất Mỹ bởi vụ việc tương tự đã xảy ra trong năm 2014 và 2016.
Theo giới truyền thông, ngày 29-8, một đại bồi thẩm đoàn đã buộc tội 19 người, trong đó có 15 quan chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, trong vụ ẩu đả giữa người biểu tình tại Mỹ với các vệ sỹ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 16-5. Mỹ truy tố 12 vệ sỹ kể trên bởi có 11 người bị thương trong vụ ẩu đả, trong đó có 1 cảnh sát Mỹ.
Cảnh sát trưởng Washington Peter Newsham cho biết, 12 vệ sỹ này thuộc phái đoàn tháp tùng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tới Mỹ và họ bị cáo buộc tấn công người biểu tình ôn hòa bên ngoài dinh thự của Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington.
Người biểu tình bị vệ sỹ đánh bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ |
Danh tính của 12 vệ sỹ đã được xác định thông qua đoạn băng video ghi lại hình ảnh vụ tấn công hôm 16-5. Gần 3 tháng trước (14-6), cảnh sát Mỹ đã bắt 2 người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đó là ông Eyup Yildirim (sống ở bang New Jersey) và ông Sinan Narin (sống ở bang Virginia), với cáo buộc có liên quan tới vụ tấn công hôm 16-5.
Ông Eyup Yildirim và ông Sinan Narin được xác định là những người ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Theo giới truyền thông, tại thời điểm xảy ra vụ ẩu đả, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang ngồi trong một chiếc xe đậu gần đó và chứng kiến toàn bộ việc này. Đã có 11 người bị thương và 9 người trong số này phải nhập viện điều trị sau vụ ẩu đả.
Trong khi cảnh sát Mỹ cố gắng bảo vệ người biểu tình và ra lệnh cho những người đàn ông mặc complet lui ra, một vài người đã tránh cảnh sát rồi chạy vào công viên tiếp tục tấn công người biểu tình. Người biểu tình nói đã bị lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tấn công khi họ biểu tình ôn hòa. Cảnh sát Mỹ đã bắt 2 nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bạo lực, nhưng phải phóng thích họ ngay sau đó.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố, Washington không dung túng cho những cá nhân có hành vi hăm dọa hay sử dụng bạo lực để kiềm chế quyền tự do ngôn luận cũng như quyền biểu đạt chính trị hợp pháp. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ Serdar Kilic tới để trao đổi về vụ ẩu đả.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng, lệnh bắt đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng,Washington không dung túng cho những cá nhân sử dụng lời đe dọa và bạo lực để ngăn tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm chính trị hợp pháp. Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện muốn trục xuất Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ sau vụ bê bối kể trên./.