Số lượng thí sinh không nhập học tăng
Theo số liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) công bố, trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2023, số lượng TS trúng tuyển đợt 1 là gần 612.300, chiếm 92,7%. Tuy nhiên, tính đến 17h ngày 8/9, “hạn chót” để TS xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ, có 494.500 em đã thực hiện, chiếm 80,8% so với số trúng tuyển. Số lượng TS không xác nhận nhập học lên tới 118.000.
So sánh số liệu TS xác nhận nhập học vài năm trở lại đây, có thể thấy số lượng TS “từ chối” nhập học đại học đang có xu hướng tăng. Trong vài năm trở lại đây, trung bình số lượng TS bỏ nhập học đại học dao động từ 100.000 em trở lên.
Đây là con số không nhỏ so với tỷ lệ TS trúng tuyển đại học, khi mỗi năm, tỷ lệ đỗ đại học trong đợt xét tuyển đầu tiên ở mức trên 90%, nhưng ngược lại số lượng TS xác nhận nhập học chỉ khoảng 60 - 80%. Cụ thể, theo số liệu được Bộ GD&ĐT công bố sau kỳ xét tuyển đại học năm 2023, số TS trúng tuyển ở nguyện vọng 1 là 49,1%. Trong đó hơn 85% số TS đăng ký xét tuyển đỗ ở 5 nguyện vọng đầu. Như vậy, phần lớn các TS xét tuyển đại học sẽ trúng vào một hoặc nhiều nguyện vọng khác nhau. Tỷ lệ các em trượt tất cả các trường đại học đã đăng ký gần như rất ít.
Tuy nhiên, dù số lượng người đỗ đại học cao, tỷ lệ xác nhận nhập học dao động từ 60 - 80% mỗi năm, nhưng hầu như năm nào cũng có nhiều trường đại học thiếu chỉ tiêu, thậm chí có những trường chỉ tuyển được 30 - 50% số lượng sinh viên. Như ở kỳ xét tuyển đại học đợt 1 năm 2023, dù lượng TS xác nhận nhập học lên đến 80,8%, nhưng hiện đã có gần 100 trường đại học bắt đầu xét tuyển bổ sung.
Thí sinh có nhiều lựa chọn khác
Hiện nay, TS có nhiều lựa chọn hơn cho nghề nghiệp trong tương lai. Nhiều em không theo học đại học mà hướng đến những con đường khác như học nghề, đi du học, chọn các trường cao đẳng hoặc xuất khẩu lao động.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, tại Việt Nam, từ năm 2019 - 2020 đã có khoảng 190.000 người đi du học tại nhiều nước trên thế giới. Chiếm phần lớn trong số đó là du học bậc đại học, cao học. Chỉ riêng tại Mỹ, số sinh viên quốc tế người Việt là 20.713 người, chiếm khoảng 2%, đóng góp cho nền kinh tế Mỹ 721 triệu USD.
Ngoài ra, những năm gần đây, không ít TS chuyển sang học nghề như: đầu bếp, sửa chữa ô tô, điện lạnh…
Có nhiều yếu tố dẫn đến việc các TS dù đỗ đại học nhưng vẫn chuyển sang học các chương trình khác, như học phí đại học tại các trường đang có xu hướng tăng ngày càng cao.
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) phân tích thực trạng tài chính của giáo dục đại học Việt Nam gửi đến Hội thảo về tự chủ đại học do Bộ GD&ĐT, Đại học Quốc gia TP HCM và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 4 năm nay cho thấy, vào năm 2017, nguồn thu của các trường đại học đến từ những hộ gia đình (học phí) chiếm 57%. Đến năm 2021, nguồn thu từ các hộ gia đình (học phí) đã lên đến 77%. Chính vì các trường đại học “lệ thuộc” vào học phí, nên tiền học của sinh viên ngày càng tăng, đồng nghĩa nhiều hộ gia đình khó khăn sẽ đắn đo khi cho các TS đi học. Hiện tại, chi phí cho một sinh viên học đại học phải mất cả chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu, khi ngoài học phí, phụ huynh phải chi trả thêm tiền sinh hoạt, thuê nhà và những khoản khác.
Không chỉ dừng lại ở nỗi lo học phí tăng cao, TS hiện nay còn băn khoăn về đầu ra ở các trường đại học. Như theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý II/2023, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động khoảng 940,7 nghìn người, tăng 54,9 nghìn người so với quý trước và tăng 58,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê vào năm 2019, hơn 3% số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và 2,8% số cử nhân đại học thất nghiệp, ở trình độ trung cấp chỉ 1,1% thất nghiệp. Khi tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, việc học không chỉ là “học đại” mà các TS sẽ phải chọn đúng nghề, đúng việc phù hợp khả năng và nhu cầu thị trường tuyển dụng trong tương lai.