[Truyện ngắn] Đất

[Truyện ngắn] Đất
(PLVN) - Ông Tư kê chiếc ghế dựa sát vào khung cửa kính, đôi mắt già nua nhìn chăm chăm vào ngọn cây me trước nhà. Qua khung cửa đóng kín, ông như vẫn nghe được tiếng lích chích của mấy con chim sâu đang rúc trên ngọn cây tìm mồi. Rồi cả tiếng gió xào xạc nơi ngọn cây ấy, như thổi sướt qua tai ông, phủ lên làn da nhăn nheo đầy những đốm đồi mồi, mát rười rượi.

Thực tế, chỉ có tiếng máy lạnh trên tường đang rì rì chạy hết công suất, phả ra hơi gió lành lạnh, khô cong. Còn ngoài kia, bầu trời như đang đổ ụp cả chảo lửa xuống mặt đất. Mấy ngọn me cũng ỉu xìu rủ lá, buồn hiu buồn hắt, làm gì có đàn chim nào líu ríu trên cây. Chắc chúng đã bay đi đâu đó, tìm cho mình một khoảng trời mát mẻ. Chỉ có ông là vẫn ngồi ở đây. Mỗi ngày. Nhìn ra hàng cây trước đường, rồi bâng quơ nghĩ về mảnh vườn ở quê nhà. “Trời nắng nóng thế này, chỉ có ở quê là sướng nhất, bà nhỉ”, ông nói với vợ. Đáp lại ông chỉ có tiếng thở dài lặng lẽ của bà Tư.

Quê ông, chỉ cách thành phố chừng 30 km, chạy xe non nửa giờ đồng hồ là đến. Ở quê, ông cũng có một mảnh vườn xanh um đầy cây trái nằm nép bên con đường làng quanh co, phía trước là dòng sông xanh ngắt. Mùa nắng, nước càng xanh trong, mát rười rượi.

Hồi ấy, cái dải đất ở vùng thượng nguồn sông Hương quê ông còn hoang sơ dữ lắm, người ở cũng thưa thớt chứ không đông đúc như bây giờ. Cha mẹ ông Tư theo người quen lên đó khai khẩn, rồi lập ruộng lập vườn. Khi ba anh em ông Tư lấy vợ, cha mẹ cắt cho mỗi người một miếng đất làm nhà, lập vườn, ổn định cuộc sống. Ông Tư với ông Ba được cha mẹ chia mỗi người một phần. Riêng ông Hai là con trưởng, phải hương khói cho ông bà, được chia gấp đôi.

Trong mấy anh em, chỉ mỗi ông Tư được học hành đến nơi đến chốn, nên mới may mắn thoát kiếp làm nông. Rồi sau này ông được cơ quan cấp cho căn nhà tập thể, cả nhà ông Tư liền di cư về phố. Mỗi cuối tuần, gia đình ông lại đùm túm nhau về quê, chăm nom mảnh vườn nhỏ được cha mẹ chia cho ngày trước. Mảnh vườn nhỏ ông trồng đủ loại cây trái. Dọc hàng rào, ông còn trồng vô số gốc sến. “Để mai mốt hai thằng con trai lấy vợ, có gỗ cho nó dựng nhà”, mỗi lần leo trên cây sến xả nhánh, ông đều nói vậy.

Ông Tư thường nghĩ về cảnh mình về hưu. Căn nhà ở phố, ông sẽ giao lại cho hai đứa con trai. Ông và vợ sẽ về quê, sửa sang lại ngôi nhà ba gian nho nhỏ trên mảnh vườn ấy, rồi vui hưởng tuổi già. Buổi sáng thì ngồi uống trà cùng mấy ông bạn già trong xóm ngắm bình minh, chiều lại ngồi chơi cờ chờ hoàng hôn khuất dần sau dãy núi. Ngày ngày quanh quẩn trong vườn, bận rộn trồng cây trồng hoa, chẳng mấy chốc mà qua hết tuổi già. Giờ ông đã về hưu hơn chục năm, những vẫn phải loay hoay nơi góc phố chật hẹp. Mảnh vườn ở quê, cứ nghĩ đến lại thêm rầu.

“Nếu hồi xưa tui không cho tụi nhỏ đến ở nhờ, chắc chẳng lắm chuyện như bây giờ. Bà nhỉ?”. Ông Tư trầm ngâm. “Tụi nhỏ” mà ông nói, là cháu gọi ông Tư bằng chú ruột. “Mình già đời còn vấp cảnh “tu hú chiếm tổ chim cu”, nghĩ mà tức”. Ông lại lầu bầu với vợ. “Ôi giời, cháu ông ở, thì khỏi phần con ông. Thiên hạ chẳng bảo: “sảy cha còn chú” đấy thôi. Của mình thì trước sau vẫn là của mình. Ông nghĩ ít đi, cho bớt nhọc”, bà Tư khuyên chồng. Nói thì dễ, chứ mấy ai làm được, bà Tư nghĩ thầm trong bụng sau khi an ủi chồng.

Dạo này, ông Tư hay nghĩ về chuyện xưa. Nhất là chuyện cái hồi cho thằng cháu về ở nhờ trên đất của mình. Ông nhớ rõ lắm. Như thể chuyện mới xảy ra từ hôm qua, hôm kia, chứ chẳng phải là chuyện của mười mấy, hai mươi năm về trước. “Bà nhớ không, năm đó anh Hai với vợ chồng đứa con trai gây nhau đến nỗi cha con từ mặt nhau. Nhìn hai vợ chồng thằng Hiền với mấy đứa con đùm túm nhau ra khỏi nhà, che chòi che tạm bợ dưới gốc mít, tui nhìn cũng đau ruột mà anh Hai cứ mặc kệ. Nhà mình ở quê để không, lâu lâu mới lên một lần nên tui mới kêu tụi nhỏ dọn vào ở để trông cửa trông nhà”, ông Tư nhớ lại.

“Khi không lại trở thành khách trong nhà mình, ông nghĩ có buồn cười không? Tưởng có tụi nó ở, cây cối trong vườn sẽ được chăm sóc tốt hơn chứ ai ngờ. Tui nhớ lần đó lúc về quê, thấy cây cối trong vườn bị vợ chồng thằng Hiền chặt bán hết, cả dãy sến dọc hàng rào  cũng bị tụi nó bán mất. Tui chưa từng thấy ông giận dữ như thế bao giờ. Tụi nhỏ giận dỗi, liền gồng gánh nhau ra dựng cái chòi cạnh vạt nứa ngoài đường để ở”, bà Tư cười cười góp chuyện với chồng.

“Tụi nó giận hờn dọn ra khỏi nhà, rồi tới hồi ở đâu được mấy bữa thì mùa mưa về. Ở ngoài lùm nứa bị sên, vắt tấn công dữ quá, tụi nó lại về năn nỉ bà cho dọn vào ở lại. Mà bà cũng mềm lòng thật”.

“Mềm lòng sao bằng ông. Tụi nó ở tạm, rồi ở riết đuổi không chịu đi, còn bảo vườn do ông bà nội tụi nó lập ra, nên nó được quyền ở. Vậy mà ông vẫn nhịn”.

“Không nhịn thì làm gì? Gây gổ rồi từ mặt nhau? Lấy lại đất thì dễ, nhưng không để mất tình cảm mới khó. Anh em ruột thịt mình, có được mấy người đâu. Ngày xưa cha mẹ tui trước lúc qua đời, đã dặn đi dặn lại, không được vì chuyện đất đai mà tranh giành nhau, bà cũng biết mà”. Ông Tư thở dài, cái thở dài của ông lão đã nhẫn nhịn đến tận cùng. 

“Bây giờ, ai cũng bỏ phố về quê. Mình có đất, có vườn ở quê mà chẳng có chỗ về”, bà thở dài, giọng nhỏ rí như thể sợ chồng nghe được lại buồn.

Ông lại nhớ chuyện mấy bữa trước, ông bà về quê đặt đá, định xây sẵn hai ngôi mộ, để sau này ông bà trăm tuổi, thì về với quê hương. Ông tính rồi, con cái ông đều ở phố cả, nếu mồ mã cha mẹ ở quê tụi nó còn năng lui tới. Chứ ông bà không còn, chắc tụi nó cũng biền biệt mất. Rẫy chè ngày xưa của ông, vậy mà giờ ông muốn dùng, thằng cháu lại nhất quyết không cho.

Ông nghĩ, có lẽ tại mình già rồi, nên lần nào ông cũng lùi bước trước. Bà an ủi, “mình có sẵn đất ở nghĩa trang thành phố, hay là vợ chồng mình cứ nằm ở đó, cho con cái nó thăm cho gần”. Ông biết, đó là bà an ủi ông vậy thôi. Chứ nếu muốn, bà đã chẳng đồng ý cùng ông về quê. 

Hồi vợ chồng thằng Hiền được đứa con gái lấy chồng Việt kiều gửi tiền về xây cái nhà kiên cố trên miếng đất được ông Hai chia phần. Ông Tư thấy mà mừng, coi như cũng đến ngày khổ tận cam lai. Có nhà rồi, chắc miếng đất của ông, nó chẳng thèm ở tiếp. Vậy mà không hiểu sao được dăm bữa, vợ chồng thằng Hiền lại sống riêng. Sáu mươi tuổi rồi mà còn bày đặt chia nhà với vợ để ở. Thằng cháu ông nhất định bám trụ trên miếng đất của ông, không chịu trả. 

Có nhiều lúc, ông muốn làm một trận bung bét, ra sao thì ra. Nghĩ, nghĩ, rồi ông lại nghĩ đến cha mẹ mình. Nên ông lại thôi. Nhưng cục tức này, ông ngậm đã lâu, mà càng ngậm lâu càng thấy đắng.

* * *

Con trai thằng Hiền ghé nhà ông Tư khi trời đã tắt nắng từ lâu. Thằng nhỏ bận bộ đồ còn dính đầy vữa hồ trên áo. Nó bảo mới đi phụ hồ về. “Chuyện miếng đất ở quê, con nói miết mà ba mẹ con không nghe. Thôi ông cho ba con ở hết đời ba con. Khi nào ba con mất, tụi con sẽ trả lại đất cho mấy chú. Được không ông?”. Ông Tư nghĩ, không ngờ đợi đến cuối đời, lại nghe được một câu hứa hẹn của con trai thằng Hiền. Coi như ông cũng an tâm. Ít ra nay mai ông không còn, mấy đứa con của ông cũng không vì miếng đất ở quê mà xào xáo. 

Nghe đâu, từ hồi có cái đường cao tốc chạy ngang qua làng, đất lên giá hẳn.

Truyện ngắn của Hà Lê

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.