Từ một ngân hàng đối ngoại đến... một ngân hàng hoạt động đa năng

Vietcombank đã đặt một mốc son trong lịch sử phát triển vào năm 2018
Vietcombank đã đặt một mốc son trong lịch sử phát triển vào năm 2018
(PLVN) - Từ một ngân hàng được thành lập để thực hiện những nhiệm vụ độc quyền đến một ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có lợi nhuận tăng trưởng tới 63,6% là cả một quá trình với 56 năm hoạt động không ngừng nghỉ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Ngân hàng đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam

Những năm 60 của thế kỷ trước, Việt Nam đã có quan hệ với 141 ngân hàng (NH)  ở 34 quốc gia. Trong quan hệ đó, nếu nhập cả 2 chức năng quản lý và kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh ngoại tệ vào một đầu mối thì không còn thuận tiện cho việc giải quyết những quan hệ đã ngày càng đa dạng và phức tạp.

Chính vì vậy, ngày 30/10/1962, Hội đồng Chính phủ đã có Nghị định 115/CP thành lập Ngân hàng Ngoại thương nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gọi tắt là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để “Tăng cường quản lý tiền tệ và tín dụng, mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa với nước ngoài”.

Những ngày mới thành lập và trong giai đoạn chống Mỹ ác liệt, Vietcombank là NH đối ngoại duy nhất của Việt Nam, thực hiện thanh toán quốc tế, thanh toán vay nợ và viện trợ nhà nước, quản lý và điều hành ngoại hối…

Vietcombank cũng là nơi để trung chuyển, xử lý và chi viện nguồn ngoại tệ cho chiến trường miền Nam dùng mua vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men; mua những “con đường” an toàn và bí mật để vận chuyển nhu yếu phẩm và vũ khí đến các chiến trường…

Tất cả những việc làm đó của Vietcombank, của quân và dân 2 miền đều hướng tới mục tiêu chung và cao cả nhất khi đó là giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối.

Hiệp định Paris được ký kết, Vietcombank đóng thêm vai trò mới là NH đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Sau ngày giải phóng, các quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa giữa nước ta với các nước lần lượt được mở rộng. Các hoạt động ngoại hối, tín dụng và thanh toán quốc tế của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng, đưa vai trò của Vietcombank lên một tầm cao mới.

Lúc này, Vietcombank là NH duy nhất nắm giữ độc quyền trên cả 3 phương diện: độc quyền ngoại tệ; độc quyền cung ứng tín dụng xuất nhập khẩu, độc quyền giao dịch thanh toán quốc tế. Các chức năng, nhiệm vụ này theo Vietcombank trong suốt giai đoạn 1975-1988.

Thời kỳ đầu hòa bình, Vietcombank là đầu mối chính tham gia tiếp quản các NH của chính quyền Sài Gòn, thu giữ được nhiều của cải, ngoại tệ, tiền vàng cho đất nước, tránh sự tẩu tán thất thoát, thực hiện thanh toán chi trả cho nhân dân tránh gây xáo trộn tâm lý, tư tưởng. Đây được đánh giá là một thành công lớn của Vietcombank nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung.

Thời điểm này, Vietcombank cũng đóng góp công lớn cho đất nước khi thực hiện những bước đi khôn khéo, táo bạo nhưng cũng đầy thông minh, quyết đoán, thoát khỏi sự chi phối của hàng rào cấm vận của Mỹ …

Mốc son mới trong lịch sử phát triển

Đường lối đổi mới từ sau Đại hội Đảng VI đã thổi một luồng gió mới vào nền kinh tế Việt Nam, trong đó có hoạt động ngân hàng. Năm 1990, Vietcombank chính thức chuyển từ NH chuyên doanh trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại thành ngân hàng thương mại hoạt động đa năng.

Vietcombank đã trở thành một ngân hàng thương mại hoạt động đa năng
Vietcombank đã trở thành một ngân hàng thương mại hoạt động đa năng

Từ đây, Vietcombank đã tạo ra những ảnh hưởng đáng kể đối với cộng đồng tài chính khu vực và toàn cầu. Những nỗ lực, thành tựu của Viecombank luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng tài chính trong nước ghi nhận và đánh giá cao.

Năm 2007, Vietcombank trở thành NH đầu tiên được Chính phủ lựa chọn để thực hiện thí điểm cổ phần hóa với việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Đây là sự kiện IPO lớn nhất và đã mang lại cho ngân sách Nhà nước nguồn thu từ thặng dư IPO lên tới gần 10 nghìn tỷ đồng, một con số kỷ lục tại thời điểm đó.

Chính thức chuyển sang hoạt động theo cơ chế ngân hàng TMCP từ giữa năm 2008 đúng vào lúc xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu với những tác động bất lợi đối với kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh ấy Vietcombank đã linh hoạt, chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời, nhờ đó an toàn và hiệu quả hoạt động được đảm bảo và từng bước phát triển bền vững.

Đặc biệt, giai đoạn 2013 - 2018 ghi nhận dấu ấn chuyển mình, bứt phá ngoạn mục của Vietcombank. Mở đầu với việc công bố hệ thống nhận diện thương hiệu mới vào năm 2013 và giai đoạn 5 năm 2013-2017 là quãng thời gian chứng kiến người Vietcombank làm việc nhiều hơn, vất vả hơn, quyết liệt và bài bản hơn để hiện thực hoá vị trí số 1 trong hệ thống ngân hàng.

Giai đoạn này, quy mô tổng tài sản, huy động vốn và tín dụng của Vietcombank đã có sự tăng trưởng bứt phá, quy mô tổng tài sản tăng 2,5 lần, huy động vốn tăng 2,9 lần, sử dụng vốn tăng 2,3 lần. Đặc biệt, tổng tài sản tăng trưởng mạnh mẽ và đã vượt qua mốc 1 triệu tỷ đồng, về đích trước 2 năm so với đề án phát triển. Vietcombank cũng là NH đầu tiên có lợi nhuận vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng.

Riêng năm 2018 vừa qua, năm tạo nên những mốc son mới trong lịch sử phát triển. Tổng tài sản của Vietcombank tiếp tục tăng trưởng và duy trì ở mức trên 1 triệu tỷ đồng, chất lượng tài sản tốt nhất hệ thống với tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, chỉ còn 0,97%, thấp nhất trong các tổ chức tín dụng (TCTD) quy mô lớn. Đây là ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam đưa tỷ lệ nợ xấu thực chất xuống dưới 1%, phân loại theo chuẩn mực quốc tế.

Vietcombank tiếp tục giữ vững vị thế là NH có quy mô về lợi nhuận lớn nhất với tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 18.400 tỷ đồng, tăng trưởng 63,5% so với năm 2017.

Trong năm 2018, Vietcombank cũng được NHNN công nhận là TCTD đầu tiên của Việt Nam đáp ứng chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel 2 sớm hơn 1 năm so với quy định; Vietcombank cũng đã tăng vốn điều lệ thành công thông qua việc bán cổ phần cho 2 đối tác hàng đầu là GIC và Mizuho, đưa Vietcombank là TCTD có quy mô vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống ngân hàng.

Đọc thêm

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Hoàn thuế GTGT: Nhận diện khó khăn, thách thức

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó trong hoàn thuế GTGT vì phải truy xuất đến F0, F1...
(PLVN) - Mặc dù từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế (CQT) đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hơn 15 nghìn hồ sơ với tổng số tiền hơn 115 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với số hoàn cùng kỳ năm 2023, song công tác hoàn thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức…