"Thế giới phía sau cánh cổng trại giam lâu nay ít người biết đến. Ở đấy không chỉ có những câu chuyện buồn, những giọt nước mắt hối hận, mà còn có cả những câu chuyện về những người cán bộ, chiến sĩ ngày đêm trăn trở để làm sao xây dựng được một môi trường cải tạo khang trang, lành mạnh nhất, giúp cho những mảnh đời lầm lỗi sớm hoàn lương."
Xây dựng môi trường để cải tạo phạm nhân
Đã phạm tội thì đều phải trả giá, đó cũng là quy luật của tự nhiên. Cho dù con đường dẫn đến phạm tội của mỗi phạm nhân đều có sự éo le, ngang trái, và khi đã trót sa chân, lầm lỡ họ luôn cần một nơi để nhìn nhận lại lỗi lầm, học tập, sửa đổi để thay đổi chính bản thân mình.
Chính vì cái triết lý đầy tính nhân văn ấy mà từ nhiều năm nay, các trại giam trên cả nước đã và đang cố gắng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi phạm nhân, từ nơi ăn, chốn ở đến sân thể thao, sách báo hay thư viện. Tất cả những thứ đó đã góp phần an ủi và xoa dịu đi rất nhiều sự áy náy, ân hận của các phạm nhân.
Một trong những trại giam có nhiều cách làm hay, nhiều mô hình độc đáo trong công tác giáo dục người lầm lỡ có lẽ là Trại giam Yên Hạ (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La). Nơi đây từng được mệnh danh là “trại giam khó khăn nhất phía Bắc”, nhưng tâm huyết, mồ hôi, công sức của tập thể cán bộ, chiến sĩ cùng các phạm nhân từng chấp hành án nơi đây đã đổ xuống, làm đất cằn ngời lên màu xanh hy vọng.
Nhớ về những ngày đầu về Trại giam Yên Hạ công tác, Thượng tá Nguyễn Anh Đức, Phó Giám thị trại giam tâm sự: “Ngày đó tôi mới chỉ là lính nghĩa vụ, khi nhận công tác về đây, còn chưa có điện, ngày nắng thì cháy da, cháy thịt, ngày rét thì lạnh căm căm. Bây giờ tại các phân trại, cơ sở vật chất đã được nâng cao. Dù so với những trại giam khác có thể chưa bằng, nhưng đã đỡ vất vả hơn ngày trước “một trời, một vực””.
Ngày ấy, đường đi lại đều phải luồn rừng, lội suối, leo đèo, vượt dốc nên gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Việc quản lý chặt chẽ đối tượng trong phạm vi rộng là một nhiệm vụ nặng nề và thử thách lớn với Trại. Do phạm nhân đông, cán bộ, chiến sĩ thiếu nên có người phải phụ trách quản lý hơn 100 phạm nhân.
Để rồi từng bước phấn đấu xây dựng trại giam, đến nay Trại giam Yên Hạ đã có 1 khu trung tâm chỉ huy, 3 phân trại, quản lý trên 3.000 phạm nhân. Trong số những phạm nhân tại đây, nhiều người là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ văn hoá hiểu biết pháp luật còn hạn chế; số phạm nhân bị nhiễm HIV/AIDS, bệnh lao và các bệnh xã hội khác trước khi vào Trại chiếm tỷ lệ cao…
Ở một nơi khác, Trại giam Phú Sơn 4 (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) cũng đang từng ngày thay đổi, cơ sở vật chất được nâng lên, nhiều hoạt động giáo dục phạm nhân cũng được cải thiện.
Phân trại số 2 của Trại giam Phú Sơn 4. |
Theo Đại tá Lãnh Văn Lượng, Phó Giám thị Trại giam Phú Sơn 4, Trại giam Phú Sơn 4 có diện tích khoảng 500ha, hiện tại quản lý khoảng 6.000 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Các phạm nhân được chia ra 6 phân trại, trong đó có 1 phân trại nữ.
Dù nỗ lực xây dựng môi trường cải tạo cho phạm nhân, tuy nhiên, các cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, phân trại số 3 và 4 đều đã xuống cấp. Riêng Phân trại số 5 chưa được đầu tư nhiều, nên nơi đây quản lý các phạm nhân phạm tội ít nghiêm trọng và cải tạo tiến bộ.
“Hiện nay, điều khó khăn nhất Trại giam Phú Sơn 4 gặp phải là việc giáo dục, cải tạo, chữa trị cho khoảng 70 phạm nhân bị rối loạn tâm thần. Nhiều người trước đây có tiền sử sử dụng ma túy, khi vào Trại không có đủ điều kiện để điều trị, chữa bệnh. Khi các phạm nhân này lên cơn thì hành vi khó lường”, Đại tá Lượng cho hay.
Vừa làm nhiệm vụ bảo vệ, vừa cảm hoá phạm nhân
Theo Đại tá Lãnh Văn Lượng, công tác giáo dục phạm nhân là cảm hóa họ từ những người vi phạm pháp luật ngoài xã hội, sau đó lại trả lại cho xã hội những công dân tốt. Ngoài việc giúp các phạm nhân nhận ra lỗi lầm, cán bộ quản giáo luôn động viên, khích lệ, giúp họ yên tâm cải tạo, học tập, lao động sản xuất.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Trại áp dụng nhiều biện pháp giáo dục đa dạng, tổ chức nhiều hoạt động cho các phạm nhân. Hàng năm, Trại tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; phát động nhiều cuộc thi như viết báo tường, khát vọng hoàn lương, các cuộc thi năng khiếu hội họa, câu đối…
Với môi trường cải tạo giáo dục rất nghiêm khắc nhưng đậm chất nhân văn, thành tích của Trại ngày càng được nâng cao. Hiện tại tỷ lệ phạm nhân vi phạm trong trại đã giảm, chỉ còn 0,1% so với các thời kỳ trước. Con số này thể hiện các phạm nhân đã tin tưởng vào đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tin tưởng vào sự giáo dục của các cán bộ, chiến sĩ quản giáo.
“Sự thật thì người quản giáo không khô khan, lạnh lùng, mà phải có sự tận tâm, chu đáo trong công việc; đồng thời phải là người gần gũi, nắm bắt tình cảm, chia sẻ động viên các phạm nhân. Phải có tinh thần trách nhiệm, sự cảm thông, yêu thương, sẻ chia của cán bộ quản giáo, mới góp phần giúp các phạm nhân phục thiện, hoàn lương, sớm hoà nhập cộng đồng, trở về xã hội làm những người có ích và coi Trại là một mái ấm đã từng sống”, Phó Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 chia sẻ.
Lớp học tại Phân trại số 2, Trại giam Phú Sơn 4. |
Những người thầy không giảng đường
Ở những trại giam, có một lượng lớn phạm nhân là người dân tộc thiểu số, và họ không biết chữ. Việc không biết chữ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoàn lương trở về với xã hội làm lại cuộc đời. Chính vì vậy, ngoài việc chia sẻ, động viên phạm nhân chấp hành cải tạo tốt, những cán bộ chiến sĩ ở trại giam còn trở thành những người thầy bất đắc dĩ.
Ở Trại giam Yên Hạ có một lớp học xoá mù chữ đã duy trì hơn 10 năm nay. Nhiều phạm nhân thụ án tại đây là người dân tộc thiểu số, tỉ lệ mù chữ khá cao. Hiện tại, trong hơn 3.000 phạm nhân, có tới hơn 400 người mù chữ và tái mù chữ. Vì mù chữ, nên sự hiểu biết về pháp luật càng hạn chế.
Lớp học xóa mù chữ được chính thức tổ chức tại trại từ 2011. Ban Giám thị đã phối hợp Phòng GD&ĐT huyện Phù Yên quyết tâm mang cái chữ đến cho các phạm nhân. Giáo trình được Phòng GD&ĐT cung cấp theo chuẩn của Bộ GD&ĐT.
Giai đoạn 2011 - 2018, Trại tổ chức mỗi năm 1 lớp, mỗi lớp khoảng 35 - 40 người. Giai đoạn từ 2018 đến nay mở thêm 1 lớp, nghĩa là có 2 lớp. Tổng số người tham gia lớp học xóa mù chữ tính đến nay khoảng hơn 600.
Hơn 10 năm nay, các buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu, tiếng đọc bài đều đều vang lên từ hội trường của trại giam đánh thức bình minh dậy. Nhiều phạm nhân đã biết đọc, biết viết, hoàn thành bài kiểm tra bảo đảm đủ điều kiện hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1.
Trại còn thường xuyên phối hợp các đơn vị tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa cho phạm nhân như: Ngày hội đồng hành cùng thanh niên, Ngày hội gia đình các phạm nhân… Tại chương trình, Ngày hội gia đình các phạm nhân, vào ngày này, người thân các phạm nhân sẽ đến, được gặp nhau cùng ngồi trong hội trường, được cán bộ chiến sĩ chia sẻ, nhận xét quá trình cải tạo.
Ai ai cũng biết, đằng sau mỗi phạm nhân, mỗi mảnh đời lầm lỡ luôn kéo theo rất nhiều thân phận phải hứng chịu những mất mát, đớn đau. Thế nên việc cảm hóa phạm nhân, hướng họ về con đường sáng không chỉ giúp cho chính bản thân họ, mà còn góp phần làm giảm những nỗi đau cho xã hội. Và đây chính là điều khác biệt của những cán bộ, chiến sĩ công tác tại các trại giam. Ở đây, họ không chỉ giữ bình yên cho cuộc sống nhân dân, vì an ninh của Tổ quốc mà còn giúp những mảnh đời lầm lỡ quay đầu làm lại cuộc đời.
(Còn nữa...)