Theo báo cáo năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ngành công nghiệp dệt may và thời trang là lĩnh vực gây ô nhiễm nặng thứ ba trên toàn cầu sau ngành thực phẩm và ngành xây dựng, chiếm tới 5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Thời trang nhanh bị chỉ trích vì gây hại cho môi trường. |
Hiện đang là một nghiên cứu sinh trong chương trình tiến sĩ về khoa học thần kinh, Baecker (29 tuổi) chia sẻ với AFP rằng cô bắt đầu tự may vá quần áo của mình vào năm 2018, từ những chiếc túi nhỏ cho đến những bộ quần áo.
Cô nói: "Động lực chính của tôi là không phải mua quần áo may sẵn nữa vì tôi không muốn ủng hộ thời trang nhanh", bởi lẽ quần áo may sẵn được bán với giá rẻ thường bị vứt bỏ sau khi người dùng chán hoặc chúng bị cũ hỏng.
Sau bốn năm, Baecker ước tính khoảng 80% quần áo trong tủ của mình đều là tự làm, từ đồ ngủ đến chiếc áo khoác lông cừu, cũng như quần jean được làm từ vải denim tái chế từ đồ cũ của người thân, quen. Chính vì thế, hầu như cô không phải mua thêm quần áo mới.
Từ chối mặt trái của thời trang nhanh
Trong nhiều năm nay, thời trang nhanh thường xuyên bị chỉ trích vì thải ra một lượng chất thải lớn, gây ô nhiễm môi trường, cũng như việc không đảm bảo đầy đủ quyền lợi đối với công nhân của họ.
Tara Viggo, một người đã có 15 năm làm việc trong ngành công nghiệp này với vai trò là một nhà thiết kế hoạ tiết, chia sẻ với AFP: "Tôi nhận ra quy mô của ngành công nghiệp thời trang đang phát triển với một tốc độ kinh hoàng". Như vậy, không thể lường hết được tác động của ngành công nghiệp này với môi trường "kinh khủng" như thế nào.
Vào năm 2017, Viggo quyết định bắt đầu tạo ra các mẫu hoạ tiết của riêng mình, khởi điểm là các bản vẽ thiết kế trên giấy trước khi đem ra xưởng để sản xuất. Cô bắt đầu bán ra thị trường với tần suất một bộ set hoạ tiết mỗi năm, thay vì bốn bộ set hoạ tiết mỗi ngày như yêu cầu của ngành thời trang nhanh.
Viggo thừa nhận những người hoạt động độc lập như cô vẫn còn quá ít ỏi để được coi là "đối thủ cạnh tranh" đối với các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, "nó giống như một yếu tố kích hoạt", cố gắng của Viggo cũng chỉ nằm trong một bức tranh lớn hơn của một cộng đồng người trẻ Anh đang dần hướng về việc tự tạo ra trang phục cho chính mình để không bị phụ thuộc vào việc phải mua quần áo mới.
"Một khi bạn biết cách tự may quần áo, bạn không thể hiểu rằng một chiếc áo sơ mi phải có giá 3 bảng Anh nữa", cô nói.
Trào lưu tự may vá của người trẻ
Theo Rachel Walker, một cộng sự của của Viggo, bộ jumpsuit "Zadie" của Viggo hiện đang bán chạy nhất trên "The Fold Line" - một nền tảng trực tuyến bán các mẫu may được sản xuất độc lập. Kể từ khi ra mắt vào năm 2015, trang web đã thu hút được từ khoảng 20 nhà thiết kế lên hơn 150 nhà thiết kế hiện nay, bao gồm cả chuyên và không chuyên.
Rosie Scott và Hannah Silvani điều hành một xưởng may ở Luân Đôn chia sẻ rằng, họ đang chứng kiện sự lên ngôi trở lại của nghề may mặc, mà xuất phát chủ yếu từ những người trẻ tuổi. Trước đây họ thường cung cấp vật liệu cho các thương hiệu thời trang nhưng hiện nay tập khách hàng của họ có sự thay đổi.
Scott nói: "Các khách hàng đã thay đổi. Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi tỏ ra thích may vá. Những người trẻ tuổi thực sự quan tâm đến việc tự may quần áo và may chúng theo cách bền vững. Trong đó, phụ nữ chiếm hơn 90% khách hàng của chúng tôi".
Người trẻ tuổi Anh đang có xu hướng mua vật liệu và tự may trang phục cho chính mình. Ảnh: AFP. |
Khách hàng có thể chọn từ khoảng 700 loại vải thiết kế riêng, với đủ loại chất liệu vải bông, ren, cotton… Scott cũng lưu ý thêm, các đơn đặt hàng đã tăng vọt trong thời gian đại dịch và vẫn đang tiếp tục tăng mạnh dù Anh chuẩn bị dỡ bỏ các lệnh hạn chế.
"Chiếc chìa khóa" Instagram
Sự phát triển bùng nổ của trào lưu này không thể thiếu sức lan toả của mạng xã hội Instagram - nơi cộng đồng may vá đã biến một "thú tiêu khiển" từng được coi là không hợp thời trang trở nên hợp thời đại hơn nhiều.
Baecker cho biết, nền tảng chia sẻ hình ảnh "thực sự quan trọng", cho phép những người thợ may đăng hình ảnh về thiết kế của họ và tương tác với nhau. Đây cũng là điều đã thôi thúc cô tham gia mạng xã hội, để chia sẻ những tác phẩm mới nhất của mình.
"Mỗi mẫu được gắn thẻ hashtag cụ thể mà bạn có thể tra cứu. Sau đó bạn có thể thấy nhiều người khác nhau mặc cùng một mẫu. Bạn có thể tưởng tượng nó trông như thế nào cho chính mình," cô giải thích.
Ví dụ, #Zadiejumpsuit của Viggo đã được gắn thẻ trong gần 11.000 bài đăng; #handmadewardrobe (tạm dịch: tủ quần áo tự may) xuất hiện trong hơn 900.000 bài đăng... Theo đó, những từ khoá về những trang phục tự làm ngày càng tăng lên trên Instagram, cho thấy ngày càng nhiều người trẻ, không chỉ ở Anh, mà còn trên toàn thế giới quan tâm nhiều hơn đến xu hướng này - một xu hướng thời trang tiết kiệm và bền vững hơn.