Cạnh tranh cao ở các trường “top”, ngành “hot”
Theo thống kê, hiện có tới 14 phương án tuyển sinh đại học (ĐH) trong năm 2022. Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh, từ trước đến nay chỉ có 3 phương thức xét tuyển ĐH cơ bản: xét tuyển bằng hồ sơ học tập hoặc thành tích cá nhân; xét tuyển dựa trên kết quả của thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ thi riêng khác; xét tuyển kết hợp các tiêu chí từ hai phương thức trên. Trong đó, phương thức thứ ba tạo ra những bộ tiêu chí hoặc các phương án xét tuyển đa dạng, đôi khi khá vụn vặt vì có những phương án kèm các tiêu chí mà chỉ rất ít thí sinh đáp ứng.
Để “gỡ rối” cho phụ huynh và thí sinh, PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhắn nhủ thí sinh cần có suy nghĩ lạc quan về khả năng trúng tuyển ĐH khá rộng mở. Bởi số lượng chỉ tiêu dự kiến của các trường đủ để đáp ứng với đại đa số thí sinh có nguyện vọng học.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền cũng lưu ý thí sinh lựa chọn đăng ký phương thức xét tuyển cần chú trọng những yếu tố thành tích nổi trội sẽ có ưu thế nếu đăng ký xét tuyển qua hồ sơ thành tích/học lực. Bởi con đường vào các ngành “hot”, trường “top” dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ ngày càng chật hẹp, do chỉ tiêu đối với phương thức này giảm sâu (các trường tốp đầu chỉ để dành một lượng chỉ tiêu 10-15% cho xét tuyển kì thi THPT - PV). Do đó, việc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của hai ĐH quốc gia hoặc kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh do có nhiều trường sử dụng kết quả các kỳ thi này để xét tuyển ĐH.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, quan trọng là thí sinh biết “liệu cơm gắp mắm” để đạt mục tiêu trúng tuyển. Thí sinh cần có một bản đăng ký xét tuyển vào ngành/chương trình đào tạo với danh mục và thứ tự ưu tiên được cân nhắc kỹ. Việc lựa chọn đăng ký phương thức xét tuyển cần chú trọng những yếu tố như: Nếu có thành tích nổi trội, đoạt các giải thưởng hoặc có năng lực chuyên biệt (học sinh giỏi trường chuyên/năng khiếu, có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ hoặc học vấn như SAT, A-Level), thí sinh có ưu thế nếu đăng ký xét tuyển qua hồ sơ.
Đồng thời, TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng nhận định, do có nhiều phương thức xét tuyển nên số chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ bị cắt giảm, dẫn đến điểm chuẩn của phương thức này khá cao. Như thế, tình trạng nhiều thí sinh điểm cao nhưng có thể vẫn trượt ĐH sẽ tiếp tục tái diễn. Do vậy, thí sinh cần chiến lược đăng ký nguyện vọng phù hợp, có thể đăng ký nguyện vọng xét tuyển ở các phương thức xét tuyển khác nhau. Và nếu đã trúng tuyển vào ngành mình yêu thích ở bất kỳ phương thức nào cũng nên xác nhận nhập học sớm…
Cần bám sát đề án tuyển sinh của các trường
Như vậy, việc đa dạng các phương thức tuyển sinh như trên cho thấy các trường ĐH đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh vào trường bằng nhiều cách thức khác nhau. Điều đáng nói, dù các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của trường không biến động nhiều. Chỉ tiêu dành cho các phương thức sẽ được chia theo tỉ lệ khác nhau trong tổng chỉ tiêu chung. Do đó, thí sinh cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường ĐH để lượng sức xem mình phù hợp với phương thức nào nhất. Từ đó có sự lựa chọn chính xác để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường, vào ngành học mình yêu thích, không bị rối khi tiếp cận cùng lúc nhiều phương thức khác nhau.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐHQG Hà Nội cũng cho rằng: Trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, các trường ĐH sẽ sử dụng các phương thức khác nhau để nâng cao chất lượng đầu vào. Do đó, mỗi trường sẽ có những hình thức khác nhau để xét tuyển và được công bố chi tiết trong Đề án tuyển sinh 2022. Thí sinh phải tham khảo đề án tuyển sinh các trường dự định xét tuyển vào trước khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký tham dự các kỳ thi riêng do các trường tổ chức như kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh; kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ, thông thường, thí sinh có thể sử dụng đăng ký xét tuyển vào một ngành (trường) nào đó bằng nhiều phương thức. Tuy nhiên, theo quy chế tuyển sinh, dù thí sinh có đăng ký nhiều phương thức thì cuối cùng cũng chỉ trúng tuyển duy nhất bằng 1 phương thức. Nếu thí sinh đã trúng tuyển và xác nhận nhập học vào một trường bằng kết quả thi ĐGNL chẳng hạn thì các phương thức khác của thí sinh đó sẽ bị xóa bỏ. Do đó, việc sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có kết quả thi ĐGNL sẽ có lợi cho thí sinh và các trường trong các mùa tuyển sinh.
Cụ thể, theo PGS. TS Nguyễn Phong Điền, kết quả học tập trung học phổ thông (THPT) và kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ quan trọng trong xét tuyển vào các trường ĐH nói chung. Năm 2021, các trường dành khoảng 58% chỉ tiêu cho hình thức xét kết quả thi THPT. Năm 2022, vẫn có nhiều trường sử dụng 50-60% chỉ tiêu cho hình thức này. Tuy nhiên, để tăng cơ hội xét tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao, thí sinh cần quan tâm đến các kỳ thi khác như thi ĐGNL, đánh giá tư duy...
Năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy với quy mô lớn không chỉ phục vụ tuyển sinh cho trường mà còn cho các cơ sở giáo dục ĐH khác lấy kết quả xét tuyển. Hiện đã có 135 trong số gần 300 trường ĐH, học viện trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL của hai ĐH Quốc gia và đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển.
ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi này xét tuyển cho hơn 60% tổng chỉ tiêu của trường năm 2022, trong đó ưu tiên một số chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao theo phương thức này. Tuy nhiên, trường vẫn dành khoảng 20% tổng chỉ tiêu để xét tuyển vào một số ngành/chương trình dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc này nhằm tạo điều kiện cho các em thí sinh dù không thể tham dự kỳ thi đánh giá tư duy thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển vào một số ngành học nhất định theo Đề án tuyển sinh của trường.
Dự kiến thời hạn có hiệu lực của kết quả thi đánh giá tư duy là một năm. Cụ thể, kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 sẽ chỉ áp dụng để xét tuyển ĐH cho năm học 2022-2023. Từ năm 2024 trở đi, kỳ thi này sẽ được tổ chức một số lần trong năm để thí sinh chủ động hơn.
PGS. TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT:
Các phương án tuyển sinh phù hợp với Luật Giáo dục Đại học
Việc các cơ sở giáo dục đại học có các phương thức tuyển sinh khác nhau là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật; bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo và phù hợp với phương thức tuyển sinh chung của thế giới.
Qua tổng hợp, phân tích số liệu tuyển sinh, các cơ sở đào tạo sử dụng phương thức xét kết quả thi THPT để xét tuyển chiếm tỷ lệ 92,05%; sử dụng kết quả học tập bậc THPT để xét tuyển là 77,37% và sử dụng thêm các phương thức khác để xét tuyển là 92,35%. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh, số thí sinh trúng tuyển và nhập học chỉ chủ yếu tập trung ở phương thức sử dụng kết quả thi THPT và sử dụng kết quả học tập bậc THPT (chiếm hơn 90%; các phương thức còn lại chỉ 10%). Những năm gần đây, các chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học tập THPT và các phương thức khác ngoài kết quả thi tốt nghiệp THPT có xu hướng gia tăng hơn.
Quy chế tuyển sinh hiện hành quy định, nếu các trường lựa chọn nhiều phương thức để xét tuyển, phải quy định chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển và công khai trong đề án tuyển sinh. Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng vào các ngành, các trường... theo các phương thức xét tuyển khác nhau của các trường (nếu có). Như vậy, đi kèm với nhiều cơ hội trúng tuyển, thí sinh phải tìm hiểu để lựa chọn phương thức phù hợp kỹ hơn, vì vậy sẽ có phần vất vả hơn.