“Qua hơn 20 năm từ khi thực hiện ca ghép tạng đầu tiên, Việt Nam thực hiện được 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 8 ca ghép tủy, 1 ca ghép thận tụy... tổng số ca ghép tạng đã thực hiện trong thời gian qua là con số còn quá ít so với tiềm năng hiện có. Bởi trình độ ghép tạng của đội ngũ bác sỹ Việt Nam hiện nay được đánh giá ngang tầm khu vực và quốc tế. Ghép tạng đã và đang là một trong những niềm tự hào của ngành y tế Việt Nam, góp phần đưa ngành y tế hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới” - bác sỹ Sơn cho biết.
Tuy nhiên, hiện nay ngành ghép tạng Việt Nam đang đứng trước thực trạng thiếu trầm trọng về nguồn mô tạng để cấy ghép. Do, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Trong khi nhiều mô tạng từ nguồn các ca chết não, chết vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh.“Rào cản lớn nhất trong việc hiến tạng thuộc về những định kiến, quan niệm xã hội. Ngay cả với những người đồng ý cho người thân hiến tạng sau đó cũng phải chịu những áp lực từ bạn bè, họ hàng. Do đó, nguồn cho các bệnh nhân cần được hiến tạng vẫn đang rất khan hiếm” - bác sỹ Sơn nhận định.
Trước thách thức đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xóa bỏ định kiến về hiến tạng tại Việt Nam? Hầu hết, các chuyên gia cho rằng, trong vấn đề này, truyền thông có một vai trò quan trọng trong việc tác động, thay đổi nhận thức của công chúng về việc hiến tạng. Theo PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương - Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, để từng bước làm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng, truyền thông cần phải đi trước để nâng cao nhận thức chung của cộng đồng trong phòng chống và điều trị ung thư, cũng như mở đường cho công tác hiến, tặng mô, tạng. Qua đó làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi người dân, tiến tới chủ động tham gia hiến, tặng mô, tạng trong toàn xã hội... Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội cho rằng truyền thông trong vấn đề hiến tạng chưa thực sự hiệu quả. Theo chuyên gia, không chỉ đơn giản là việc đưa tin một người hiến tạng có thể cứu sống bao nhiêu người, mà cần thể hiện một cách nhân văn, sâu sắc hơn nữa.
Theo bác sỹ Trịnh Hồng Sơn, việc tiếp cận thông tin về người hiến tạng cũng là một rào cản đối với người làm báo. Bởi, theo luật, người hiến tạng có quyền được giữ bí mật việc hiến tạng với người thân, dư luận. Do đó, truyền thông muốn tiếp cận cũng rất khó khăn. Mặt khác, các nhà báo phải tìm ra một cách tiếp cận, triển khai tin bài đặc sắc hơn, chứ không mãi khô cứng theo lối mòn “ca tụng” vô hồn.
Đồng quan điểm với bác sỹ Trịnh Hồng Sơn, nhà báo Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế chia sẻ, nhà báo thông tin về các sự kiện, vấn đề của nhiều lĩnh vực khác nhau đều phải thận trọng, song truyền thông y tế càng phải thận trọng hơn nữa vì đặc thù ngành y có khối lượng kiến thức khổng lồ, đòi hỏi mỗi phóng viên phải tìm hiểu sâu hơn khi viết. Đặc biệt, đưa tin về ngành y phải hướng tới tính nhân văn, không thể vì bất cứ một áp lực nào khác về lượng view, về sự nổi tiếng, thu nhập… mà làm tổn hại đến cộng đồng.
Thực tế, thông tin về y tế luôn được người dân hết sức quan tâm, như bài học về vắc xin là ví dụ điển hình, rất nhiều ông bố bà mẹ trẻ đã không dám đưa con đi tiêm vắc xin chỉ bởi vì lo ngại vào mấy phần trăm rủi ro. Kết cục là chúng ta có dịch sởi bùng phát ở trẻ em cách đây mấy năm và nhiều trẻ em đã tử vong, một phần lỗi do công tác truyền thông.