Chia sẻ khó khăn, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của ngành Thanh tra trong 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thanh tra Chính phủ vẫn linh hoạt trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, tiến hành hoạt động thanh tra theo phương thức mới, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Các kết quả trong đó có công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, chỉnh đốn đảng, ổn định tình hình chính trị, an ninh an toàn xã hội, nhất là dịp lễ, Tết, đại hội Đảng các cấp, giữ vững ổn định xã hội” - Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến một số hạn chế, tồn tại trong hoạt động Thanh tra như nhiều cuộc chậm, một số cuộc còn kéo dài thời gian kết luận thanh tra, một số kết luận thanh tra chất lượng chưa cao, một số kiến nghị chưa có tính thực tế…
Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, "xây dựng kế hoạch thanh tra cần xây dựng nội dung thanh tra có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải, manh mún, không để chồng chéo với kiểm toán, không được gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Nội dung thanh tra cần tập trung vào lĩnh vực quản lý đất đai, mua sắm tài sản công, khai thác tài nguyên khoáng sản... Từ nay đến cuối năm không mở rộng các cuộc thanh tra ngoài kế hoạch".
Lưu ý ngành Thanh tra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều việc khó lường, nhất là về tranh chấp đất đai. Tỷ lệ giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền giảm 1,6% so với 2019, còn những vụ việc chưa được giải quyết được dứt điểm, kéo dài, cần rà soát để tập trung giải quyết.
Phó Thủ tướng yêu cầu, thanh tra các địa phương phải tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo, khi cần thì xin ý kiến Thanh tra Chính phủ, đảm bảo ổn định tình hình, nhất là trong giai đoạn đang Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc.
Dẫn ví dụ về tình hình giải phóng mặt bằng cho các dự án, Phó Thủ tướng cho rằng, không phải cứ di dời, bồi thường là được, mà còn nhiều vấn đề về tình cảm, đời sống nên dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo. Do đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo “cần lưu ý, giải quyết “có tình, có lý”, làm cho “dân thông, dân hiểu” mới giải quyết thỏa đáng được vụ việc.
Đồng thời, ngành Thanh tra cần khắc phục những hạn chế trong công tác tiếp công dân, không để nguy cơ hình thành những “điểm nóng”, gây mất ổn định về an ninh trật tự.
6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Thanh tra, tiếp tục triển khai các qui định của pháp luật phòng chống tham nhũng, các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, dự báo tình hình để phòng chống tham nhũng hiệu quả.
Đặc biệt phải đảm bảo ngành Thanh tra thực sự trong sạch, vững mạnh, không để bị tố cáo vòi vĩnh, hối lộ như vụ việc của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đang bị xử lý, ảnh hưởng đến uy tín của ngành “là tai mắt của trên, là bạn của dưới”, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra “vừa hồng vừa chuyên”.