Tuyển sinh vượt chỉ tiêu hàng trăm thí sinh
Theo đề án tuyển sinh năm 2021, ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tuyển 1.800 chỉ tiêu cho 17 ngành đào tạo với 4 phương thức tuyển sinh. Riêng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 có 793 chỉ tiêu. Tuy nhiên, sau khi công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 có 2.349 thí sinh trúng tuyển, vượt hơn 500 thí sinh so với chỉ tiêu tuyển. Chỉ tính riêng 3 ngành Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin và Quản lý đất đai, số lượng thí sinh trúng tuyển 1.968, gấp gần 3 lần chỉ tiêu theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT của 17 ngành còn lại.
Trong đó, ngành quản trị kinh doanh có 60 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng trường gọi trúng tuyển đến 943 thí sinh, vượt chỉ tiêu 15,7 lần so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Ngành công nghệ thông tin có 55 chỉ tiêu nhưng trường cũng gọi trúng tuyển đến 445 thí sinh, gấp hơn 8 lần chỉ tiêu.
Tương tự, nhiều ngành của ĐH Đồng Nai có số lượng thí sinh trúng tuyển vượt nhiều so với chỉ tiêu. Đơn cử: Ngành Giáo dục tiểu học có 350 chỉ tiêu nhưng đã có 546 thí sinh xác nhận nhập học; Ngôn ngữ Anh có 283 thí sinh nhập học trong khi chỉ tiêu là 100. Tuy nhiên, đại diện nhà trường cho rằng, chỉ khi thí sinh đến nhập học mới biết số thí sinh thực tế là bao nhiêu. Dù mọi năm trường đều gọi vượt chỉ tiêu để “trừ hao”, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cộng với các trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau nên tỷ lệ thí sinh ảo tăng lên. Do đó, buộc cơ sở đào tạo, trong đó có Trường ĐH Đồng Nai phải gọi thí sinh nhiều hơn so với chỉ tiêu.
Trước thực trạng này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Các trường phải thực hiện công khai, minh bạch điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, cơ sở xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, để cơ quan quản lý Nhà nước thanh tra, kiểm tra, xã hội giám sát và người học lựa chọn đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, các trường phải có trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng nguồn tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh cũng như chất lượng đào tạo. Các trường được quyền tự chủ nhưng không có nghĩa muốn làm gì thì làm…
Không loại trừ các trường làm sai
Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, theo Luật Giáo dục đại học và các quy định tuyển sinh hiện hành, các trường được quyền tự chủ quyết định và có trách nhiệm giải trình trong công tác xét tuyển, cụ thể có thể lựa chọn thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển; được tổ chức xét tuyển nhiều lần trong năm, xét tuyển theo các phương thức khác nhau… dẫn đến một thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường khác nhau.
Trong quá trình tuyển sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THTP đợt 1, một số trường lập danh sách thí sinh trúng tuyển vượt chỉ tiêu của ngành, nhưng đây chưa phải là số lượng sinh viên tuyển được thực tế.
Theo phân tích thống kê kết quả tuyển sinh hàng năm, chỉ có các trường thuộc khối ngành Công an, Quân đội là đảm bảo số thí sinh trúng tuyển sẽ nhập học 100%; còn lại đa số các trường sẽ có một tỷ lệ nhất định thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Vì vậy, các trường thông báo dự phòng một lượng thí sinh nhất định do phải tính đến có tỉ lệ thí sinh sẽ nhập học vào các trường khác (theo các phương thức khác nhau).
Theo quy chế tuyển sinh, các trường tuyển sinh nhiều đợt trong năm, công tác tuyển sinh năm 2021 sẽ được báo cáo đầy đủ vào ngày 31/12/2021 với số lượng thí sinh nhập học chính thức. Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm nếu có.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp gây nhiều khó khăn, xáo trộn, nhiều trường xét tuyển bằng các phương thức khác (kết quả học tập THPT, thi đánh giá năng lực...) không đạt được chỉ tiêu như đã xác định, do vậy đã xem xét điều chỉnh chỉ tiêu sang xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Có trường có thể thông báo số thí sinh trúng tuyển gấp 3-4 lần chỉ tiêu đã xác định, nhưng khi kết thúc tuyển sinh cũng chỉ đạt được 30% chỉ tiêu tuyển sinh; nhiều ngành không có thí sinh hoặc rất ít thí sinh trúng tuyển, nhập học. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp có thể một số trường thực hiện sai.
Thực tế, phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT giúp giảm thiểu tình trạng thí sinh “ảo”, và đảm bảo mỗi thí sinh trúng tuyển vào 1 nguyện vọng vào 1 ngành của một trường ở mức tốt nhất theo năng lực của thí sinh lựa chọn, chứ không giải quyết hết mọi vấn đề “ảo” của các trường, bởi thí sinh có quyền nhập học hoặc từ chối nhập học.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD ĐH, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vào giai đoạn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh, phải thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương trên cả nước, ngày 20/8/2021 Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 3676/BGDĐT-GDĐH trong đó có việc hướng dẫn các trường tổ chức nhập học và xác nhận nhập học cho thí sinh khi chưa thể nộp được bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi cho các trường để nhập học.
Do vậy, nhằm tránh xảy ra sai sót, nhầm lẫn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh đối với nhiều trường hợp, các trường nếu chưa có đủ thông tin chắc chắn sẽ không nhập thí sinh trúng tuyển ở các phương thức khác lên hệ thống để loại thí sinh khỏi danh sách xét tuyển trước khi lọc ảo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng lượng thí sinh ảo. Các trường phải cân nhắc quyết định để tăng thêm số thí sinh khi xác định điểm trúng tuyển và số lượng trúng tuyển.
Cho đến thời điểm này, số thí sinh chính thức nhập học (xét tất cả các phương thức tuyển sinh) trên toàn hệ thống chưa tới 62% tổng chỉ tiêu. Hiện tại, chưa thể kết luận những trường có số lượng thí sinh thông báo được trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu là đã tuyển vượt quá chỉ tiêu theo quy định. Bởi thực tế, số lượng thí sinh có thể ảo khá nhiều. Một số thí sinh dù đã nhập học cũng có thể sẽ đi du học khi dịch bệnh được kiểm soát.