Theo ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, trong năm 2020 tổng diện tích vải thiều trên toàn tỉnh đạt 28.100ha, sản lượng ước đạt khoảng 160.000 tấn (tăng khoảng 10.000 nghìn tấn so với năm 2019). Thời gian thu hoạch bắt đầu từ tháng 5 và dự kiến kết thúc vào tháng 7/2020. Được biết, vụ vải thiều năm nay toàn tỉnh sẽ xuất khẩu khoảng 80.000 tấn, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường chính. Phần còn lại sẽ được chế biến, tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, hiện Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu vải truyền thống. Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm khơi thông xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Úc, Malaysia... Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các hộ trồng vải, cơ sở chế biến sẵn sàng đáp ứng đủ các điều kiện cho thị trường xuất khẩu khác: Nhật Bản, Singapore, Trung Đông, Thái Lan, Canada…
Đối với thị trường nội địa, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan phối hợp với các Bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố, kết nối với các tập đoàn phân phối, chợ đầu mới, các doanh nghiệp như: Aeon, Central Group, Bic C, chợ đầu mối nông sản của Hà Nội và TP Hồ chí Minh… để vải thiều được tiêu thụ thuận lợi. Thực tế, với gần 100 triệu dân đây vẫn là thị trường nhiều tiềm năng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, để chủ động trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Bắc Giang đã xây dựng nhiều phương án để đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Nhằm đa dạng hóa kênh bán và quảng bá sản phẩm vải thiều tới các thị trường trong và ngoài nước, tỉnh Bắc Giang đã khai trương “Sàn giao dịch điện tử vải thiều”. Sàn giao dịch này sẽ là mô hình mẫu giúp các địa phương trên cả nước học tập, đặc biệt như các địa phương trồng xoài, dưa hấu, nhãn, thăng long…
Để bảo đảm cho sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, tỉnh Bắc Giang cũng phối hợp với Công ty cổ phần logistics Những ngôi sao liên kết (TP HCM) tập huấn cho cán bộ hội nông dân các xã, thị trấn, các ngân hàng và đại diện các hợp tác xã, thương nhân sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản về các giải pháp như: bảo quản lạnh hàng nông sản đóng hộp, vận tải đa phương thức, xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, EU, Nhật Bản…
Đồng thời giúp các học viên nắm được những thông tin tổng quan về sàn giao dịch vải thiều Lục Ngạn, các kỹ năng quản lý, giám sát hoạt động của sàn; làm thế nào để tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo được niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, đáp ứng cho nhu cầu hoạt động kinh doanh tại đơn vị./.