Xung quanh vụ án này, có rất nhiều vấn đề liên quan đặt ra, Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với TS.Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp):
Sẽ được coi là giao dịch dân sự vô hiệu
* Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Trương Hồ Phương Nga có lời khai về bản hợp đồng tính ái 7 năm giá 16,5 tỷ giữa cô và ông Mỹ. Nếu có hợp đồng tình ái, theo quan điểm cá nhân của ông, vụ án đi hướng nào?
- Nhiều ý kiến nhận định, nếu có hợp đồng tình ái, Phương Nga sẽ thoát án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra (CQĐT) sẽ phải đình chỉ điều tra đối với họ vì hành vi không cấu thành tội phạm.
Sau đó, nếu họ có yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan thì VKSND TP.HCM có trách nhiệm giải quyết theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, nếu lời khai của cựu hoa hậu có thật cũng không thể xem là hợp đồng được vì nó không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 388 Bộ luật Dân sự.
Còn tôi cho rằng, việc có hợp đồng hay không, cơ quan điều tra sẽ làm rõ, nhưng nếu có tồn tại một hợp đồng như vậy, có chữ ký của cả hai bên thì có thể coi đây là giao dịch dân sự, mà giao dịch dân sự thì không phải là lừa đảo. Tuy nhiên về tính hợp pháp của hợp đồng này, nếu có, thì cần phải đánh giá xem xét.
Hoa hậu Phương Nga lúc còn rạng rỡ dưới ánh đèn sân khấu |
“Hợp đồng tình ái” (nếu có trong trường hợp này) sẽ được coi là giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 127, 128 Bộ luật Dân sự 2005. Bởi vì, mục đích và nội dung của giao dịch trái đạo đức xã hội. Nó còn cho thấy có dấu hiệu của hành vi mua - bán dâm theo định nghĩa tại Điều 3 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm 2003.
Hợp đồng tình cảm này cũng hoàn toàn khác với “Hợp đồng hôn nhân” theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Luật Hôn nhân và Gia đình cho phép vợ chồng có thể thỏa thuận về tài sản riêng, tài sản chung trước khi kết hôn; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan…, chứ không phải là dạng thỏa thuận về tình cảm như giữa Phương Nga và ông Mỹ.
* Nếu khai man, Phương Nga có bị buộc thêm tội không, thưa ông?
- Trường hợp hợp đồng chỉ là lời khai một phía, Phương Nga cũng không bị ảnh hưởng về mặt pháp lý. Bởi hiện không có quy định nào cấm bị cáo trình bày những điều bản thân cho là sự thật, những sự việc mình cảm nhận..., thậm chí là tưởng tượng để bào chữa tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó Nga không thể bị vu khống hay kết thêm tội khác trong trường hợp này.
Ngoài ra, theo điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự về giới hạn của việc xét xử, tòa án chỉ có thể xem xét tội danh mà VKS truy tố. Do đó nếu CQĐT chứng minh là cựu hoa hậu khai báo sai sự thật và ông Mỹ đề nghị xem xét hành vi khai gian dối hay vu khống của Phương Nga thì rất khó có khả năng được tòa chấp nhận.
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, trách nhiệm chứng minh tội phạm là của các cơ quan tố tụng. Bị can, bị cáo không có nghĩa vụ này mà họ có hàng loạt quyền để bảo vệ mình như quyền im lặng, quyền bào chữa và nhờ người bào chữa, quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu, quyền cung cấp thông tin cho cơ quan tố tụng, quyền trình bày ý kiến...
Việc bị can, bị cáo không nhận tội là bình thường. Vì vậy, Bộ luật Hình sự có quy định về tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật nhưng chủ thể của tội này không phải là bị can, bị cáo mà là người giám định, người phiên dịch, người làm chứng.
Nếu cơ quan tố tụng có làm rõ hai bị cáo khai báo gian dối về “hợp đồng tình ái” thì hai bị cáo cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Quyền im lặng -thể hiện quyền được tự bảo vệ mình
* Tại tòa, Nga khẳng định mình không hề khai nhận bất kỳ điều gì với cơ quan điều tra và sử dụng “quyền im lặng” của mình. Ông cũng vừa đề cập đến “quyền im lặng”, vậy mong ông cung cấp thêm thông tin cho độc giả về quyền này theo quy định của pháp luật hiện hành?
- Quyền im lặng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, đã được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015, nhưng đến nay Bộ luật này đang tạm hoãn thi hành.
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 đang có hiệu lực thi hành, không quy định về việc bị can, bị cáo, người bị bắt, bị tạm giữ có quyền từ chối đưa ra lời khai mà chỉ quy định về việc họ có quyền được trình bày lời khai và tự bào chữa cho chính mình. Tuy nhiên, nếu bị can vẫn giữ quyền im lặng thì CQĐT cũng không cưỡng chế khai báo được.
Điểm d khoản 1 Điều 58 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt; điểm c khoản 2 điều 59 về người bị tạm giữ; điểm d khoản 2 điều 60 về bị can; điểm h khoản 2 điều 61 về bị cáo của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đều có quy định những người nêu trên có quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Quyền im lặng là sự thể hiện quyền được tự bảo vệ mình của người bị bắt, bị can, bị cáo, tránh các hành vi mớm cung, bức cung, nhục hình từ cơ quan điều tra, góp phần tránh được những sai sót hay không rõ ràng của lời khai ban đầu khi tâm lý còn chưa ổn định. Việc áp dụng quyền im lặng được quy định đối với bị can, bị cáo, người bị bắt, bị tạm giữ.
Vì vậy đối với những người có liên quan nếu không rơi vào các trường hợp bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì không áp dụng quy định này. Nhưng nếu họ biết những thông tin liên quan đến vụ án mà từ chối khai báo thì có thể sẽ rơi vào trường hợp che giấu tội phạm theo quy định của các Điều 313, 314 Bộ luật Hình sự 1999 và khoản 2 Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015.
* Trong vụ án này, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bức ảnh chụp lại email, có nội dung thỏa thuận tình - tiền được cho liên quan giữa Nga và ông Mỹ. Nội dung này trùng khớp với lời khai của bị cáo Phương Nga tại phiên tòa. Tuy nhiên, ông Mỹ phủ nhận các thông tin trên mạng cho rằng đó là của mình. Theo quy định của pháp luật, có thể kiến nghị làm rõ tính xác thực của email để chúng trở thành chứng cứ trong vụ án không, thưa ông?
- Dù ông Mỹ nói email không phải của mình nhưng nếu Phương Nga chứng minh được ông Mỹ có dùng email đó để trao đổi thêm với ai khác, thì cơ quan tố tụng sẽ triệu tập những người liên quan để làm rõ.
Theo Luật Giao dịch điện tử, đây là một nguồn chứng cứ hợp pháp trong các vụ án nếu chứng minh được là nó có thật. Ngoài xác minh qua các nhân chứng, cơ quan tố tụng cũng có thể xác minh thông qua những nguồn khác như nhà cung cấp dịch vụ email, nhà mạng...
* Xin cảm ơn ông!