Văn phòng Chính phủ chỉ đạo về vụ tranh chấp giữa Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo

Văn phòng Chính phủ chỉ đạo về vụ tranh chấp giữa Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo
(PLVN) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ liên quan đến vụ tranh chấp giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Theo thông tin từ báo Vietnamnet,  Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Tài chính, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho ý kiến về báo cáo của Bộ Công Thương liên quan đến giải quyết phản ánh, kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Cà Phê Trung Nguyên.

Thông tin riêng của VietNamNet cho biết kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên quan đến quyền sở hữu nhãn hiệu “Trung Nguyên” và “G7 Coffee”. Đơn kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đề ngày 20/7/2020 có liên quan đến bà Lê Hoàng Diệp Thảo và Công ty TNHH MTV TNI.

Sau đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình – Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan liên quan xem xét giải quyết đơn phản ánh này.

Ngày 28/8/2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã làm việc với đại diện ủy quyền của Trung Nguyên. Sau đó, ngày 24/9/2020, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục nhận được đơn tố cáo đề ngày 11/9/2020 của ông Đặng Lê Nguyên Vũ với nội dung tương tự như đơn kiến nghị, phản ánh trước đó.

Ngày 8/12/2020, Tổng cục Quản lý thị trường đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan của 5 Bộ ngành để họp bàn, trao đổi hướng xử lý đối với kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Bao gồm Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp); Thanh tra Bộ, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an); Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia; Thanh tra Bộ, Cục xuất nhập khẩu, Vụ pháp chế (Bộ Công Thương).

Tuy nhiên, tại cuộc họp này, các bên vẫn chưa có sự thống nhất trong quan điểm xử lý vụ việc giữa các cơ quan đơn vị liên quan.

Tại báo cáo ngày 24/12/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng Tổng cục Quản lý thị trường vẫn không có căn cứ pháp lý để thực hiện xử lý vi phạm theo đơn yêu cầu, kiến nghị của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên.

“Kiến nghị, phản ánh của ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác như hải quan, công an, khoa học và công nghệ… Do vậy, cần thiết phải có sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan cấp trên đối với các cơ quan, lực lượng trong quá trình giải quyết vụ việc”, Bộ Công Thương nhận định.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, lực lượng xử lý vụ việc nêu trên và đề nghị ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên tiếp tục thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Vụ án ly hôn của vợ chồng ông bà chủ cà phê Trung Nguyên đã tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Hiện, bản án ly hồn của Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên) đã bị VKSND Tối cao đã có kháng nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm.

Trong quyết định kháng nghị dài 14 trang, VKSND Tối cao cho rằng cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm  do  TAND TP HCM và TAND Cấp cao  tiến hành đều có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong việc đưa thiếu người có quyền nghĩa vụ liên quan vào vụ án, lấy kết quả thẩm định giá đã hết hiệu lực để giải quyết...

Kháng nghị cũng cho rằng hai cấp toà đã để xảy ra ít nhất 7 sai sót, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hai bên, đặc biệt là phía bà Thảo.

 VKSND Tối cao cho rằng quá trình giải quyết vụ kiện bà Thảo và ông Vũ nhiều lần thay đổi yêu cầu. Đến ngày 20/2/2019 cả hai đồng ý ly hôn, TAND TP HCM công nhận ly hôn. Bà Thảo sau đó kháng cáo xin đoàn tụ để có cơ hội được chăm sóc chồng và các con. Tại phiên toà phúc thẩm, ông Vũ không đồng ý.

Theo VKSND Tối cao, tòa phúc thẩm tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ là không đúng. Nếu thấy có căn cứ cho ly hôn thì phải sửa án sơ thẩm "không chấp nhận yêu cầu của bà Thảo và chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Vũ về quan hệ hôn nhân".

VKSND Tối cao cũng cho rằng cả hai cấp tòa chưa đánh giá đúng công sức đóng góp của bà Thảo vào việc duy trì phát triển khối tài sản chung của hai vợ chồng tại Trung Nguyên. Vì thế, việc tòa chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần và chia cho bà Thảo phần ít hơn 20% giá trị cổ phần trong tập đoàn là không đảm bảo quyền lợi của bà Thảo.

Kháng nghị cũng cho rằng cơ sở để xác định giá trị tài sản chung của hai vợ chồng là không đúng pháp luật, song tòa án hai cấp vẫn sử dụng làm căn cứ chia tài sản chung, là ảnh hưởng đến quyền lợi các bên.

Cũng theo kháng nghị, còn nhiều thiếu sót khi   thẩm định giá trị quyền sở hữu trí tuệ (giá trị thương hiệu) của các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Thảo.

Về bất động sản, theo kháng nghị, bà thảo chỉ được "quản lý và sử dụng giá trị quyền sử dụng đất tại 7 bất động sản" là không phù hợp, mà phải tuyên "giao cho bà Thảo quyền sở hữu, quản lý, sử dụng" mới đúng pháp luật.

Với số tiền, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng, tòa hai cấp chấp nhận con số quy đổi của phía ông Vũ đưa ra là hơn 1.700 tỷ đồng, nhưng lại không đưa ra các căn cứ tính giá trị khối tài sản này. Theo kết quả xác định của phía ngân hàng, nhiều tài khoản đã được đáo hạn từ năm 2016 nhưng tòa xác định số tài sản này đều là tài sản chung của vợ chồng là không có cơ sở.

Tòa án giao cho bà Thảo sở hữu khối tài sản đã quy đổi này nhưng kết quả xác minh lúc xét xử thì số dư tại các tài khoản ngân hàng chỉ còn hơn 1,3 tỷ đồng. Việc này gây khó khăn cho quá trình thi hành án...

Theo hồ sơ vụ án, Bà Thảo và ông Vũ sống với nhau hơn 20 năm, có 4 con chung. Năm 2015, bà Thảo đơn phương xin ly hôn. Sau 10 lần hòa giải bất thành, cuối tháng 3/2019, TAND TP HCM xử sơ thẩm, chấp thuận họ ly hôn. Bà Thảo được quyền nuôi dưỡng các con, ông Vũ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỷ đồng tính từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.

Ngoài việc phân chia tài sản, bất động sản theo thoả thuận của hai bên, tòa tuyên ông Vũ được sở hữu 60%, nắm quyền điều hành Trung Nguyên và trả tiền cho bà Thảo đối với cổ phần bà sở hữu.

Bà Thảo sau đó kháng cáo xin đoàn tụ, ông Vũ đòi chia tài sản theo tỷ lệ 70/30, VKS kháng nghị hủy án.

Cuối năm 2019, TAND Cấp cao xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.

Bà Thảo đã  làm đơn yêu cầu cấp giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án.

Đọc thêm

Từ bạn tù đến đồng bọn ma túy, bộ ba lĩnh án chung thân

Các bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 10/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo: Nguyễn Phú Long Thành (SN 1976, trú phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội); Vi Xuân Hoài (SN 1954, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Kha Văn Minh (SN 1977, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Phúc thẩm vụ án 'thuê người đánh ghen' ở Bến Tre

Các bị cáo tại phiên xử. (Ảnh: Bùi Yên)
(PLVN) - Ngày 7/1/2025, TAND tỉnh Bến Tre mở phiên xử phúc thẩm với các bị cáo Lê Thị Trang (SN 1982), Phạm Thành Lộc (SN 1998), Đinh Văn Chăng (SN 2004), Lê Đoàn Thiên Phúc (SN 2004) và Đinh Văn Hùng (SN 1978) cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.

Bắt tạm giam chủ Mái ấm Hoa Hồng (TP HCM)

Tống đạt các quyết định tố tụng với hai bị can. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM mới ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam với Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) để điều tra hành vi "Hành hạ người khác".

Dùng dao chém mẹ vợ, con rể lãnh 9 năm tù

Bị cáo gần tại phiên tòa.
(PLVN) - Cuối phiên xử sơ thẩm ngày 2/1/2025, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Gần (SN 1975, ngụ xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), 9 năm tù về tội "Giết người". Nạn nhân trong vụ án này là bà Trần Thị Tư (mẹ vợ của bị cáo).

Phạt tù 4 bị cáo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng của người dân qua mạng điện thoại

Các bị cáo Tài, Chương (hàng đầu), Thái và Phúc (hàng thứ 2) (từ trái sang) tại phiên tòa
(PLVN) - Ngày 23/12, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đối với các bị cáo gồm Nguyễn Thông Thái (SN 1995), Dương Văn Tài (SN 2000), Trương Hán Chương (SN 2000) và Hồ Minh Phúc (SN 1995) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo cùng ngụ TP HCM.