Tư pháp Đồng Tháp “thay cách nghĩ, đổi cách làm” nâng cao hiệu quả công việc

(PLVN) -  Vượt qua nhiều thử thách, khó khăn, ngành tư pháp Đồng Tháp luôn nỗ lực, chung sức, chung lòng hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Bộ và lãnh đạo tỉnh giao phó. Đặc biệt, không ngừng khẳng định vị thế công tác tư pháp trong nhận thức của cán bộ, người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để hiểu rõ hơn về những thành tựu này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với bà Lê Thị Hồng Phượng – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp.

PV: Thưa bà, được biết năm 2023 công tác tư pháp của Đồng Tháp được Bộ và lãnh đạo địa phương đánh giá rất cao. Vậy ngành tư pháp Đồng Tháp đã đạt được những thành tích cụ thể như thế nào?

Bà Lê Thị Hồng Phượng: Năm 2023, ngành Tư pháp Đồng Tháp đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Bộ Tư pháp và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao phó. Bên cạnh những nhiệm vụ “truyền thống”; Sở còn làm tốt những công việc đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh, Bộ Tư pháp. Đồng thời, Sở luôn chủ động, đề xuất những cách làm hay, giải pháp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Dù nhiệm vụ gì và trên cương vị nào, ngành tư pháp Đồng Tháp cũng “làm tròn vai”, tham mưu, giúp việc tích cực cho UBND tỉnh. Nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến dự án đầu tư tại tỉnh, đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo được UBND tỉnh tin tưởng giao Sở Tư pháp thẩm định, cho ý kiến. Từ đó khẳng định được vai trò, vị thế của ngành Tư pháp tại địa phương.

Bà Lê Thị Hồng Phượng – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp

Bà Lê Thị Hồng Phượng – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp

Đáng chú ý là công tác tư pháp cấp huyện trong năm 2023 có nhiều điểm sáng. Công tác phối hợp trong PBGDPL ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng. Trình độ chuyên môn của báo cáo viên, tuyên truyền viên được nâng lên, nội dung và phương pháp tuyên truyền phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế. Kết quả cụ thể minh chứng qua việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, hạn chế việc vi phạm pháp luật và đơn, thư khiếu nại vượt cấp. Từ đó, góp phần thiết thực vào thành tựu chung của công tác tư pháp tỉnh Đồng Tháp.

PV: Trong quá trình thực hiện, công tác tư pháp địa phương gặp phải những trở ngại, khó khăn gì, thưa bà?

Bà Lê Thị Hồng Phượng: Nói về khó khăn thì khó khăn cơ bản nhất là vấn đề con người. Cán bộ chưa đáp ứng kịp yêu cầu, nhiệm vụ dẫn đến“quá tải” cho đội ngũ làm công tác tư pháp. Công chức Tư pháp - Hộ tịch chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ do số lượng đăng ký các sự kiện hộ tịch ngày càng tăng, phải kiêm nhiệm nhiều việc tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác pháp chế ở không ít cơ quan chưa phù hợp với tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, chủ yếu là kiêm nhiệm nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công việc.

Đồng Tháp tổ chức thành công Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật năm 2023

Đồng Tháp tổ chức thành công Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật năm 2023

Đội ngũ công chức làm công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa đồng đều, chủ yếu là kiêm nhiệm nên sự phối hợp chưa chặt chẽ. Đồng thời, sự phân bố các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố, chưa thành lập được ở các huyện biên giới; điều này, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

PV: Được biết, Tư pháp Đồng Tháp luôn có cách nghĩ, cách làm “đột phá”, vậy trong năm 2024, Đồng Tháp sẽ làm gì để nâng cao hiệu quả các lĩnh vực công tác, thưa bà?

Bà Lê Thị Hồng Phượng: Thời gian tới, Sở sẽ quán triệt và triển khai nhiệm vụ trên tinh thần đổi mới, sáng tạo từ công tác chỉ đạo, điều hành cho đến cách thức, thái độ thực hiện nhiệm vụ của cán bộ tư pháp. Mỗi cán bộ phải “thay cách nghĩ, đổi cách làm”, nghĩ khác đi và làm khác đi, để tạo nên những điều mới mẻ, tích cực, tháo gỡ khó khăn và vươn tới hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Công tác tư pháp rất nặng nề và nhiều áp lực, cần khơi dậy tinh thần đam mê, nhiệt huyết của mỗi cá nhân trong công việc để hình thành thái độ làm việc tích cực, trách nhiệm trong mỗi người. Bên cạnh đó, Sở cũng quan tâm nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn cho cán bộ, tư pháp. Yếu lĩnh vực nào thì tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Tập huấn phải được tổ chức một cách thực chất, cán bộ về đơn vị làm việc phải hiệu quả. Theo tôi nghĩ, cán bộ tư pháp phải biết nhiều việc, giỏi việc đang đảm nhận. Đồng thời, phục vụ nhân dân trên tinh thần trách nhiệm, lịch thiệp và tôn trọng nhân dân.

Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Một vấn đề quan trọng nữa là phải phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khi có sai phạm; đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực đạt kết quả cao, sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Tại các cơ quan, đơn vị phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, cải tiến lề lối làm việc, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu trong khi giải quyết yêu cầu của người dân.

PV: Công tác PBGDPL là một lĩnh vực quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Vậy, trong thời gian tới Sở sẽ làm gì để đẩy mạnh công tác này?

Bà Lê Thị Hồng Phượng: Vấn đề quan trọng trong công tác PBGDPL là phát huy vai trò của các thành viên trong Hội đồng. Với vai trò là Phó Trưởng ban thường trực Hội đồng, Sở Tư pháp sẽ không ngừng đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL. Từ đó, giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Mong muốn của ngành Tư pháp Đồng Tháp là hoạt động PBGDPL phải sôi động, hấp dẫn. Đồng thời tuyên truyền để các Sở, ban ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp ý thức được trách nhiệm của công tác này và đồng loạt vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ.

Trong năm 2024, Sở sẽ tiếp tục tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức về pháp luật. Đặc biệt, phối hợp tổ chức tuyên truyền, đối thoại pháp luật, tìm hiểu pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động; phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng truyền thông pháp luật cho nhiều thành phần, tầng lớp trong xã hội. Bên cạnh đó, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin thông qua các chuyên trang, chuyên mục, bản tin chuyên ngành, các nền tảng mạng xã hội.

Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

PV: Công tác Hòa giải ở cơ sở cũng là một điểm sáng của Đồng Tháp, trong thời gian tới ngành Tư pháp sẽ làm gì để nâng cao hiệu quả công tác này?

Bà Lê Thị Hồng Phượng: Qua 10 năm triển khai thực hiện, Luật Hòa giải ở cơ sở đã tác động mạnh mẽ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Nhiều mô hình hay, sáng tạo, những kết quả tích cực, số liệu ấn tượng đã khẳng định sự cố gắng, nỗ lực và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân Đồng Tháp trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình “CLB Hoà giải ở cơ sở”. Đặc biệt, tiếp tục nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình “Tổ Tư vấn chuyên môn và pháp luật hỗ trợ công tác hòa giải” của huyện Tam Nông, huyện Thanh Bình; “Tổ tư vấn cộng đồng” tại Lai Vung; Mô hình phối hợp giữa các Tổ hoà giải với Hội viên Hội Luật gia tại địa phương trong công tác hoà giải tại huyện Hồng Ngự… Đặc biệt, Sở luôn khuyến khích đổi mới, sáng tạo, suy nghĩ ra nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả để đẩy mạnh công tác tư pháp, góp phần đưa pháp luật đến gần dân hơn.

Xin chân thành cảm ơn bà!

PV Đình Thương thực hiện

Đọc thêm

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự
(PLVN) - Trong 6 tháng đầu 2024 toàn tỉnh Yên Bái đã thi hành xong gần 1.600 việc với hơn 73 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 59,36% về việc, 33,75% về tiền trong số có điều kiện thi hành.

Ghi nhận nhiều ý kiến thực tiễn, có giá trị cao nhằm hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi

Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
(PLVN) -  Ngày 11/4, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn chủ trì.

Bạc Liêu: Triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6

Bạc Liêu: Triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6
(PLVN) - Sáng 28/3, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị trực tiếp và được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện, cấp xã triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ngoài điểm cầu chính, Hội nghị còn kết nối trực tuyến đến 7 điểm cầu cấp huyện và 64 điểm cầu cấp xã.