Nhân kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2013), tiến tới kỷ niệm 10 năm TP.Cần Thơ trực thuộc Trung ương, Báo Pháp Luật Việt Nam phối hợp cùng Sở Tư pháp Tư pháp TP.Cần Thơ tổ chức Chương trình “Tư pháp hướng về cơ sở” năm 2013. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thành Đông – Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ.
Chương trình “Tư pháp hướng về cơ sở” tổ chức tại Cần Thơ lần này có mục đích và ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Đây là hoạt động nổi bật nhằm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Bộ Tư pháp trong năm 2013 là tập trung hướng về cơ sở và chủ đề phát động phong trào thi đua của Bộ Tư pháp đề ra là “Ngành Tư pháp chung sức xây dựng nông thôn mới”; đồng thời góp phần thực hiện chủ đề năm của Tư pháp Cần Thơ là năm cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực hướng về cơ sở.
Chương trình lần này ngoài việc quán triệt thực hiện quan điểm chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ đặt ra còn nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của Sở Tư pháp, gắn liền với công tác đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Các hoạt động chính của chương trình sẽ diễn ra tại đia bàn xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Đây là địa bàn vùng ven của TP Cần Thơ có bề dày truyền thống cách mạng nhưng đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Xã Trường Long cũng có đối tượng công tác trong ngành Tư pháp thật sự gặp khó khăn về nhà ở đúng theo tiêu chí mà Báo Pháp Luật Việt Nam và Sở Tư pháp Cần Thơ đưa ra để ưu tiên chọn xây tặng “Mái ấm tư pháp”.
Ông có thể cho biết các nội dung cụ thể trong khuôn khổ chương trình?
- Điểm nhấn của chương trình lần này là việc trao tặng 13 “Mái ấm Tư pháp” cho cán bộ tư pháp có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành ĐBSCL từ nguồn vận động xã hội hóa do Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential tài trợ. Có thể nói việc xây dựng “Mái ấm Tư pháp” là chủ trương đúng đắn, phù hợp trong điều kiện đời sống của một số cán bộ công chức tư pháp cấp xã còn gặp khó khăn về chỗ ở. Việc làm này cũng mang ý nghĩa nhân văn của ngành Tư pháp, tạo điều kiện giúp cán bộ tư pháp có nơi ở ổn định để an tâm công tác, phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Trong chương trình còn diễn ra hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp luật miễn phí cho người dân nông thôn do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Cần Thơ thực hiện. Tại đây, người dân sẽ được cán bộ trung tâm tư vấn, giải đáp cặn kẽ các khúc mắc liên quan đến luật dân sự và hôn nhân gia đình, chính sách thuế nông nghiệp, đền bù giải tỏa và các vấn đề dân sinh có liên quan. Gắn liền với hoạt động trợ giúp pháp lý là hoạt động khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân nghèo nông thôn do đoàn y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản quốc tế Phương Châu tại Cần Thơ phối hợp cùng Công ty Dược phẩm Roussel Việt Nam thực hiện.
Chương trình cũng sẽ tổ chức đoàn đến thăm hỏi các vị lão thành cách mạng, những đồng chí có nhiều đóng góp trong ngành Tư pháp thời gian qua nhằm thể hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 68 năm thành lập ngành Tư pháp; trao tặng hàng ngàn tập, sách, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn TP.Cần Thơ nhằm chung tay chia sẻ một phần gánh lo cho các bậc phụ huynh trước thềm năm học mới, đồng thời tiếp thêm động lực giúp các em phấn đấu vượt khó học tốt.
Trước đó, trong khuôn khổ chương trình “Tư pháp hướng về cơ sở”, Sở Tư pháp TP cũng đã tổ chức thành công hội thi văn nghệ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cấp TP, thu hút 9 đơn vị công tác trong ngành tư pháp tại các quận, huyện tham gia. Việc tổ chức hội thi lần này ngoài việc đánh giá công tác phối hợp hoạt động của hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các quận, huyện mà còn là dịp để công chức ngành tư pháp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở có điều kiện giao lưu học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để đáp ứng ngày một tốt hơn nhiệm vụ được giao. Điều đọng lại sau hội thi này không chỉ ở những giải thưởng, mà qua hội thi phát hiện những nhân tố tích cực, những sáng kiến mới, tác phẩm hay để phát huy, nhân rộng trong thời gian tới. Các tiết mục xuất sắc tại hội thi sẽ được chọn công diễn tại chương trình tổng kết hoạt động “Tư pháp hướng về cơ sở” ngày 28/8.
Ngoài các hoạt động của chương trình, ông có thể cho biết những hoạt động nổi bật mà ngành Tư pháp Cần Thơ tập trung hướng về cơ sở trong năm 2013?
- Ngoài việc thực hiện các chủ đề trên, ngay từ đầu năm Sở Tư pháp Cần Thơ đã chọn xã Thới Đông - một xã nông thôn mới ở Cần Thơ - làm điểm chỉ đạo các mặt công tác hoạt động tư pháp để làm điểm nhân rộng ra các xã, phường, thị trấn khác trong thời gian tới, như: tập huấn hòa giải cơ sở nhằm nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp trong dân; xây dựng mô hình “cà phê pháp luật” vừa là nơi thư giãn vừa để làm điểm “giải khát” pháp lý cho người dân nông thôn; trang bị thêm các tủ sách pháp luật… Ngoài ra, sở cũng tập trung chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ngành tư pháp, đảm bảo kiện toàn theo đề án được UBND TP phê duyệt.
- Xin cảm ơn ông.
- Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty CP Bibica: “Tư pháp hướng về cơ sở” là chương trình xã hội thiết thực, trực tiếp đưa pháp lý và những hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các thông tin pháp lý bổ ích, đồng thời chung tay chia sẻ những khó khăn cùng cộng đồng. Đồng hành cùng chương trình này, Bibica mong muốn góp một phần nhỏ vào việc chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất của người dân, theo định hướng hoạt động xã hội của Bibica là: “lâu dài, sâu sát và thực sự bổ ích”. - Bà Nguyễn Thị Ngọc Hồ, giám đốc Bệnh viện Phụ sản quốc tế Phương Châu: “Ngay từ khi xây dựng, Bệnh viên Phụ sản quốc tế Phương Châu đã mang hoài bão và sứ mệnh là chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng. Với những phụ nữ và trẻ em nông thôn có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện được khám bệnh và tư vấn chăm sóc sức khỏe thì hoạt động khám, tư vấn từ thiện mà Bệnh viện Phương Châu phối hợp cùng Báo Pháp Luật Việt Nam và Sở Tư pháp Cần Thơ tổ chức lần này lại càng có ý nghĩa hơn. Chúng tôi mong muốn được chung tay, góp sức cùng với cộng đồng chăm lo cho sức khỏe người dân ngày một tốt hơn. Đó cũng là nghĩa vụ cao cả mà bất kỳ người thầy thuốc nào cũng mong muốn được thực hiện vì cộng đồng”. - Bà Dương Thị Yến Nhi, Trưởng phòng makerting Công ty Dược phẩm Roussel Việt Nam: “Hiện nay doanh nghiệp ngoài mục đích kinh doanh còn thể hiện trách nhiệm với xã hội. Roussel cũng không ngoại lệ. Đó là bổn phận và là trách nhiệm mà công ty đặt ra cho toàn thể cán bộ nhân viên. Năm nay Roussel Việt Nam rất vui khi đồng hành cùng Báo Pháp Luật Việt Nam tham gia hoạt động khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân nghèo nông thôn tại xã Trường Long. Được phối hợp với Báo Pháp Luật Việt Nam cũng là cơ hội để công ty đến gần hơn với bà con vùng sâu vùng xa nhằm kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn cùng người dân”. |
Thanh Xuân (thực hiện)