Chỉ tính từ đầu tháng 8, tại khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa lớn, gây lũ cục bộ trên sông, suối nhỏ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại một số địa phương; gây ra thiệt hại về tính mạng, nhà cửa, tài sản của nhân dân. Tại Tây Nguyên, thời tiết bất thường, mưa lớn nên liên tục xảy ra sạt lở, sụt lún khiến một số tuyến đường, nhà dân bị hư hỏng, cướp đi sinh mạng nhiều người (điển hình là vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng). Ở Bình Thuận là ngập lụt trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây...
Chúng ta đang được chứng kiến thời tiết khí hậu ngày càng cực đoan, hậu quả của El Nino; thêm một số nguyên nhân khác khiến hậu quả mưa lũ càng nguy hiểm. Theo các chuyên gia địa chất, thường khu vực sạt lở nằm ở vị trí giao nhau của các vết đứt gãy. Nhìn rộng ra, sạt sở, lũ ống, lũ quét... còn có nguyên nhân từ con người. Đó là chúng ta cần phải tôn trọng thiên nhiên hơn nữa. Nếu phá rừng tự nhiên, bạt núi làm các công trình dân dụng, giao thông; khai thác đất, đá, cát, sỏi... mà không tính đến các yếu tố cân bằng của địa chất, địa mạo; thì nguy cơ có thể xảy ra.
Theo các nhà khoa học, có đến 39 yếu tố ảnh hưởng sạt lở, chia thành 3 nhóm nguyên nhân: Hình thái địa hình, địa chất - thủy văn và hoạt động con người. Hiện tượng sạt lở đất gần đây đặt ra vấn đề phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn và xây dựng được bản đồ sạt lở, tính toán đầy đủ các yếu tố, đặc biệt về địa chất.
Nếu chỉ căn cứ vào yếu tố lịch sử chưa chắc đã đúng mà phải căn cứ vào địa chất thực tế và lượng mưa để tính toán các điểm sạt lở cần di dời gấp khi mưa, lũ bất thường. Phải quy hoạch tốt; nâng cao ý thức và kiến thức phòng ngừa sạt lở, lũ ống, lũ quét của con người sinh sống ở các địa bàn nhiều nguy cơ.
Tại Công điện số 726/CĐ-TTg ngày 6/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đã yêu cầu Bộ TN&MT “dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định”. Mỗi người dân cần nắm chắc, làm chủ các phương án sơ tán và chủ động trong phòng tránh, chứ không thụ động ngồi chờ.