[Truyện ngắn] Khoảng Lặng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLVN) - Linh vừa đặt mua hộp phấn mười viên trên mạng với giá hai mươi tám nghìn đồng. Tất nhiên có loại khác rẻ hơn nhưng nàng không chọn vì nhiều bụi. Tháng trước một đồng nghiệp của nàng đã nhập viện do bệnh phổi.

Trước đây mỗi viên phấn đều được nàng miết trên bảng cho tới khi mòn đi chỉ còn một mẩu rồi mới thả vào sọt rác. Nhưng bây giờ nàng thường chỉ viết được một nửa hay một phần ba là phải thay viên khác. Điều đó khiến nàng buồn bã mãi không thôi. Nàng nghĩ đến những lúc phải kiềm chế căng thẳng trong giờ giảng bằng cách tì mạnh phấn vào bảng, viên phấn gãy đôi, rơi xuống bục vỡ vụn ra thành vài mảnh. 

 - Có lẽ em nên nghĩ về cách dùng phấn.

Thụy bình thản nói khi những giọt cà phê chậm rãi rơi xuống chiếc ly thủy tinh. Ngoài kia trời mải miết mưa, họ ngồi cùng nhau trong lúc trống giờ, vừa ngắm con đường mịt mù vừa lắng tai nghe tiếng chuông báo vào tiết học. Hồi sinh viên Thụy mê mẩn những cung đường, bất cứ lúc nào rảnh là khoác máy ảnh đi cho tới khi bộ nhớ đầy lên bởi hàng trăm tấm hình chụp đủ mọi khoảnh khắc. Thế nhưng từ khi tốt nghiệp rồi về công tác ở ngôi trường cách nhà hai mươi lăm cây số, buổi sáng anh lên lớp còn buổi chiều bận rộn với bài vở hồ sơ, phần ít ỏi thời gian còn lại dành để cắm cúi chạy xe cho kịp giờ làm. Ước mơ rẽ ngang để khám phá một con đường mới bỗng trở thành xa xỉ.

Quãng đường mình đi dạy trong mười năm qua vừa đủ bằng một vòng chung quanh trái đất, Thụy thầm nghĩ thế khi nhấc chiếc phin ra khỏi ly cà-phê bên phía Linh và bắt đầu khuấy. Anh đã quen Linh đủ lâu để biết khẩu vị của nàng, khoảng tầm sáu mươi bảy giọt là đủ để nàng thưởng thức vị nâu béo thơm lừng sánh quyện. Hình như nàng có vẻ trầm tư, vì hộp phấn mới mua, vì con đường rữa nát dưới mưa hay vì ông hiệu trưởng thông báo có một suất biệt phái giáo viên về bên uỷ ban trong năm năm để thực hiện dự án của nước ngoài nhằm phát triển kinh tế văn hóa miền núi?

* * *

Ở trường mọi người đều nghĩ Linh và Thụy là một đôi. Phần lớn thời gian họ ở cạnh nhau, chia sẻ sở thích đối với cà-phê, nghệ thuật nhiếp ảnh và món salad ớt chuông ít hành nhiều giấm. Ông hiệu trưởng từng bảo: Cưới nhau đi, hai người cứ như một cặp trời sinh vậy. Đáp lại Linh chỉ cười cười.

Thực ra nàng đã âm thầm để ý đến Thụy ngay từ khi mới về trường. Thụy đặc biệt trong mắt nàng bởi anh luôn luôn tận tâm với công việc, hiểu rõ giá trị của bản thân cũng như của những người chung quanh. Cái nhìn bình thản thấu suốt, khả năng chịu đựng đối với hoàn cảnh cùng với sự che giấu nỗi khắc khoải nội tâm của anh khiến nàng kinh ngạc. Họ nhanh chóng làm thành một cặp đôi ăn ý, dường như cả anh và nàng đều ít nhiều cảm thấy người kia giống tấm gương phản chiếu của chính mình vậy.

Đó là lí do thời gian này Linh lúng túng khi gặp Thụy, cả trường chỉ hai người đủ tiêu chuẩn cạnh tranh suất tham gia dự án này của uỷ ban nhưng rõ ràng anh có ưu thế hơn nàng về nhiều thứ. Nàng phảng phất nhận ra dư vị đắng đót của tình thế mà mình đang mắc kẹt vào.

 - Em vẫn luôn tự hỏi vì sao anh lại gắn bó với công việc dạy học ở một nơi như thế này?

Thụy nhấc chiếc phin cà phê của anh sang một bên. Trời tiếp tục mưa và tiếng nước rơi trên mái tôn ầm ĩ khiến anh mất tập trung nên hình như đã đếm nhầm số giọt nhỏ xuống.

- Hồi học xong mười hai anh yêu một cô bạn gái cùng lớp. Cô ấy chọn ngành này nên anh đăng kí vào đó để ngày nào cũng được gặp nhau.

Chẳng có lí do nào giản dị hơn thế khi ta mười tám tuổi, nàng vừa nghĩ vừa từ tốn khuấy cà-phê cho đến khi hai màu đen trắng hòa vào nhau cùng những tăm bọt sủi lên mép thành. Bảy năm trước, nàng bước vào nghề với tâm hồn thanh xuân trong trắng và hăm hở, tràn đầy khát vọng thổi luồng gió mới vào những khuôn thước đã trở nên già nua cũ kỹ. Nhưng theo thời gian, nàng nhận ra rằng vị ngọt trong li cà-phê ngày càng ít dần đi. 

Thứ bảy tuần sau hội đồng bắt đầu tiến hành bỏ phiếu đề cử, nếu không được chọn hẳn nàng sẽ cảm thấy thất vọng ghê gớm. Có những cánh cửa chỉ mở ra một lần trong đời và bây giờ nàng đang muốn bước ra khỏi căn phòng cũ.

- Em đã luôn cố gắng để theo đuổi những điều đẹp đẽ nhất. Đáng tiếc là trong nghề của chúng ta nhiều khi mọi thứ không diễn ra theo ý muốn chủ quan của mình. Thế rồi thời gian gần đây em thường xuyên làm gãy phấn. 

Linh định nói thêm một câu nữa nhưng bất chợt bắt gặp ánh mắt điềm tĩnh của Thụy đang hướng về mình nên im lặng. Nàng xoay người ra phía lối đi chìm khuất trong lá mục, tự hỏi có điều gì đằng sau cái nhìn xa thẳm của anh mà nàng biết mình mãi mãi không thể nào chạm tới.        

* * *

Trời xế chiều khi Linh đến thăm thầy giáo cũ đã nghỉ hưu, căn nhà nhỏ của thầy Nhân nằm sâu trong hẻm có hai cây xuyên mộc rủ xuống những chùm hoa tim tím. Thầy ngồi đọc sách trước hàng hiên, nắng thu chiếu lên mái tóc bạc khiến nàng lặng đi một chút trong khung cảnh dìu dịu buồn buồn.

- Thầy không thấy niềm vui lấp lánh trong mắt con như trước, có chuyện gì đã xảy ra sao?

- Con không biết nữa - Linh cố nén tiếng thở dài - Mọi thứ đã khác đi quá nhiều so với ngày xưa, những đứa trẻ và các kì thi đều đã khác. Kể cả những viên phấn cũng thay đổi, chúng ít bụi hơn nhưng lại dễ gãy, con thường xuyên làm gãy.

Thầy chậm rãi rót trà vào tách, từng giọt vàng sóng sánh như mật ong cùng mùi thơm ngọt dịu lan tỏa dần theo làn hơi mỏng. Thứ trà shan tuyết này được một học trò cũ của thầy lấy chồng về Suối Giàng thu hái từ những cây cổ thụ mọc trên đỉnh núi quanh năm mây phủ gửi tặng, ủ bằng ấm tử sa do một học trò khác đi công tác nước ngoài mang về. Không hẹn mà mùa thu này này thầy nhận được hai món quà cùng một lúc dẫu hai đứa học trò chung lớp thuở ấy đã ở hai hoàn cảnh quá khác xa nhau. Thầy nhấp môi chén trà, khẽ bảo:

 -  Những đứa trẻ vẫn luôn luôn như thế. Con phải học cách lắng nghe.

Linh lặng lẽ thưởng trà, cảm nhận vị đắng nhân nhẩn chạm vào đầu lưỡi tan nhanh để lại dư âm ngọt thanh mãi như hương núi rừng đọng lại. Thật lạ lùng khi đắng và ngọt lại có thể lẫn vào nhau, nàng ngập ngừng mãi vẫn không thể tìm được cách nói với thầy giáo cũ điều mình đang nghĩ. Từ cái thủa say đắm đầu tiên đứng trên bục giảng cho đến tận bây giờ sau bao nhiêu mỏi mệt, nàng vẫn luôn tự nhắc mình hãy học cách lắng nghe nhưng dường như càng ngày mọi thứ càng khó khăn. Có bao nhiêu âm thanh ồn ã ngoài kia đập vào giảng đường tựa cơn lốc xoáy.

 - Hình như con đã suy nghĩ nhiều quá rồi, thầy ạ.

Nàng chào thầy ra về. Điều muốn nói đành giữ lại quẩn quanh trong chiều nắng tắt. Khá nhiều giáo viên và cán bộ lãnh đạo ở đây đều là học sinh cũ của thầy, chỉ cần nhờ được thầy cho ý kiến tác động thì chắc chắn nàng sẽ chiếm lợi thế trong vòng bỏ phiếu cũng như vòng phỏng vấn. Nàng không thể để mất cơ hội chuyển sang ủy ban. Đã từ rất lâu rồi nàng khao khát có một môi trường mới, một không gian mới, một vị trí công tác mới để thỏa sức thể hiện hết năng lực của mình.

* * *

Hội đồng sư phạm họp bỏ phiếu vào thứ bảy khi bên ngoài trời đổ mưa. Những tán bàng ướt sũng nước đứng thành hàng trầm tư trên sân trường mênh mông vắng ngắt. Trong một trăm mười tám phiếu bầu có một trăm mười sáu phiếu chia đều cho Linh và Thụy, hai phiếu còn lại là phiếu trắng. Ông hiệu trưởng thông báo nhà trường sẽ lập danh sách cả hai người trình lên ủy ban để cùng vào vòng thi phỏng vấn.

Tan họp, Thụy tới chỗ Linh ngồi định rủ đi uống cà-phê nhưng nàng đã vội vã rời đi, nhanh đến nỗi để quên luôn cuốn sổ hội họp dưới hộc bàn cùng vô số viên phấn bị bẻ gãy tới khi nát vụn. Anh đứng lặng đi một lát. 

Chiều đột ngột hửng nắng sau những ngày mưa, ông giáo Nhân vừa gập cuốn sách lại để thưởng thức vị trà shan tuyết thì Thụy đến. Dẫu không phải là học sinh cũ của ông nhưng anh thường ghé qua đây mỗi khi thấy lòng chông chênh trống vắng, tuổi tác khác nhau nhưng từ lâu ông giáo đã coi Thụy như bạn tâm giao.

 - Thường thì người quen với trà sẽ không thích cà-phê và ngược lại. Riêng con bé Linh thì không thế. Nó có thể uống được cả hai, chắc cậu cũng nhận ra điều đó.

 - Cô ấy luôn luôn đặc biệt, ít ra đối với em là như vậy.

Ấm nước sôi reo lên giòn giã ở góc tường cùng với luồng hơi nóng bốc lên. Ông giáo rút phích điện, cẩn trọng cho cà phê vào phin rồi đặt trên chiếc cốc sứ trắng muốt.

 - Nghe Linh nói cậu có thói quen ngắm những giọt cà-phê rơi xuống và biết mỗi ly cần bao nhiêu giọt thì chuẩn vị. Bây giờ nếu không để phin trên ly thủy tinh nữa thì cậu làm cách nào để nhận ra đây?

Thụy nhìn gương mặt thư thái của ông giáo, tự nhiên thấy lòng mình tĩnh lại:

- Em nghĩ mình vẫn biết thầy ạ. Mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng khi chúng ta học được cách lắng nghe.

Ông giáo khẽ gật đầu, họ ngồi lặng im như thế trong suốt phần còn lại của buổi chiều bên những trang sách mở. Sau khi rời khỏi nhà ông giáo, Thụy gọi điện cho hiệu trưởng để đề nghị rút tên khỏi danh sách dự thi vòng phỏng vấn. Giờ chỉ còn lại Linh là ứng cử viên vững vàng nhất, với năng lực của mình chắc chắn nàng sẽ được tham gia dự án của ủy ban.

Thụy đi về phía trường học, một nhóm học sinh vừa tan lớp buổi chiều ríu rít cất tiếng chào thầy, nụ cười hồn nhiên cùng ánh mắt sáng ngời lấp lánh. Anh mỉm cười vẫy tay với lũ trẻ rồi thoáng nghĩ về Linh, biết rằng nàng sẽ còn tiến rất xa trên con đường sắp tới. Anh đã chọn mình là người ở lại, bên những đứa trẻ, bảng đen, phấn trắng và khoảng lặng bình yên sâu thẳm nơi trái tim.

Truyện ngắn của Trọng Bách

Tin cùng chuyên mục

Chị Bùi Thị Thu Huyền cầm trên tay hai chiếc cúp danh dự của Liên hoan phim SineMaya 2024. (Ảnh: TYM)

Câu chuyện thoát nghèo của người phụ nữ Mường chinh phục Liên hoan phim quốc tế

(PLVN) - Những ngày cuối năm 2024, tin vui đã đến khi bộ phim ngắn mang tên “Escaping Poverty: A Story of a Muong Woman Supported by TYM” được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của chị Bùi Thị Thu Huyền, một phụ nữ dân tộc Mường sống tại Thanh Sơn, Phú Thọ, đã đạt giải tại Liên hoan phim quốc tế SineMaya 2024. Bộ phim gây ấn tượng khi chị Huyền và các thành viên trong gia đình tự đóng vai chính, mang đến cảm xúc chân thực và sâu sắc.

Đọc thêm

Các thí sinh với trang phục dân tộc tại bán kết 'Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam 2024'

Các thí sinh với trang phục dân tộc đại diện cho bản sắc văn hoá của 54 dân tộc anh em. (ảnh BTC)
(PLVN) - Các thí sinh với trang phục dân tộc đại diện cho bản sắc văn hoá của 54 dân tộc anh em. Tiết mục đã khiến tất cả mọi người trong như vừa được sống lại với không khí hào hùng và mang đầy hào khí của dân tộc Việt Nam qua hơn 4.000 năm lịch sử tại đêm Bán kết “Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam 2024 - Miss Brand VietNam 2024” vừa diễn ra tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Nhạc Trịnh qua phong cách jazz

Nhạc Trịnh qua phong cách jazz do ca sĩ Quỳnh Phạm thể hiện vừa phóng khoáng vừa có chút tự sự. (Ảnh: Hanoi Blues Note)
(PLVN) - Trong Album “Rồi như đá ngây ngô”, 5 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được ca sĩ Quỳnh Phạm thể hiện theo phong cách jazz của riêng cô, vừa có chút phóng khoáng vừa có chút tự sự, trong không khí lắng đọng đến từ những trải nghiệm cuộc đời.

Phần thi mới lạ xuất hiện ở Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024

Phần thi mới lạ xuất hiện ở Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024
(PLVN) - Cuối tuần qua, tại TP HCM, các thí sinh Hoa hậu Quốc gia Việt Nam tham gia 2 phần thi: Người đẹp tài năng và Người đẹp nữ công gia chánh. Phần thi Người đẹp nữ công gia chánh là phần thi mới lạ, mang tinh thần tôn vinh văn hóa và truyền thống của người phụ nữ Việt.

Dương Trà Giang đăng quang Hoa hậu Sinh viên Việt Nam 2024

Dương Trà Giang đăng quang Hoa hậu Sinh viên Việt Nam 2024
(PLVN) - Tối 15/12, tại Quảng trường Biển Marina Bay, TP Hạ Long, Quảng Ninh, vượt qua 26 thí sinh nổi bật, Dương Trà Giang, người đẹp đến từ Trường Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc Gia Hà Nội xuất sắc đăng quang, trở thành tân Hoa hậu cuộc thi Hoa hậu Sinh viên Việt Nam 2024.

Sẽ diễn ra Concert 3 Anh trai vượt ngàn chông gai tại TP. HCM vào tháng 3/2025

Concert 2 của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra vào tối qua (14/12) tại Vinhomes Ocean Park 3 (Ảnh: Page Anh trai vượt ngàn chông gai).
(PLVN) - Tối qua (14/12), Concert 2 của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai đã diễn ra thành công tại Vinhomes Ocean Park 3 (tỉnh Hưng Yên). Đêm diễn kéo dài khoảng 5 giờ đồng hồ, 31 anh tài cùng dàn khách mời mang đến nhiều tiết mục âm nhạc được đầu tư công phu, chỉn chu thu hút hàng ngàn khán giả tham gia. Các "anh trai" đã làm nên hiện tượng chưa từng có ở thị trường nhạc Việt.

Chuyện tình đẹp như mơ của “Đôi song ca miền thùy dương”

Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết được biết đến với mối tình thủy chung. (Nguồn: Thegioigiaitri)
(PLVN) - Vào thập niên 50, 60, cặp đôi danh ca Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết là một trong những “ngôi sao” của làng tân nhạc Việt Nam. Gần 60 năm bên nhau, cặp đôi Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết không chỉ ghi dấu trong lòng người hâm mộ bằng những câu hát rung động lòng người, mà còn bằng mối tình sắt son, thủy chung của cả hai.

Xiếc 'Đám cưới chuột' sắp 'trình làng'

“Đám cưới chuột” đậm chất lễ hội dân gian qua ngôn ngữ xiếc (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Chương trình xiếc tạp kỹ “Đám cưới chuột” được dàn dựng thông qua ngôn ngữ hành động của xiếc với các thể loại: nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, ảo thuật… để kể lại một câu chuyện vừa hài hước, hóm hỉnh, vừa mang ý nghĩa giáo dục một cách hấp dẫn, đậm chất lễ hội dân gian.

'Gương mặt vặn vẹo' - đối mặt nhiều vụ án ly kỳ, hóc búa

Phim khai thác đề tài tâm lý tội phạm. (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Bộ phim xoay quanh hành trình điều tra và truy bắt tội phạm gian nan của “Đội 7”, đối mặt nhiều vụ án ly kỳ, hóc búa. Hình ảnh nhân vật phản diện được xây dựng từ những ám ảnh thời thơ ấu, tổn thương tâm lý cho đến những biến cố không thể lường trước trong cuộc sống. Chính những điều này đã biến họ từ con người bình thường thành những kẻ tội phạm đáng sợ, nhưng cũng khiến người xem ít nhiều hiểu và đồng cảm.

“Vằng vặc trăng quê” - đong đầy hồn quê

"Vằng vặc trăng quê" lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm “hồn quê” Bắc Bộ (ảnh P.V).
(PLVN) -  Tản văn “Vằng vặc trăng quê” của nhà báo Ngô Bá Lục không chỉ kể chuyện đời thường, đong đầy tình yêu thương mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm “hồn quê” Bắc Bộ.