Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là một trong những di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại

(PLVN) -Ngày 30/11, Bộ Tư pháp phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”. Tại Hội thảo, đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có bài phát biểu kết luận quan trọng. Báo PLVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Đồng chí Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu kết luận Hội thảo
Đồng chí Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu kết luận Hội thảo

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước,

Thưa các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, 

Hôm nay, tôi rất vui mừng tới dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật: Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tôi hoan nghênh Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Hội thảo với những nội dung rất sâu sắc, ý nghĩa và có tính cấp thiết với đất nước chúng ta hiện nay. Tôi đánh giá cao sự tham gia đầy đủ của các đồng chí lãnh đạo một số Ban, Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban của Quốc hội và một số địa phương. Tôi cũng hoan nghênh đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí đang làm công tác thực tiễn đã dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, gửi bài tham luận tới Hội thảo và về tham dự Hội thảo. Hoan nghênh các đơn vị thông tin, báo chí đến đưa tin về Hội thảo. Và tôi cũng rất cảm ơn các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng đã dự cuộc Hội thảo quan trọng này. 

Hội thảo này là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ quản lý trình bày, trao đổi các kết quả nghiên cứu, nhận thức toàn diện và sâu sắc hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước, pháp luật và thực tiễn vận dụng tư tưởng đó ở nước ta 75 năm qua, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị tiếp tục vận dụng những giá trị lớn lao trong tư tưởng của Người trong giai đoạn tới. Hội thảo được tổ chức rất đúng thời điểm khi chúng ta vừa kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 02/9/1945 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn chúng ta đang tích cực chuẩn bị văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có việc đề ra định hướng tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn liền với việc tổ chức thực hiện pháp luật, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. 

Thưa các đồng chí!

Qua hơn 30 báo cáo khoa học trong kỷ yếu và đặc biệt là các báo cáo khoa học trình bày tại Hội thảo, có thể thấy rằng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn trân trọng, thấm nhuần và nỗ lực vận dụng sáng tạo những giá trị cốt lõi, nền tảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, cụ thể: 

Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh không để lại những tác phẩm lý luận đồ sộ bàn riêng về Nhà nước và pháp luật. Nhưng qua những tác phẩm chính luận, báo chí, các bài nói và viết trong quá trình hoạt động cách mạng, và đặc biệt là qua những văn bản, văn kiện do Người trực tiếp khởi thảo hoặc chỉ đạo khởi thảo, chúng ta thấy rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh có một hệ thống các quan điểm sâu sắc, toàn diện và tiến bộ về Nhà nước, pháp luật, làm nền tảng, kim chỉ nam cho thực tiễn vận dụng ở Việt Nam.

Với những nội dung mang tầm triết lý sâu sắc và rất riêng có của vị Lãnh tụ kính yêu, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật không thể nghiên cứu một lần là đã xong, đã thấu đáo mà cần phải được nghiên cứu nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa mới có thể nhận thức đúng đắn và vận dụng đầy đủ, toàn diện. Tại Hội thảo này, các đồng chí đã phân tích, đánh giá, nhận diện được những luận điểm lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật cùng thực tiễn vận dụng ở nước ta trong 75 năm qua, chỉ rõ giá trị lịch sử và đương đại của các tư tưởng đó, đồng thời đưa ra nhiều gợi mở quan trọng về việc tiếp tục vận dụng tư tưởng của Người trong công cuộc cải cách, đổi mới ở nước ta trong thời gian tới. Tôi cũng đồng ý với nhiều ý kiến tại Hội thảo rằng, hiện nay bộ máy nhà nước của chúng ta ở một số nơi còn chưa được tổ chức hợp lý, hiệu lực, hiệu quả còn chưa cao, thủ tục hành chính trong không ít lĩnh vực còn phiền hà, năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí không chính thức còn cao, còn tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, tính thượng tôn pháp luật chưa cao, kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm. Để khắc phục những hạn chế này, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực vận dụng triệt để hơn nữa những giá trị sâu sắc về Nhà nước và pháp luật kết tinh trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông qua các tham luận gửi tới Hội thảo cũng như thảo luận của các đồng chí, tôi thấy rõ sự trăn trở của các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí đại diện cho các ban, bộ, ngành, chính quyền địa phương về việc làm sao để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, cùng hệ thống pháp luật hoàn thiện, đồng bộ, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Người.

Thứ hai, một trong điểm xuất phát trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật chính là tư tưởng lấy dân làm gốc. Kế thừa bài học lớn được đúc kết suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Dân là gốc. Do đó, mọi việc đều bắt nguồn từ dân, làm được hay không cũng là ở nơi dân. Không có Nhân dân sẽ không bao giờ có lực lượng cách mạng và phong trào cách mạng. Mắc bệnh quan liêu, nhũng nhiễu Nhân dân không những thể hiện sự xa dân, không nắm được dân, không thực hiện được sự nghiệp cách mạng cao cả mà còn làm cho dân mất niềm tin, xa Đảng và chế độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn rất kỹ: “Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là: hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối.” Muốn thực sự lấy dân làm gốc, thực sự gần dân thì “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh... Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Thứ ba, về quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước: Trọng tâm xuyên suốt trong trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật là quan điểm, triết lý chính trị, đạo đức và pháp lý về một Nhà nước thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân trên nền tảng Hiến pháp dân chủ và các đạo luật. Đó là một Nhà nước hợp hiến, hợp pháp và có trách nhiệm trước Nhân dân. Thật xúc động và thấm thía mỗi khi đọc lại lời của Bác: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân”. “Dân làm chủ thì Chủ tịch, Bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”.

Thứ tư, về bộ máy Nhà nước: Trong thực tế, với lòng yêu nước thương dân vô hạn cùng trí tuệ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thiết kế mô hình tổ chức bộ máy nhà nước rất đặc sắc thể hiện trong nội dung các bản Hiến pháp và các sắc lệnh, đạo luật lúc Người còn sinh thời. Hiến pháp năm 1946, “một bản Hiến pháp cô đúc, khúc chiết, mạch lạc và dễ hiểu với tất cả mọi người. Đó là một bản Hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện” được xây dựng giữa bộn bề của ngày đầu cách mạng mới thành công, mang đậm dấu ấn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiến pháp năm 1946 đã được thiết kế theo tư tưởng dân chủ, pháp quyền tạo nên nguyên tắc và phương thức tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước sao cho lạm quyền, lộng quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Bộ máy nhà nước có các thành tố cơ bản như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân và chính quyền địa phương được tổ chức trên nguyên tắc “đoàn kết toàn dân…đảm bảo các quyền tự do dân chủ… thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”. Với mỗi thành tố cơ bản trong bộ máy nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có những chỉ dẫn khá cụ thể về cách thức tổ chức và hoạt động, bảo đảm các thành tố đó thể hiện được bản chất của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Theo đó, Quốc hội (mà Hiến pháp năm 1946 gọi là Nghị viện nhân dân) được hiến định là “cơ quan có quyền lực cao nhất của nước”, “giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc”; Chính phủ là “cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc”; Tòa án “trong khi xét xử, các thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp”. Với chính quyền địa phương, Người đã quan tâm thiết kế mô hình chính quyền địa phương có tính tới đặc điểm khác biệt của nông thôn và đô thị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và đặt yêu cầu cao với đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, trong đó, tiêu chuẩn hàng đầu phải là “trung với nước, hiếu với dân”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Với Người, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Điều đặc biệt là, đối với từng lĩnh vực cụ thể, Người còn có những điều căn dặn riêng đối với tiêu chuẩn cán bộ trong lĩnh vực ấy. Đối với các cơ quan dân cử, chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng những người đại biểu cho Nhân dân phải là người “có tài, có đức”; “xứng đáng thay mặt” cho Nhân dân; “Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng"; "Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu". Đối với Tòa án nhân dân, cán bộ phải “công bằng, liêm khiết, trong sạch”, “cần, kiệm, liêm, chính”, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Đối với Viện kiểm sát nhân dân, cán bộ phải “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. 

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và pháp luật, cần đặc biệt lưu ý tới tư tưởng của Người về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Người có nhiều bài nói, viết về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và coi tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là giặc nội xâm, là “bạn đồng minh của thực dân, phong kiến”, “là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Chính vì thế, trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, phải kiên quyết chống cho được tham ô, lãng phí, quan liêu. Công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động đã và đang triển khai rất quyết liệt, được đảng viên, cán bộ và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ cao chính là sự kế tục tư tưởng và làm theo chỉ dẫn của Bác.

Thứ năm, về vấn đề pháp luật và thực hiện pháp luật: Với tinh thần thượng tôn pháp luật, “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi nghiêm minh pháp luật. Người từng nói “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn”. Người cho rằng, pháp luật là công cụ cần thiết để “giữ gìn quyền lợi của Nhân dân”, duy trì trật tự xã hội và “phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn”. Pháp luật cần chứa đựng những giá trị công bằng, nhân văn, chính nghĩa, vì Nhân dân lao động và vì con người được ghi nhận trong Hiến pháp và các đạo luật. Pháp luật cần được xây dựng để trước hết điều chỉnh tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức nhà nước để bảo đảm cho nhân dân có được chính quyền với “mục đích duy nhất là mưu cầu tự do hạnh phúc cho mọi người… đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy”, có “Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài… biết làm việc”, “ai nấy đều hứa sẽ cố gắng làm việc, một lòng vì nước, vì dân”, thực hiện phương châm “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”; Pháp luật cần được xây dựng để bảo đảm cho người dân được hưởng tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Pháp luật cũng cần được hình thành bằng con đường dân chủ với sự tham gia ý kiến rộng rãi của nhân dân, đồng thời phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Các bản Hiến pháp do Người trực tiếp chỉ đạo quá trình soạn thảo đều được xây dựng bằng con đường thảo luận, bàn bạc hết sức dân chủ, có sự tham gia ý kiến rộng rãi của nhân dân. 

Ngoài ra, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật còn chứa đựng nhiều nội dung quan trọng khác mà nhiều chuyên đề, bài tham luận trong Hội thảo đã đề cập như việc kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ Hiến pháp, quyền con người...

Chúng ta có thể khẳng định rằng, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, một nhà nước kiến tạo phát triển, phục vụ Nhân dân, phục vụ xã hội, tư tưởng về xây dựng và thực thi một nền pháp luật dân chủ, tiến bộ là một trong những di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho thế hệ hôm nay. Càng nghiên cứu và thấm sâu tư tưởng của Người, chúng ta càng thấy giá trị thời sự to lớn của những chỉ dẫn ấy; thôi thúc chúng ta cần quyết tâm hơn nữa trong việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh và hiện thực hoá ước nguyện suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Thưa các đồng chí,

Chúng ta đang tích cực chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để định ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045. Tôi đề nghị Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sau Hội thảo này sớm công bố các kết quả nghiên cứu của Hội thảo để các tầng lớp cán bộ, Nhân dân được tiếp cận một cách đầy đủ, đồng thời xây dựng báo cáo kết quả Hội thảo gửi các cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong công tác tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, xây dựng và thực thi pháp luật, tham gia hoàn thiện Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Bộ Tư pháp cũng cần phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành chủ động nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và một hệ thống pháp luật dân chủ, tiến bộ, hoàn thiện theo đúng tư tưởng và ý nguyện của Người.

Thưa các đồng chí,

Hội thảo khoa học Quốc gia lần này đã ghi nhận và đánh dấu những thành tựu, nỗ lực nghiên cứu rất tâm huyết tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, đồng thời cũng gợi mở thêm nhiều vấn đề để các nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn, các cán bộ lãnh đạo, quản lý và những người quan tâm đến tư tưởng của Người tiếp tục nghiên cứu, phát triển. 

Một lần nữa, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin chúc các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, cùng các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, đạt được nhiều thành tích mới trong công tác. 

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí! 

Đọc thêm

Lan toả tình yêu sách đến với đoàn viên, thanh niên

Lan toả tình yêu sách đến với đoàn viên, thanh niên
(PLVN) - Với mong muốn tiếp tục lan toả tình yêu sách trong mỗi công chức, viên chức, người lao động, nhất là các bạn đoàn viên, thanh niên trẻ, sáng ngày 17/4, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tổ chức chương trình hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2024.

Nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật

Quang cảnh tọa đàm
(PLVN) -Thiết thực hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4/2024), sáng 17/4, Cục Phổ biến giáo dục pháp luật tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả văn hóa đọc sách pháp luật”. Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên chủ trì Tọa đàm.

Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng chỉ số cải cách hành chính Khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ

Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng chỉ số cải cách hành chính Khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ
(PLVN) -Bộ Tư pháp và tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng chỉ số cải cách hành chính, đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức sáng 17/4

Bộ Tư pháp: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Bộ Tư pháp: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến
(PLVN) -Trong năm 2023, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được Lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo thực hiện sát sao. Bộ Tư pháp đã theo dõi, đôn đốc thường xuyên để thực hiện đúng tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ theo Kế hoạch CCHC cũng như các kế hoạch trong 07 lĩnh vực CCHC trọng tâm của Chính phủ.

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự
(PLVN) - Trong 6 tháng đầu 2024 toàn tỉnh Yên Bái đã thi hành xong gần 1.600 việc với hơn 73 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 59,36% về việc, 33,75% về tiền trong số có điều kiện thi hành.

Học viện Tư pháp tổ chức Tọa đàm về nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp luật sư

Đại diện các cấp, ngành liên quan và lãnh đạo Học viện Tư pháp chủ trì tọa đàm.
(PLVN) - Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu bày tỏ mong muốn, từ chia sẻ của các diễn giả tham dự Tọa đàm, mỗi học viên là luật sư tương lai có được cái nhìn đầy đủ và nhiều kiến thức bổ ích hơn về nghề nghiệp. Các học viên cần không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội...

Quy định chặt chẽ hơn điều kiện miễn đào tạo nghề Luật sư

Quy định chặt chẽ hơn điều kiện miễn đào tạo nghề Luật sư
(PLVN) -Xây dựng Luật thay thế Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc hội) Bộ Tư pháp cho biết sẽ quy định chặt chẽ hơn về điều kiện miễn đào tạo nghề, miễn giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực làm việc với Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực
(PLVN) -Chiều ngày 12.4, tại Cục Thi hành án dân sự (THADS) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực đã có buổi làm việc với Cục THADS TP.HCM về tình hình thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác THADS, THAHC 06 tháng đầu năm và kết quả tổ chức thực hiện Công văn số 693-CV/BCSĐ ngày 11/01/2024 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.