Qua đèo Rù Rì, đi chậm rù rì vẫn gặp nạn
Đèo Rù Rì thuộc phường Vĩnh Hải (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Theo người dân địa phương, tên đèo gắn với tên loài chim sinh sống quanh những ngọn đồi gần khu vực. Khi chiều tối, loài chim này cất tiếng kêu nghe rất thảm thiết, sau đó là những tiếng rù dài trong cổ họng, nên có tên gọi chim rù rì.
Ngoài ra, còn tồn tại luồng ý kiến khác về xuất xứ của tên đèo, cho rằng ngọn đèo cao lại ngoằn ngoèo, xe cộ đi qua đều rất chậm, nên dân trong vùng gọi là đèo Rù Rì.
Di chuyển chậm vậy, nhưng tai nạn vẫn cứ xảy ra. Người dân vùng đèo đã chứng kiến nhiều cái chết thương tâm, họ gọi đoạn đèo tang tóc này là cung đường “ma ám”. Ông Lê Văn Long (81 tuổi) hồi tưởng: “Tôi sống hơn 40 năm ở nơi này, đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn trên vùng đèo. Mỗi năm ít nhất cũng 2 - 3 vụ lật xe lao xuống chân đèo, va quệt đụng xe thì diễn ra liên tiếp”.
Ông lão vẫn bị ám ảnh về những cái chết nơi vùng đèo. Như thời điểm năm 1985, chưa tròn một tháng có đến ba người chết. Đầu tiên là một người đàn ông chột mắt sống ở dưới chân đèo, đang lên hóng mát bị xe tải dưới dốc đèo lao lên, đến khúc cua mất lái, xe trườn thẳng lên người.
Tiếp theo là cặp vợ chồng ở Lương Sơn chở rau về thành phố bán. Đi đến đoạn đèo thì giỏ dựng rau va vào một chiếc xe tải. Người chồng mất lái bị cuốn phăng vào gầm xe. Sau đó lại một đôi nam nữ chở nhau lên đèo, đến khúc quẹo đâm vào lan can ven đường bị hất tung xuống chân đèo tử nạn. Khủng khiếp nhất là năm 1983, số tai nạn quá nhiều, riêng hai vụ vào giữa năm và ngày cận Tết đã cướp đi gần 20 sinh mạng...
Người dân địa phương còn lập nên một ngôi miếu thờ vong hồn những người tử nạn và che chở cho người qua đường. Sau khi xây dựng con đường tránh thay thế, tỉnh Khánh Hòa đã bịt con đường đi qua đỉnh đèo, ô tô không thể lưu thông.
Tiếng chim kêu ai oán kết hợp với lịch sử các vụ tai nạn khiến người qua đường đều cảm giác rợn tóc gáy. Chưa kể đánh mắt nhìn sang bên đường lại thấy bãi tha ma và những nấm mộ im lìm. Mặc dù đã đi đường tránh nhưng đoạn đèo “ma ám” với những cái chết lặp đi lặp lại đã trở thành đề tài bàn tán của nhiều người mê tín. Họ truyền tai nhau câu chuyện về lời nguyền cay nghiệt của người Chăm cổ được viết lên hai tấm da thuộc “trấn yểm” chân đèo.
Lời nguyền trong tấm da lừa chôn dưới chân đèo?
Dân trong vùng vẫn còn truyền tai câu chuyện những năm thời thuộc địa, người Pháp mở đường từ miền Nam ra miền Trung. Gian nan nhất là quá trình thi công đoạn đèo Rù Rì, công nhân đào đất đã phát hiện 14 chiếc lọ sành được chôn dưới lòng đất.
Chiếc lọ lớn nhất hình giống như chiếc trống cơm, miệng bịt kín bằng vải, phần thân được khắc những hình thù quái dị. Số lọ còn lại nhỏ hơn, màu đỏ sẫm, cũng được bịt kín, dùng nhiều cách không mở được. Sự việc được trình lên quản lí xây dựng người Pháp. Viên kỹ sư ra lệnh đập một số lọ nhỏ, sau đó khoan thủng lọ lớn thì phát hiện bên trong có hai tấm da thuộc.
Tấm thứ nhất toàn những nét chữ kì lạ, không ai hiểu được. Tấm thứ hai là những hình hài rất đáng sợ, hình người nam cụt đầu, hình người nữ quái dị. Mặt sau miếng da thứ hai như có dấu triện màu đỏ và bốn con số viết rời nhau.
Mọi người nghi ngờ đó là kiểu chữ viết của người Chăm cổ nên đi kiếm người phiên dịch. Hành trình tìm kiếm người “thông ngôn” không ngờ có nhiều chuyện đáng tiếc. Đoàn năm người đi về hướng Phan Rang khá lâu nhưng vẫn vô vọng, đã có hai người phải bỏ mạng khó hiểu trên đường. Ngẫu nhiên trùng hợp, họ chính là hai người thay nhau cầm tấm da thuộc kỳ lạ.
Quá sợ hãi cũng không có hy vọng gì, những người còn lại định quay về thì gặp một bà lão. Sau khi nghe kể đầu đuôi sự việc, bà lão đưa họ đến gặp một ông cụ người Chăm trong vùng. Cụ ông khẳng định đó là những bộ da ghi chép về gia phả của một bộ tộc trong vùng.
Cụ ông này cho rằng theo “gia phả” đặc biệt này ghi lại, trong một trận chiến, tộc trưởng vùng đất này phải rút lui, nhiều tướng lãnh thân tộc đều phải lên ngọn đầu đài. Trước khi chết, tộc trưởng sai pháp sư viết lời nguyền bí mật trên một tấm da thuộc, nội dung đại ý cầu mong bình an cho bộ tộc. Tấm da còn lại vẽ cảnh người bộ tộc bị hành quyết, phụ nữ bị bắt làm nô lệ.
Sau đó, tộc trưởng cho làm một buổi lễ tế thần linh, bỏ hai tấm da vào trong cái lọ lớn. Tộc trưởng lựa chọn 13 dũng sĩ “đi theo canh giữ lời nguyền”. Tro cốt họ được bỏ trong 13 lọ nhỏ, chôn cùng với lọ lớn ở nơi hẻo lánh phía Bắc của ngọn đèo. Người qua đường đều phải bước qua những vật “trấn yểm”, ai lỡ đào thấy phải chôn lại tức khắc, nếu không hậu quả sẽ khôn lường.
Sau khi nghe ông già người Chăm kể lại sự tích lời nguyền, nhóm người sợ hãi vội vã trở về, càng hoảng hốt khi biết tin vợ viên sĩ quan người Pháp vừa trở bệnh nặng phải rời Việt Nam về nước. Chỉ còn viên sĩ quan ở lại, nghe câu chuyện của đoàn người vừa đi, chỉ biết lắc đầu khó hiểu như nửa tin nửa ngờ.
Mất một hồi trầm ngâm suy nghĩ, viên sĩ quan kết nối cái chết dọc đường của hai người cầm tấm da và căn bệnh của vợ nên quyết định làm theo lời dặn dò của ông già Chăm, cho lính chôn lại chỗ cũ.
Truyền thuyết nêu trên chỉ là sản phẩm của một thời khoa học chưa phát triển, quan niệm còn mông muội. Địa hình đèo Rù Rì quanh co, khúc khuỷu, cây cối rậm rạp quanh năm bao phủ, tầm nhìn hạn chế... là những nguyên nhân khiến tai nạn dễ xảy ra.
Dưới chân đèo lại là bãi tha ma hoang vắng khiến người qua đường thường có cảm giác rợn người ớn lạnh. Chính tâm lí mất bình tĩnh “thần hồn nát thần tính” kèm theo lối lên đèo bị khuất tầm nhìn nên cung đường thường xảy ra tai nạn.