Từ lâu, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp đã ý thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác cải cách TTHC đối với các tổ chức, cá nhân, công ty, doanh nghiệp. Để các địa phương tiếp tục phát triển ổn định, thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong, ngoài nước thì vấn đề cải cách TTHC là vấn đề cấp bách. Nó góp phần quyết định sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, Tư pháp Cà Mau đã “tiên phong” chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt những nội dung của kế hoạch về công tác cải cách TTHC. Trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách TTHC và việc thực hiện cơ chế một cửa, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đồng thời, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính.
Đặc biệt trong năm 2017, Sở đã chủ động rút ngắn thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt cắt giảm 12 TTHC liên thông và ban hành quyết định cắt giảm 66 TTHC theo thẩm quyền của Sở.
Ngoài ra, trình Chủ tịch UBND tỉnh cắt giảm 100% các TTHC sửa đổi, bổ sung, ban hành mới với thời giam cắt giảm từ 20-40%, trừ các thủ tục giải quyết trong ngày và 1 ngày làm việc. Theo báo cáo, tại Bộ phận một cửa liên thông, đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2.000 hồ sơ của bà con và doanh nghiệp.
Để thực hiện tốt công tác cải cách TTHC, Sở đã tập trung thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện giao dịch hành chính. Theo đó, tập trung xây dựng và vận hành các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực Lý lịch tư pháp, Hộ tịch, Bổ trợ tư pháp.
Đồng thời, đưa vào vận hành các phần mềm chuyên ngành. Từ đó, góp phần tối ưu hóa các giai đoạn giải quyết hồ sơ, rút ngắn thời gian và chi phí đi lại của người dân. Bên cạnh đó, Sở đã xây dựng, ban hành Kế hoạch về tổ chức lấy ý kiến mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm, có tỷ lệ được đánh giá khá cao. Chuyên viên Sở nhận được 859 đánh giá. Trong đó, tỷ lệ hài lòng chiếm trên 98,8% (847 đánh giá).
Ngoài ra, Sở đã ban hành các văn bản đề nghị các tổ chức, cá nhân có những khó khăn, vướng mắc gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, Sở Tư pháp nhận được tổng cộng 12 đơn vị, cá nhân có ý kiến phản hồi về khó khăn, vướng mắc.
Không chỉ thế, Sở còn chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan để thực hiện tốt công tác giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định hiện hành.
Nhờ sự cố gắng, quyết tâm và không ngừng nỗ lực, Sở Tư pháp được ghi nhận là một trong ba đơn vị dẫn đầu trong công tác CCHC trong các sở, ngành tỉnh. Điều này đã trở thành động lực để toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Sở Tư pháp tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt hơn trong công tác CCHC cũng như Chương trình trọng tâm công tác tư pháp, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh và của Bộ Tư pháp trong năm 2018.
Nếu so với thời điểm trước đây khoảng 5 – 10 năm thì vấn đề cải cách hành chính của tỉnh Cà Mau đã có sự “đột phá” đáng kể. Nhiều thủ tục được gom gọn. Nhìn chung, người dân và doanh nghiệp đều rất hài lòng.
Định hướng, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, nhất là sử dụng các phần mềm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ để người dân ngày càng giảm thiểu vấn đề chờ đợi, phiền hà, tốn thời gian, chi phí.