Ảnh minh họa |
Vượt trần đến 250%
Được một một người quen cho số di động của nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP), sau màn chào hỏi cứ như là khách hàng quen thân lắm, nhân viên của NH này dò hỏi số tiền USD cần gửi và thì thào qua điện thoại với phóng viên: Trên 100.000 USD, lãi suất (LS) 5%, dưới 50.000 USD, LS 4,5%. “Huy động cao như thế này thì cho vay ra phải trên 8- 8,5% chứ?”, tôi dò hỏi. “Đương nhiên rồi! Tóm lại là chị gửi hay vay?”, nhân viên này tỏ ra cảnh giác song cũng không quên hẹn khách hàng đến tận nơi để được chăm sóc.
Khi đem mức LS này nói lại với một số người quen thì nhận được câu trả lời “bình thường”, thậm chí có người còn mách NH A, B… còn có mức LS cao hơn. Một đồng nghiệp rỉ tai: “Chỉ cần 30.000 USD LS đã 5% rồi, còn trên 100.000 USD thì NH mời đến để “nói chuyện”. Còn số tiền thấp hơn thì mức LS cũng thấp tương ứng song cũng không mấy ai chịu mức “bèo” 2% như quy định.
Vay USD gửi VND
Giám đốc một doanh nghiệp (DN) điện thoại dò hỏi: “Có cách nào vay USD NH không?”. Bởi theo DN này, vay USD bây gời chẳng khác nào trúng số. Thay vì vay VND với lãi suất cao, DN này đang tìm hướng để có được hợp đồng với đối tác nước ngoài.
Theo tính toán của DN này, LS vay USD từ 5%-8,5%/năm, thấp hơn rất nhiều LS vay VND (18%-24%/năm), thậm chí có NH như BIDV LS USD chỉ có 3,8%/năm (nhưng kèm theo điều kiện bắt buộc về thanh toán và bán USD cho NH), tính ra DN vẫn có lãi. Ví dụ, vay 1 triệu USD, lãi 8%/năm, số tiền trả lãi hằng năm là 1 triệu USD x 8%/năm = 80 nghìn USD (tương đương 1,64 tỷ đồng nếu tỉ giá 20.500VND/USD). Còn nếu vay bằng VND số tiền tương ứng là 20,5 tỷ đồng (1 triệu USD x 20.500 VND/USD), LS 24%/năm, số tiền lãi sau 1 năm DN phải trả là 4,92 tỷ VND, chênh lệch tới 3,28 tỷ VND.
Nếu DN vay được với LS USD 5%/năm thì số tiền DN này tiết kiệm được không dưới 3,8 tỷ trong 1 năm. Thậm chí nếu DN buộc phải “đi đêm” LS USD với NH thì tính ra vẫn có lãi lơn là vay VND. DN vay xong, bán USD lấy VND sản xuất kinh doanh, khi có nguồn thu xuất khẩu thì đem trả nợ NH, nếu không, đến kỳ trả nợ, mua USD trên thị trường tự do, kể cả khi tỷ giá biến động, tính ra vẫn lãi.
Nếu DN mạnh dạn hơn, vay được USD, “quy” ra VND và đem gửi NH thì yên tâm “ngồi chơi xơi nước” chẳng cần phải làm gì cũng có lãi…
Hiểm họa khó lường
Với việc thu hẹp đối tượng khách hàng vay vốn ngoại tệ, Thông tư số 07/2011/TT-NHNN (có hiệu lực từ 9/5/2011) được kỳ vọng sẽ làm tốc độ tăng tín dụng ngoại tệ sẽ chậm lại, góp phần cho quan hệ cung - cầu về ngoại tệ được cải thiện theo hướng tích cực, thế nhưng dư nợ ngoại tệ vẫn tăng mạnh. Theo số liệu mới nhất, tính đến 20/6/3011, trong khi dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng VND ước giảm 0,43% so với tháng trước và tăng 2,76% so với cuối năm 2010 thì dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng ngoại tệ ước tăng 2,43% so với tháng trước và đã tăng 23,47% so với cuối năm 2010.
“Mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ cho vay ngoại tệ với khách hàng vay có ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu sản xuất kinh doanh, mua của TCTD cho vay hoặc TCTD khác được cam kết bằng văn bản; khách hàng vay có đủ ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu xuất khẩu. Nhưng thực tế vì lợi ích (LS thấp hơn, dễ được giải ngân hơn...) không ít DN không có nguồn thu ngoại tệ vẫn cam kết có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ, còn thực tế có hay không thì không thiếu lý do đổ tại nguyên nhân bất khả kháng (như sai sót trong giao dịch bằng L/C, thanh toán chậm trễ, khiếu kiện kéo dài, không được thanh toán hoặc thậm chí là bị lừa...)…”- một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính NH phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, hợp đồng vay vốn nào cũng có điều khoản khách hàng vay bằng đồng tiền nào thì phải trả bằng đồng tiền đó. Tuy nhiên, có kèm theo điều khoản nếu thay đổi đồng tiền trả nợ thì phải được sự đồng ý của NH. Điều này mở ra cho khách hàng vay USD có thể thay đổi đồng tiền trả nợ bằng VND nếu tỷ giá bất lợi. Và để giữ chân khách hàng, NH cũng có thể đồng ý với việc chuyển đổi đồng tiền trả nợ. Khách hàng vay ngoại tệ có thể gặp rủi ro về tỷ giá, nhưng NH thương mại thì rủi ro rất ít…
Hiểm họa từ việc vay trước trả nợ sau cũng đã được các chuyên gia cảnh bảo. Theo TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, rủi ro hiện nay của thị trường hối đoái là DN vay USD của NH bán ra thị trường tạo ra cung ảo. Tức là, USD từ tài khoản của NH được chuyển sang tài khoản của DN để bán ra thị trường. Nhưng đến lúc đáo hạn, cung ảo này trở thành cầu thực vì DN phải mua ngoại tệ ngoài thị trường để trả nợ cho NH, dẫn đến mất cân đối cung cầu ngoại tệ.
Nhiều đề xuất đưa ra cho vấn đề này song giải pháp có tính khả thi hơn cả là cần phải thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ hơn nữa. “Chỉ cho phép các DN thực sự có khả năng tái tạo ra nguồn ngoại tệ để trả nợ, đó chính là các DN xuất khẩu. Còn các DN nhập khẩu nếu có nhu cầu ngoại tệ phải mua của NH chứ không phải là vay. Mặt khác, NH Nhà nước cũng cần đến viêc tăng dự trữ bắt buộc để qua đó hạn chế tăng trưởng tín dụng, góp phần chống đô la hóa và tăng giá trị VND…”, một chuyên gia đề xuất.
My My