Nghị định 141/2020/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn chung trong tuyển sinh theo chế độ cử tuyển gồm: Thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này; Đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển; Không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.
Ngoài tiêu chuẩn chung, người học được cử tuyển vào bậc đại học, cao đẳng, trung cấp còn phải phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau: Tốt nghiệp trung học phổ thông (với đại học, cao đẳng), trung học cơ sở (với trung cấp); Xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học trung học phổ thông đạt loại tốt (với đại học), khá (với cao đẳng, trung cấp); Xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại khá trở lên (đại học, cao đẳng), trung bình (trung cấp); Có thời gian học đủ 3 năm học và tốt nghiệp trung học phổ thông (đại học, cao đẳng), 4 năm học và tốt nghiệp trung học cơ sở (trung cấp) tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.
Ưu tiên trong tuyển sinh cử tuyển gồm các trường hợp như: Người học đạt đủ các tiêu chuẩn tuyển sinh cử tuyển quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì được ưu tiên trong cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp theo thứ tự: Con liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có giấy chứng nhận người được hưởng chính sách như thương binh; Học tại trường phổ thông dân tộc nội trú; Trúng tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp tại năm xét đi học cử tuyển; Đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên; Trường hợp người học thuộc đối tượng được hưởng nhiều ưu tiên đồng thời thì chỉ được hưởng một ưu tiên cao nhất trong tuyển sinh cử tuyển.
Về kinh phí đào tạo, Nghị định 141/2020/NĐ-CP quy định: Kinh phí đào tạo người học theo chế độ cử tuyển được cân đối trong dự toán chi ngân sách nhà nước của lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp hằng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.
Liên quan đến quy định xét tuyển và bố trí việc làm đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp, Nghị định sắp có hiệu lực quy định: Hằng năm, các cơ sở giáo dục gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển đã tốt nghiệp cho UBND cấp tỉnh;
UBND cấp tỉnh căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, số lượng người làm việc và số biên chế công chức được giao đối với vị trí việc làm là cán bộ, công chức; căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, số lượng người làm việc được giao, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập đối với vị trí việc làm là viên chức và căn cứ vào hồ sơ người học theo chế độ cử tuyển đã tốt nghiệp để xây dựng kế hoạch xét tuyển vào công chức, viên chức đối với người học theo chế độ cử tuyển.
UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tổ chức xét tuyển và bố trí việc làm đối với người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức hoặc gửi hồ sơ tới các đơn vị, tổ chức khác có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm; Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ xét tuyển và bố trí việc làm tối đa là 12 tháng, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ để xét tuyển.
Nghị định này thay thế Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ và Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đã được áp dụng trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP và Nghị định số 49/2015/NĐ-CP.