Hàng giả nhiều, xử lý ít
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có tới 64 triệu người sử dụng internet, tăng trưởng TMĐT trung bình những năm qua là 25 - 30%. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam đạt mức 30% với tổng doanh thu bán lẻ đạt 8,06 tỷ USD. Đây chính là “mỏ vàng” cho hàng giả, hàng nhái khai thác nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp hiệu quả hơn để quản lý.
Đại diện hãng Nike cho biết, để đánh giá thực tế có bao nhiêu hàng giả đang được bày bán trên các trang TMĐT, Nike đã tiến hành mua ngẫu nhiên các mẫu từ nhiều người bán. Cụ thể, với 30 mẫu mua khảo sát, bao gồm 10 đôi giày nhãn hiệu Nike, 10 đôi giày nhãn hiệu Converse, 10 sản phẩm quần áo Nike, thì kết quả cho thấy tỷ lệ hàng thật lần lượt 0%; 10% và 0%.
Theo khảo sát của Nike, phần lớn các sản phẩm quần áo thể thao của thương hiệu này giao dịch qua TMĐT đều là hàng bị làm giả |
Theo đại diện hãng này, nguồn gốc hàng giả chủ yếu từ Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc). Tỷ lệ hàng giả rất nhiều nhưng theo đại diện Nike, số lượng các vụ vi phạm nhái thương hiệu được xử lý rất thấp, từ tháng 6 -10/2019, chỉ xử lý 216 gian hàng online vi phạm.
Tương tự, với thương hiệu Casino nổi tiếng của Nhật Bản tại Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn nạn hàng giả nghiêm trọng. Số lượng máy tính, đồng hồ Casino giả bị phát hiện, tịch thu khá lớn. Khi quảng cáo, các đối tượng bán hàng giả dùng hình ảnh hàng thật, chính hãng nhưng lúc giao hàng là hàng nhái, không có nguồn gốc chứng từ, giao dịch không có hóa đơn…
Đại diện đơn vị phân phối đồng hồ Casio tại Việt Nam cho biết, để phân biệt đồng hồ thật và giả của hãng rất đơn giản, khách hàng chỉ cần nhìn tem màu vàng xuất hiện ở đằng sau mặt đồng hồ là thấy.
Tuy nhiên, vị đại diện này cho rằng, vẫn còn nhiều người dân thích mua đồng hồ thương hiệu với giá rẻ nên hàng giả vẫn còn đất sống và do đó, công cuộc phòng chống hàng giả hàng khó khăn hơn bội phần. Riêng về máy tính, Casio chưa có dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường nên cũng còn nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền cho khách hàng.
Thương hiệu Calvin Klein cũng vấp phải tình trạng tương tự như các thương hiệu nổi tiếng trên ở thị trường Việt Nam. Rất nhiều hàng hóa do Calvin Klein thiết kế đã bị làm giả và đang tìm đường xâm nhập vào thị trường bán lẻ.
Nhiều sản phẩm giả mạo Calvin Klein xuất hiện trên internet thông qua các trang web trái phép, các trang mạng xã hội và các cửa hàng trực tuyến của Shopee, trên facebook của cửa hàng Great Men Store, Cot Store. Phía Calvin Klein cho biết, khi kiểm tra trực tiếp theo địa chỉ thì không tìm thấy cửa hàng thời trang nào.
Cần sửa quy định về quản lý thương mại điện tử
Hầu hết các thương hiệu lớn đều cho biết, các hãng đã đầu tư tem đặc biệt để phân biệt hàng chính hãng và hàng nhái; phối hợp với lực lượng quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra, xử lý… nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng cho rằng, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng phương thức TMĐT để thực hiện các hành vi buôn bán, sản xuất hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả. Thậm chí, nhiều ứng dụng TMĐT cũng đang được các đối tượng sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ra nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát cũng như thiệt hại lớn với người tiêu dùng.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) khẳng định, giao dịch TMĐT hàng ngày với khối lượng khổng lồ nhưng lượng thông tin đăng tải không đủ để có thể thẩm định đâu là hàng chính hãng.
Vì thế, dự kiến đầu năm 2020, Bộ Công Thương sẽ ban hành Thông tư quy định rõ trách nhiệm của người mua, người bán và cả các sàn giao dịch. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 52 về quản lý TMĐT năm 2013. “Đã đến lúc cần có một chế tài phù hợp để quản lý lĩnh vực này chặt chẽ hơn và phù hợp với thực tiễn hơn” , ông Linh nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT giai đoạn 2018 – 2020.
Gần đây, Bộ trưởng 2 bộ: Công Thương và Khoa học Công nghệ cũng đã có cuộc họp liên quan đến việc xử lý các sai phạm về xâm phạm sở hữu trí tuệ. Cùng với đó là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các sàn giao dịch cũng đã tham gia ký kết cam kết "Nói không với hàng giả trong TMĐT".