Thách thức lớn
Ông có thể cho biết đôi nét về kế hoạch hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới để khối tài sản lớn của Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) được quản lý tốt, sinh lời, đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước?
- Được giao trọng trách là người đứng đầu, tôi luôn trăn trở và đặt ra mục tiêu để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN xác định DN là trung tâm với 4 quan điểm hoạt động chính, luôn được quán triệt là: hiệu quả, đúng luật, minh bạch, bền vững. Theo đó, Ủy ban sẽ tập trung vào hai mảng nội dung chính là xây dựng chiến lược phát triển và triển khai các công việc liên quan đến công tác quản trị, giám sát:
Việc Uỷ ban ra đời sẽ nâng cao trách nhiệm giải trình trong quá trình giám sát sử dụng vốn Nhà nước gắn với trách nhiệm quản lý, bảo toàn tài sản của Nhà nước trong các doanh nghiệp này với các cá nhân cụ thể. Chỉ khi trách nhiệm cá nhân được làm rõ thì mới có cơ chế, cách thức để đảm bảo nguồn lực của đất nước không bị lãng phí.
Thứ nhất là Ủy ban sẽ triển khai việc xây dựng Chiến lược dựa trên kế hoạch phát triển của từng doanh nghiệp phát triển vốn nhà nước tại DN giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Ủy ban quản lý các DN lớn, đa ngành, các DN chuyển giao về Ủy ban sẽ không còn khái niệm sở hữu chéo, đầu tư ngoài ngành với các lĩnh vực mà chúng tôi đang quản lý. Vì vậy, với các dự án có tiềm năng, lợi thế thì các DN có thể cùng tham gia thực hiện. Cụ thể, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phát huy tối đa hiệu quả về kinh tế.
Thứ hai là tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng thực tế từng Tập đoàn, Tổng công ty (TĐ, TCT) và qua đó phát huy các thành tựu và thế mạnh đã đạt được. Đồng thời tìm nguyên nhân, giải pháp để giải quyết, xử lý từng dự án lớn; đề xuất cơ chế xử lý và có lộ trình khả thi thực hiện cơ cấu lại tài chính/DN, tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh.
Thứ ba là tiếp tục chỉ đạo và thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các DN theo quyết định/chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Gắn thoái vốn tại các đơn vị thành viên của TĐ/TCT với kế hoạch tái cơ cấu TĐ/TCT về cả tài chính và tổ chức quản trị; chú trọng chất lượng và tăng trưởng.
Thứ tư là phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương xử lý các vấn đề tồn đọng hoặc phát sinh mới nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh có hiệu quả của DN.
Thứ năm là trong việc thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN, Ủy ban xác định phải làm tốt vai trò cầu nối giữa DN với Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Thể hiện ở cả 3 khía cạnh là: lắng nghe, tổ chức thực hiện và tham mưu kịp thời, đầy đủ lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện tốt đồng thời cả 3 nội dung này sẽ tạo môi trường thuận lợi, giúp tháo gỡ khó khăn để DN đi vào hoạt động hiệu quả.
Thứ sáu là Uỷ ban sẽ tổ chức giám sát thường xuyên, nâng cao trách nhiệm thông tin và giải trình, gắn chặt việc giám sát, đánh giá, song hành với khen thưởng và chính sách cán bộ. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và có chỉ đạo cụ thể với doanh nghiệp trong quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp |
Đâu là thách thức và vướng mắc lớn nhất mà Uỷ ban sẽ phải đối mặt? Áp lực của người đứng đầu Ủy ban là gì thưa ông? Xin ông chia sẻ những giải pháp để giải quyết những thách thức đó?
- Thách thức lớn nhất với Ủy ban là quản lý các DN lớn, giữ vai trò chủ đạo, then chốt của nền kinh tế, vì vậy ngoài nhiệm vụ hỗ trợ DN phát triển ổn định thì nhiệm vụ kết nối tạo sức mạnh tổng hợp là thách thức lớn đối với chúng tôi. Công tác quản lý, điều hành của Ủy ban không phải là phép cộng đơn thuần mà là hướng đi, cách làm để đảm bảo vai trò chi phối, dẫn dắt, và điều tiết nền kinh tế nhà nước. Qua đó phát huy được sức mạnh tổng hợp, hình thành được nguồn lực lớn mạnh, DN lớn mạnh, đáp ứng được trọng trách mà Đảng và Chính phủ giao phó.
Doanh nghiệp thuộc Ủy ban là những DN lớn, điều hành các DN này là những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm, giỏi về chuyên môn, thông thạo về công tác quản trị. Vì vậy, Ủy ban cũng phải tự hoàn thiện mình, đảm bảo đủ năng lực để quản lý, điều hành nguồn nhân lực chất lượng cao tại các DN.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật đối với lĩnh vực quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN đến nay đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa đồng bộ hoặc xung đột về pháp luật, việc quy định trách nhiệm, quyền hạn vẫn còn phân tán tại nhiều cơ quan. Tuy nhiên, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành cho đến nay công việc quản lý điều hành của Ủy ban khá thuận lợi. Chúng tôi tin rằng một số tồn tại, hạn chế nêu trên sẽ sớm được sửa đổi, giải quyết triệt để.
Đo “sức khỏe” doanh nghiệp
Đối với một số TĐ, TCT nhà nước đang có khó khăn, nhiều dự án, nhà máy làm ăn thua lỗ, Uỷ ban có phương án nào để “vực dậy” sau khi nhận chuyển giao? Vai trò của Uỷ ban trong việc đẩy nhanh việc xử lý các dự án, nhà máy này là như thế nào thưa ông?
- Hiện Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các nội dung công việc theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương” và Quyết định số 4269/QĐ-BCĐĐANCT về Kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án nêu trên giai đoạn 2017 - 2020.
Trong thời gian tới, nếu tiếp nhận các dự án nêu trên, Ủy ban sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện triệt để các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ xác định tại các Quyết định. Bên cạnh đó, căn cứ tình hình và kết quả cụ thể của từng dự án, Ủy ban mới có cơ sở xây dựng và đề xuất thêm các giải pháp nếu thấy cần thiết nhằm sớm đạt được mục tiêu Chính phủ giao.
Cơ chế giám sát chưa hiệu quả được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN. Ủy ban đưa ra định hướng giải quyết câu chuyện này ra sao?
- Thực tế cho thấy, cơ chế giám sát nói chung hiện nay còn hạn chế trong cả những văn bản, quy phạm pháp luật và cả trong việc tổ chức thực hiện. Để giải quyết vấn đề này theo tôi cần phải được thực hiện từ cả DN và cơ quan quản lý.
Về phía các DN, để DN hoạt động hiệu quả, là người nắm rõ nhất hoạt động của DN mình, lãnh đạo DN cần chủ động xây dựng cơ chế giám sát chính DN mình. Đây là kênh thông tin nhanh nhất, chính xác nhất trong điều hành, quản lý DN.
Về phía mình, Ủy ban sẽ đẩy mạnh chức năng giám sát của các Kiểm soát viên. Hiện nay, Ủy ban đang xây dựng quy chế kiểm soát viên. Theo đó, trách nhiệm và quyền hạn của kiểm soát viên sẽ được nâng cao. Kiểm soát viên sẽ được tham gia sâu hơn vào tất cả các hoạt động của Hội đồng Thành viên, Hội đồng Quản trị và Ban Tổng Giám đốc. Qua đó kiểm soát viên sẽ thực hiện tốt hơn vai trò giám sát của mình.
Uỷ ban cũng đã triển khai xây dựng Phần mềm Bộ Chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả DN bao gồm các chỉ số để phân tích, đánh giá “sức khỏe” của DN, đặc biệt là có hệ thống cảnh báo các rủi ro về tài chính, quản trị. Số liệu được cập nhật kịp thời, đầy đủ để sẵn sàng báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tôi cho rằng, với sự đồng lòng từ DN và cơ quan quản lý, cơ chế giám sát sẽ sớm được cải thiện.
Xin cảm ơn ông! Kính chúc Ủy ban luôn phát triển, thành công và thắng lợi trên mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó
Về vấn đề một số thông tin lo ngại có sự chồng chéo về hoạt động của Ủy ban và SCIC cũng đã được đề cập và được các cấp Lãnh đạo xem xét kỹ để đảm bảo không có sự chồng chéo về nhiệm vụ giữa Ủy ban và SCIC. SCIC là doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. SCIC cũng giống như các TĐ, TCT chuyển giao về Ủy ban, không có sự khác biệt nào đối với SCIC. Ủy ban nắm giữ và quản lý vốn tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty (trong đó có SCIC). SCIC quản lý phần vốn góp của các doanh nghiệp khác và thực hiện công tác cổ phần hóa.