Tại Hà Nội, trước chùa Phúc Khánh, chúng tôi vừa dừng xe, đã có hai thanh niên sà tới: “Mua nhang, đổi tiền lẻ cúng chùa không anh?" Hỏi, sao nghe nói có cấm rồi, thanh niên này trả lời: Nói cấm vậy thôi, chứ ba đồng bạc lẻ đổi đi chùa ai mà bắt bớ gì đâu.
Mà quả thật, nhìn quanh mới thấy, rất nhiều người làm dịch vụ đổi tiền lẻ đang đi lại để “chào khách”. Tiền lẻ được những người bán nước trước cổng chùa bày ra trong tủ kính như bày hàng hóa. Khách có nhu cầu, mệnh giá nào cũng có, từ 500 đồng đến 2000 – 5000 đồng.
Giá đổi trước chùa Phúc Khánh “mềm” hơn một số nơi khác, tỉ lệ 8-10. Người gạ đổi tiền cho chúng tôi nói: Anh đổi ở đây là rẻ nhất rồi, ngoài Đinh Tiên Hoàng họ lấy 6,7 – 10 nữa kia.
Dạo quanh một số ngôi chùa ở Hà Nội và các con đường buôn bán tấp nập trên các phố cổ, mới thấy hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra hết sức rầm rộ. Quý Tr., một chủ hiệu trên phố Đinh Lễ tiết lộ với chúng tôi, năm nay anh này chuẩn bị gần 200 triệu tiền lẻ để đổi, mà hiện nay chỉ người quen dặn trước thôi, đã được mấy chục triệu, tuy nhiên, anh này nhất quyết không nói rõ nguồn tiền ở đâu, chỉ bảo là “gom” từ khá lâu rồi.
Tại TP.HCM, dịch vụ đổi tiền cũng sôi động không kém. Người ta có thể vào một số tiệm vàng để đổi tiền một cách kín đáo, hoặc ra lề đường để đổi ở những người bán thuốc lá một cách công khai.
Điều ngạc nhiên là, dù ngân hàng nhà nước đã có thông báo ngưng phát hành mệnh giá tiền từ 2000 đồng trở xuống, nhưng không hiểu vì sao nhiều dịch vụ đổi tiền vẫn đưa ra những xấp tiền lẻ mới cứng như vừa “ra lò”.
Hỏi, người bán trả lời: Có nguồn hết, không sợ giả đâu! Để đổi được những đồng tiền lẻ này, người đổi cũng phải chịu mức phí tính theo phần trăm cũng không phải là ít, dao động từ 10-12%.
Thế nhưng, phí đổi tiền này chưa là gì so với các dịch vụ đổi tiền qua mạng. Thời điểm cận Tết, các website đổi tiền mọc lên như nấm, và có đa dạng các kiểu tiền để đổi: Tiền lẻ Việt Nam đồng, tiền USD mệnh giá 1, 2 USD; tiền lẻ các nước.
Thậm chí, người đổi được chọn cả serie hợp phong thủy: Số gánh, tứ quý, cộng lại 9 nút… Với tiền Việt Nam, mệnh giá càng nhỏ thì mức phí càng cao. Với tờ 200, 500 đồng, mức phí dao động từ 40- 50% giá tiền. Với tiền mệnh giá lớn hơn, mức phí dao động từ 12- 15%. Với USD, tiền càng cổ, serie càng đẹp thì phí đổi càng cao.
Anh Minh, ngụ quận 3, TP.HCM đã mua 3 tờ mệnh giá 2USD, được phát hành vào những năm 1970 với giá 350 ngàn đồng/ tờ, nghĩa là gấp gần 10 lần so với giá trị thật. Anh cho biết, giá như vậy là “mềm” lắm rồi. Nếu để càng cận Tết, phí đổi càng cao, có thể lên đến trên 400 ngàn đồng/ tờ USD tương tự.
Một số tiền “độc” của các nước châu Phi, Trung Đông cũng được rao bán trên các website, với phí đổi tiền cao ngất ngưởng. Các website này đều có dịch vụ giao tiền tận nơi cho khách hàng trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên, với các tỉnh xa thì số tiền đổi phải lớn tùy theo quy định của trang web, dĩ nhiên là với chi phí vận chuyển không hề nhỏ.
Theo đánh giá, lợi nhuận mà các website này kiếm được từ nhu cầu đổi tiền là lợi nhuận “khủng”. Thế nên, cứ Tết đến là các website “kinh doanh bạc lẻ” lại mọc lên ồ ạt, năm sau nhiều hơn năm trước, ngang nhiên mà vẫn không bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Về tình trạng này, chuyên viên Kiều Anh Vũ, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn đã đưa ra những ý kiến chia sẻ: Việc đổi tiền lẻ là nhu cầu có thật trong xã hội và tăng cao vào dịp lễ Tết. Tuy nhiên, việc đầu cơ, đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch, nhằm trục lợi cá nhân cũng như hành vi đổi tiền lẻ sử dụng không đúng mục đích là các hành vi ảnh hưởng đến việc lưu thông tiền tệ và cần phải được ngăn chặn, xử lý.
Theo Công văn số 9222 và 9223/NHNN-PHKQ ngày 09/12/2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề nghị Bộ Công thương và Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan của đơn vị mình ở địa phương phối hợp cùng NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố, quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch tại các điểm di tích, đền, chùa, lễ hội.
Tuy nhiên, về tính khả thi của Công văn, chuyên viên Vũ phân tích: “Tôi cho rằng chủ trương này là đúng nhưng có thể sẽ khó khả thi bởi lẽ còn thiếu chế tài cụ thể để xử lý hành vi này.
“Lệnh cấm đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch” xuất phát từ hai công văn của Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể được xem là chủ trương, đề xuất, không phải là quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ cũng không có quy định cụ thể để xử lý hành vi đổi tiền lẻ nhằm hưởng chênh lệch.
Do đó, để giải quyết tình trạng đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch tràn lan như hiện nay, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, vận động, đồng thời sớm ban hành chế tài cụ thể để xử lý”.
Như vậy, một khi văn bản đã ra, mà chế tài và hướng dẫn xử lý chưa có, thì mọi chuyện vẫn là “nói miệng”, và thật khó để tình trạng buôn bán, đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch chấm dứt hay vãn hồi. Có lẽ, mọi chuyện vẫn đành chờ đến “Tết sang năm”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Công an phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch trong dịp Tết Nguyên đán 2014. Chủ trương này nhằm hạn chế những tiêu cực xảy ra đối với hình thức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân giảm bớt tình trạng sử dụng tiền nhỏ, lẻ không đúng mục đích, góp phần bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí cho xã hội.